Trong hoàn cảnh mang tính “tình thế” ấy nếu không có sự động viên của bạn bè đồng nghiệp, sự chia sẻ và thấu hiểu của vợ con, gia đình, nói tếu táo là của “hậu phương”, sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn, sự gắng gỏi nếu không muốn nói là sự vượt lên của chính mình thì cũng dễ giữa đường đứt gánh, khó đi đến đích. Bên cạnh và đi cùng với sự động viên, chia sẻ của bạn bè, gia đình, người thân, tổ bộ môn và Khoa Văn nơi tôi công tác, tôi may mắn có được một người thầy mà tôi muốn trân trọng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc: Giáo sư Phong Lê.
Với tôi, Giáo sư Phong Lê là người hướng dẫn khoa học, nghĩa là thầy. Trên phương diện nghề nghiệp, xin phép gọi ông là đồng nghiệp như có lần ông đề tặng tôi cuốn sách cách đây tám, chín năm về trước. Nhưng trước hết, trên hết quan hệ giữa Giáo sư Phong Lê và tôi, mà tôi luôn có ý thức trân trọng, giữ gìn và cũng là giới hạn trong tiếp xúc, giao lưu, ứng xử vẫn là quan hệ thầy - trò.
Trước khi tôi là học trò trực tiếp của Giáo sư Phong Lê, được ông hướng dẫn luận án và sau này cả hai thầy trò cùng tham gia giảng chuyên đề, hướng dẫn và tham gia các Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp cho anh chị em học viên hệ đào tạo Sau Đại học thuộc chuyên ngành Lý luận văn học và Văn học Việt Nam, Giáo sư Phong Lê đã nhiều lần đến với Đại học Vinh hiện nay, Đại học Sư phạm Vinh trước đây. Nhưng tôi thực sự gặp Giáo sư mới chỉ hơn mười năm khi tôi ra Thủ đô kinh kỳ “tầm sư học đạo”. Ngần ấy thời gian tiếp xúc, Giáo sư Phong Lê đã để lại trong tôi, nơi tôi nhiều ấn tượng đẹp, nhiều kỷ niệm quý về một người thầy, một nhà nghiên cứu phê bình văn học đáng kính.
Sự đóng góp của Giáo sư Phong Lê đối với lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam hiện đại trong quá trình hiện đại hoá đã được giới chuyên môn, chuyên gia, bạn đọc đánh giá qua các công trình được ông suy ngẫm và chuẩn bị trong nhiều chục năm, tiêu biểu như Văn và Người; Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn học Việt Nam hiện đại; Nam Cao - Phác thảo sự nghiệp và chân dung; Văn học trên hành trình thế kỷ XX; Vẫn chuyện văn và người; Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại; Văn học Việt Nam hiện đại - những chân dung tiêu biểu, v.v... được xã hội ghi nhận qua các học hàm và Giải thưởng cao quý mà Nhà nước phong tặng, trao tặng. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới một khía cạnh trong những mối quan hệ thân tình, gần gũi giữa Giáo sư Phong Lê và tôi. Trong cảm nhận của tôi, ông là một người rất dễ gần gũi chứ không phải như người ta thường hình dung về những bậc quyền cao, chức trọng. Nói như vậy chắc cũng không quá lời bởi vì Giáo sư Phong Lê từng có một thời gian khá dài đảm đương cương vị Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học (từ 1988 đến 1995), là Uỷ viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (từ 1989 đến 1996), là Chủ tịch Hội đồng xét phong học hàm Nhà nước liên ngành Ngữ - Văn (1990-1995)...
Những người nắm giữ những cương vị cao thường được người khác nhìn bằng “con mắt sử thi”, nghĩa là “kính nhi viễn chi”. Và chính họ, khi ý thức quá rõ về địa vị xã hội và với những “hào quang” vây bọc quanh mình thường ít có, hoặc không có điều kiện tiếp xúc, lâu dần thành xa mọi người, khiến mọi người khó gần họ, tạo cho nhiều người tâm lý ngại ngùng, thậm chí là sợ mỗi khi có việc phải tiếp xúc. Âu cũng là điều dễ hiểu. Đương nhiên, không phải ai cũng vậy. Là một người rất kỹ tính trong khoa học, Giáo sư Phong Lê lại là một người rất gần gũi trong đời thường, thậm chí có khi tôi cảm thấy ông lại rất chân tình, dễ tiếp xúc.
Hơn chục năm về trước, việc đi học Nghiên cứu sinh đối với tôi quả là nan giải, lấn cấn như kiểu “đi thì cũng dở, ở không xong”. Nản lắm. Mọi lý do không ngoài câu chuyện tá túc, trú thân tại Hà Nội suốt ngần ấy thời gian. Một câu hỏi luôn đeo bám tôi, thường trực trong tôi như một nỗi ám ảnh, đó là phải ở đâu khi phải xa nhà tới hàng trăm cây số, mặc dù nhà tôi ở Vinh, lúc đó, chẳng phải khang trang gì mà chỉ là hai gian nhà cấp bốn lụp xụp trong khu tập thể xây từ hồi những năm 70 của thế kỷ trước, được trường bán lại. May thay nỗi băn khoăn của tôi được giải toả khi tôi gặp Giáo sư Phong Lê. Lần đầu tiên đến Viện Văn học nộp hồ sơ dự thi Nghiên cứu sinh, liên hệ thầy hướng dẫn cũng là lần đầu tiên tôi đường đột gõ cửa phòng làm việc của ông (nay là phòng làm việc của một Ban trong Viện) xin ông hướng dẫn. Ông vui vẻ đồng ý. Sau vài câu tự giới thiệu, dăm ba câu chuyện xã giao đặt vấn đề, tôi buộc phải nói rõ băn khoăn của mình với ông về câu chuyện chỗ ở. Và cũng nhanh chóng, ngoài mong muốn của tôi, ông cho phép tôi (dĩ nhiên có sự trao đổi với lãnh đạo Viện Văn học) ở tại phòng làm việc của ông. Mặc dù tôi thấy như thế là phiền toái nhiều bề, là áy náy vô cùng nhưng cũng không thể khác được. Từ đó, suốt những năm liền kề, kể từ những ngày ôn thi đầu vào, học các chuyên đề tới lúc bảo vệ chính thức luận án, phòng làm việc của ông trở thành địa chỉ thân thuộc đối với tôi. Tôi không ngần ngại khi nói rằng mình đã quá may mắn khi gặp được một người thầy hướng dẫn bao dung, độ lượng.
Đối với tôi, Giáo sư Phong Lê là một người quá chu đáo. Chu đáo đến mức có những cử chỉ, tình cảm của Giáo sư và cô Vân Thanh dành cho tôi khiến tôi cảm thấy ngại ngùng. Nhiều lúc tôi nghĩ phải chăng tình nghĩa ấy là nghĩa cử của thầy đối với trò, và hơn thế có thể là “địa phương chủ nghĩa” chăng của những người cùng cảnh ngộ theo cách nói của Giáo sư: “Chúng ta cùng là lớp chúng sinh chịu được gió Lào”, khi ông ở tư cách cán bộ hướng dẫn, nhận xét về tôi trong ngày bảo vệ chính thức luận án mà tôi còn ghi giữ như một kỷ niệm đẹp làm ấm lòng mình mỗi khi nhớ lại những năm tháng đã qua. Giáo sư Phong Lê quê Hà Tĩnh, tôi quê Quảng Trị, xét về mặt địa lý cùng thuộc dải đất miền Trung nghèo khó. Vì vậy, nếu có một sự cảm thông nào đó âu cũng là điều dễ hiểu chứ sao. Một lần ra Viện Văn để học chuyên đề, tôi gọi điện xin phép đến thăm gia đình thầy cô. Nhân lúc thầy trò nói chuyện, tôi liếc thấy ở bàn làm việc của ông mẩu giấy ghi sẵn: “Hỏi Dương: chăn, chiếu, màn, xô, chậu,..”. Tôi vỡ lẽ ra rằng biết tôi ở xa, nhiều thứ nếu mang theo sẽ quá cồng kềnh nên ông đã có ý chuẩn bị cho tôi mượn đỡ vất vả. Tôi biết sự quan tâm của Giáo sư Phong Lê và cả Phó Giáo sư Vân Thanh dành cho tôi nhiều lúc vượt ra, vượt xa giới hạn giữa người hướng dẫn và học trò. Vợ và con tôi, nhiều lúc cũng được ông bà quan tâm thăm hỏi như những người thân thiết trong gia đình.
Suy nghĩ của tôi về sự chu đáo, bao dung của Giáo sư Phong Lê được củng cố khi những năm gần đây tôi cùng ông tham gia hướng dẫn và chấm luận văn tốt nghiệp cho anh chị em học viên Cao học nhiều khoá ở Đại học Vinh. Trong số nhiều học viên do ông hoặc người khác hướng dẫn vì những nguyên do khác nhau nên không phải người nào cũng thực hiện tốt yêu cầu mà cán bộ hướng dẫn mong muốn. Về phương diện khoa học, Giáo sư Phong Lê đòi hỏi cao đối với họ nhưng ông lại có phần nương nhẹ, cảm thông, tìm cái được, cái lý để cảm thông, và hơn thế, là bảo vệ học trò. Những bản nhận xét của ông về học viên này, hoặc học viên kia thường được viết dài, viết kỹ với cảm hứng trữ tình, hơi say sưa chút ít và có phần hùng biện. Cũng chính vì ông phân tích, lý giải say sưa và hùng biện khiến cho có người khi nghe ông đọc các bản nhận xét đã nói đùa rằng ông đang đọc tuỳ bút. Viết ra câu vui vui này, tôi nghĩ một người như ông chắc cười chứ chẳng giận, chẳng để bụng làm gì.
Sinh năm 1938, theo lịch Tây, năm nay Giáo sư Phong Lê bước vào tuổi bảy mươi với một hành trang tinh thần, một sự ngiệp không phải bình thường: là tác giả của hai mươi đầu sách in riêng, chủ biên hơn hai chục công trình, ấy là chưa kể hàng chục công trình khác cùng viết và tham gia biên soạn. Tuổi bảy mươi với ông quá đủ để hiểu người và hiểu mình. Tuổi bảy mươi cũng là tuổi xưa nay hiếm. Nhưng nhìn ông đi lại, nói năng tôi thấy ông đang dồi dào sinh lực, nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Ông vẫn sôi nổi, hùng biện thuyết trình, tranh luận các vấn đề văn chương - học thuật, vẫn tham gia giảng dạy chuyên đề cho nhiều sở đào tạo Nghiên cứu sinh và Cao học, vẫn nhiệt tình hướng dẫn luận án Tiến sỹ, luận văn Thạc sỹ, và đặc biệt vẫn miệt mài, say mê không biết nản: đọc và viết, viết rồi đọc, đọc để viết. Gặp lúc nào cũng thấy ông đăm chiêu nghĩ ngợi điều gì đó và dường như lúc nào bên cạnh ông cũng là cuốn sổ ghi chép và cây bút. Nghĩa là lúc nào cũng thấy ông làm việc, có việc để làm, để viết. Mấy năm nay, đều đặn năm nào ông cũng có sách in ra. Ông có một gia đình hạnh phúc, với các con gái và trai, rể và dâu thành đạt cùng các cháu nội - ngoại ngoan, hiền giỏi giang.
Tuổi tác không chiều ai, thời gian không nương nhẹ với người nào, nếu một ngày nào đó, ta vô tình bắt gặp hay chủ tâm quan sát, để ý đến họ. Mọi chức danh rồi sẽ phôi pha, mờ nhạt, nhưng tôi nghĩ trong số những gì còn neo được trong bến đỗ của thời gian có tình cảm thầy - trò.
Lê Văn Dương (Tiến sĩ - Khoa Ngữ Văn - Đại học Vinh)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/an-tuong-ve-mot-nguoi-thay-a13818.html