Lục Nam – Bắc Giang: Ngời sáng miền quê trù phú…

Từ một huyện miền núi, khó khăn, xuất phát điểm thấp – Thế nhưng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa nội lực và sức mạnh toàn dân, đến nay sau gần 13 năm kể từ khi bắt tay xây dựng Nông thôn mới (XD NTM), diện mạo miền quê Lục Nam (Bắc Giang) đã ngày một tươi sáng, trù phú, khang trang; Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững…

Nhớ lại 13 năm về trước, hẳn nhiều người con Lục Nam vẫn còn đau đáu nỗi niềm thưở gian khó. Là một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn, kinh tế thuần nông, thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, với 04 xã đặc biệt khó khăn… Khi ấy, bắt tay thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (XD NTM), Lục Nam chỉ đạt bình quân 7,56 tiêu chí/xã.

Nói vậy để thấy, hơn một thập kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Lục Nam đã nỗ lực biết chừng nào! Để tới đây, thành quả với “danh xưng” “Huyện Nông thôn mới” sẽ thực sự như mốc son sáng ngời dành tặng người dân Lục Nam, ghi nhận biết bao đóng góp bền bỉ trên chặng đường dài chung sức xây dựng quê hương…

Cả hệ thống chính trị chung sức XD NTM

Chặng đường gần 13 XD NTM, có một điều dễ nhận thấy tại Lục Nam, đó chính là sự đồng lòng, chung sức, thống nhất của cả hệ thống chính trị địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng thể to lớn, giúp chính quyền và nhân dân nơi đây bền bỉ vượt khó, hướng đến mục tiêu chung.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại các xã, người dân đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp thêm kinh phí, ngày công lao động, hiến đất, hoa màu trị giá hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình cầu, kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn và sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường theo tiêu chuẩn. Nhờ vậy, bộ mặt từng địa bàn dân cư đã thay đổi căn bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Khắp các xã, thị trấn, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, nhân dân không tiếc công sức, thời gian, chung tay làm đẹp quê hương, nổi bật là hội viên phụ nữ các cấp.

luc-nam-bac-giang-ngoi-sang-mien-que-tru-phu-01-1701361094.jpg
Ông Lê Ô Pích cùng thành viên trong đoàn thẩm định kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THCS Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Nam - bà Trần Thị Cẩm Ly cho biết: Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền về tham gia XD NTM cho toàn bộ cán bộ, hội viên, xác định trách nhiệm, vai trò của tổ chức hội và hội viên phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Những năm qua, các cấp hội huy động hàng chục nghìn hội viên tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công lao động; phát quang vệ sinh đường giao thông; nạo vét kênh mương, trồng mới và chăm sóc, cắt tỉa những đường hoa… Nhờ đó, những xã NTM, NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, cùng với diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại, đã tạo nên sức sống mới, diện mạo mới trên quê hương Lục Nam.

Là một trong những tổ chức quan trọng, xung kích trong phong trào XD NTM, Hội Cựu chiến binh huyện Lục Nam cũng đã có sự đóng góp thiết thực, giúp phong trào ngày một đi vào chiều sâu. Đơn cử như tại xã Lan Mẫu, địa phương có hơn 600 hội viên cựu chiến binh, nhiều đồng chí luôn tự giác vì việc chung. Khi địa phương triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường trục xã Lan Mẫu giai đoạn 1, chiều dài hơn 3,1km, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngà ở thôn Trung An đã hiến gần 300m2 đất, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Từ sự nêu gương của ông Ngà, 93 hộ khác trong thôn có tuyến đường chạy qua đều đồng thuận hiến gần 2,8 nghìn m2 đất.

“Thời gian qua, hưởng ứng phong trào, các cấp Hội trên địa bàn đã triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khả năng của Hội. Ba năm qua, các hội viên đã duy trì hoạt động của 288 tổ cựu chiến binh tự quản bảo vệ an ninh trật tự với gần hai nghìn thành viên; hiến hơn 45 nghìn m2 đất các loại để xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, mở rộng đường giao thông; vận động hội viên tham gia gần 15 nghìn ngày công để cứng hóa kênh mương nội đồng…” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lục Nam - ông Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Chính từ sự chủ động của các cấp hội và người dân, phong trào XD NTM tại Lục Nam đã đạt được những thành quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn: Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Ghi nhận vai trò, sự tham gia tích cực của người dân, UBND huyện Lục Nam đã kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều cống hiến, giải pháp sáng kiến trong quá trình triển khai chương trình; tạo động lực, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực chung sức XD NTM. Từ năm 2011 đến nay, Lục Nam có 01 tập thể được Chủ tịch nước tặng Bằng khen, 01 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 29 tập thể, 21 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 48 tập thể, 100 cá nhân được UBND huyện tặng Giấy khen...

Điểm nhấn từ công tác đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế

Đi trên những con đường quê rộng mở, bê tông hóa, nhựa hóa tại Lục Nam, mới thấy hết được diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Đây chính là thành quả của cả một quá trình dài đầu tư đúng, trúng, và hiệu quả các các cấp chính quyền địa phương trong XD NTM.

Theo UBND huyện Lục Nam: Giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, trong suốt chặng đường XD NTM, Lục Nam đã tập trung, chủ động huy động được trên 1.229 tỷ đồng để cứng hoá, nâng cấp thêm được 570,92 km. Tổng số km đường được cứng hóa bê tông, nhựa hóa là 1.367,4/1.749,6 km, đạt 78,16%, tăng 35,5% so với năm 2011. Các tuyến đường giao thông được các xã duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo các phương tiện đi lại thuận lợi, đã giúp người dân lưu thông hàng hóa, mở rộng dịch vụ, từng bước phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

luc-nam-bac-giang-ngoi-sang-mien-que-tru-phu-02-1701361094.jpg
Mô hình trồng thanh long tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang sản phẩm mới của địa phương

Về giao thương, huyện Lục Nam có 15 chợ trong quy hoạch mạng lưới chợ của tỉnh đạt chuẩn theo quy định (03 chợ hạng 2 và 12 chợ hạng 3) và 01 siêu thị (The City), đáp ứng được nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản của người dân. Đối với các xã không có chợ, tại trung tâm xã và các thôn có 703 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và nhiều cửa hàng bán lẻ đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân; các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã chủ động đầu tư các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa phù hợp với quy định, hướng dẫn của ngành, hàng hóa được bố trí sắp xếp khoa học, đáp ứng yêu cầu tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển đa lĩnh vực, Lục Nam xác định Công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì vậy, huyện đã thực hiện điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các Cụm công nghiệp (CCN) cho phù hợp với tình hình thực tế, thành lập mới 06 CCN. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 08 CCN với tổng diện tích 381,21ha (trong đó có 04 CCN mới được thành lập giai đoạn 2020-2023 với diện tích 196,6 ha gồm: CCN Lan Sơn 2 (75ha), CCN Khám Lạng (40ha), CCN Tiên Hưng (31,6ha), CCN Phương Sơn-Đại Lâm (50ha)); đang thực hiện các bước thành lập Khu công nghiệp Yên Sơn-Bắc Lũng diện tích 300ha.

Cùng với đó, Lục Nam đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là trong công tác đào tạo nghề, cung ứng lao động… Đến nay, các dự án thu hút đầu tư trong các CCN đã tạo việc làm cho trên 5.000 lao động địa phương và huyện lân cận.

Hiện nay, toàn huyện Lục Nam có 557 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; 75 hợp tác xã và hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, lĩnh vực kinh doanh tương đối đa dạng và phong phú. Trong đó, tập trung nhiều vào các ngành nghề may mặc, hàng điện tử, chế biến gỗ, sản xuất than hoạt tính. Các đơn vị thu hút lao động tại địa phương cao như: Công ty cổ phần tổng công ty may Bắc Giang LNG, Công ty TNHH Khải Thừa, Công ty TNHH Khải Thần…

Cùng với phát triển Công nghiệp – Dịch vụ, Lục Nam cũng đã nhìn nhận đúng vai trò của Nông nghiệp, là nền tảng bảo đảm, trụ đỡ cho nền kinh tế địa phương. Vì vậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch về phát triển nông nghiệp hàng hóa và sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu. Trọng tâm là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu và công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các công cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất. 

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện được cơ cấu lại theo hướng hiệu quả, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 6,3%/năm. Đặc biệt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ngày một phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu.

luc-nam-bac-giang-ngoi-sang-mien-que-tru-phu-03-1701361094.jpg
Sản phẩm na dai xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang phát triển thuận lợi hơn từ khi đạt chứng nhận OCOP

Đến nay, Lục Nam đã xây dựng thành công thương hiệu OCOP cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của huyện. Trong đó, huyện Lục Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn dịa lý cho Na dai Lục Nam; nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho 13 sản phẩm (Na dai Lục Nam; Na dai Nghĩa Phương; Dứa Lục Nam; Rượu Núi Huyền; Trà Hoa vàng; Nhãn Lục Sơn; Khoai lang; Khoai sọ; Hạt dẻ; Bưởi Mai Sưu; Chả giã tay; dê; chim bồ câu). Ngoài ra, huyện có 20 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên có bao bì nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 100% số xã đã và đang thực hiện ít nhất 01 mô hình là sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGap hoặc tương đương…

Từ việc đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất của người dân Lục Nam đã không ngừng được tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2022 đạt 49,1 triệu đồng/người/năm; năm 2023 đạt 55,3 triệu đồng/người/năm, tăng 39,2 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người tại 23 xã năm 2023 đạt 52,1 triệu đồng/người/năm (cao nhất là xã Bảo Đài 55,7 triệu đồng/người/năm), tăng 37,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

Chủ tịch UBND huyện Lục Nam - ông Đặng Văn Nhàn cho biết: Xác định XD NTM là nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được kết quả tích cực. Đó là là quá trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Đến nay, Lục Nam đã có 23/23 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ba xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, hai đô thị đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu tiêu chí xây dựng huyện NTM trong năm 2023.

Bùi Cường - Đức Long

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/luc-nam-bac-giang-ngoi-sang-mien-que-tru-phu-a13774.html