Đôi điều về chiến tranh và hòa bình trong thời trung đại (Phần 3)

Với sự mở rộng đế chế Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa của nhiều quốc gia châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Nga.

transasia-trade-routes-1stc-ce-gr2-1701269810.png
Hệ thống Con đường tơ lụa. Ảnh: Wikipedia.

Theo một góc độ nhất định, ông đã tạo ra tầng lớp trí thức sơ khai trong thời kỳ đó. Ông cũng tạo ra hệ thống bưu chính rộng lớn và mở rộng việc sử dụng phổ biến hệ thống chữ cái trên thế giới. Các văn bản viết tay được cho là của ông cũng như nội dung trong đó cho thấy ông rất có thể đã thấu hiểu các bài thuyết pháp của Lão giáo. Thương mại và du lịch trong lãnh thổ Trung Quốc, Trung Cận Đông và châu Âu được phát triển mạnh mẽ bởi sự ổn định chính trị nhất định do đế chế Mông Cổ đem lại khi tái thiết lập Con đường tơ lụa.

Thành Cát Tư Hãn còn giảm hình phạt, miễn giảm thuế cho các lang y và thầy đồ, thiết lập sự tự do tôn giáo. Các ngôn ngữ khác như tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cũng được phát triển. Người Mông Cổ cùng với những bước chinh phạt cũng đã làm cho phần lớn châu Á biết đến bàn tính và la bàn, cũng như làm cho châu Âu biết đến thuốc súng và thuốc nổ được phát minh bởi người Trung Quốc, cùng các phương tiện chiến tranh vây hãm mà người Trung Quốc đã phát triển để đối phó với người châu Âu.

Triết lý quân sự của Thành Cát Tư Hãn nói chung là đánh bại kẻ thù với ít tổn thất và rủi ro nhất cho người Mông Cổ, dựa vào lòng trung thành và tài năng để lựa chọn tướng lĩnh và binh sĩ. Ông đã thực hiện rất thành công các kiểu chiến tranh tâm lý, đặc biệt trong việc mở rộng sự đe dọa, khủng bố đối với các thành phố, thị trấn đang là đối tượng tác chiến. Nếu nhận thấy ở đó có sự chống cự, ông có thể đưa ra cơ hội để họ đầu hàng và cống nộp. Nếu lời đề nghị bị từ chối, ông có thể tiêu diệt cả thành phố hay thị trấn đó, nhưng cho một số người chạy thoát để loan tin về tổn thất của họ cho cư dân của các thành phố khác.

Một khi những tin đồn về cách thức ứng xử ấy đã loang rộng thì rất khó cho các thủ lĩnh đối phương trong việc thuyết phục người dân của họ chống lại Thành Cát Tư Hãn. Quan điểm của Thành Cát Tư Hãn đối với các kẻ thù là: Hoặc đầu hàng và chịu cống nộp hoặc là chết. Khi họ đã đầu hàng, ông thường giữ cho thành phố, thị trấn đó được nguyên vẹn và bảo đảm cho họ sự bảo vệ để trở thành nguồn nhân lực và quân nhu cho các chiến dịch tiếp theo. Nếu họ chống lại, ông thực hiện quyền của người cai trị cả thế giới. Người ta cho rằng ông đã giữ được nhiều sinh mạng nhờ chiến tranh tâm lý và sự hăm dọa đối với kẻ thù.

screenshot-7-1701269983.png
Thành Cát Tư Hãn là người từng thống trị vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thái Bình Dương đến biển Caspi. Khi qua đời, ông yêu cầu được chôn cất trong bí mật. Ảnh: Internet.

Ở phương Tây, Chiến tranh trăm năm giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453 nhằm giành giật lãnh thổ và ngôi vua Pháp thường được xem là một trong những cuộc chiến tranh quan trọng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thời Trung cổ. Thuật ngữ “Chiến tranh trăm năm” là thuật ngữ được các nhà sử học đặt ra để mô tả theo chuỗi sự kiện xung đột vũ trang giữa các triều đại phong kiến của cả hai nước Pháp và Anh.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh đã thúc đẩy những ý tưởng đầu tiên về hình thành và phát triển ý thức đại cộng đồng ở tầm quốc gia dân tộc. Cuộc chiến cũng đã dẫn tới nhiều sự thay đổi về mặt chính trị và kinh tế của cả hai nước. Về mặt quân sự, nó được xem là cuộc chiến tranh đã đưa vào sử dụng các loại vũ khí và các chiến thuật mới thay thế cho các loại đã lỗi thời. Đặc biệt, đây cũng là cuộc chiến tranh tiêu biểu mà các động thái chiến tranh và hòa bình đan xen, chuyển hóa lẫn nhau hết sức phức tạp xoay quanh trục lợi ích chính trị.

100yw-1701270233.jpg
Chiến tranh Trăm năm bắt đầu vào năm 1337, giữa Anh và Pháp. Ảnh: Internet.

Hai bên đối địch chính tham gia cuộc chiến là hoàng tộc Valois của Pháp và hoàng tộc Plantagenet của Anh. Hoàng tộc Plantagenet làm vua ở Anh từ thế kỷ XII có gốc gác từ các vùng của Pháp như Anjou và Normandy. Chiến tranh nổ ra xoay quanh chuyện nhà Valois tuyên bố mình là vua của nước Pháp, còn nhà Plantagenet lại đòi hỏi ngôi vua của cả nước Pháp và nước Anh. Nguồn gốc mâu thuẫn bắt đầu từ 400 năm trước, do Công tước William xứ Normandy đã đánh bại người AngloSaxon và lên ngôi vua Anh, tức William I. Song trên danh nghĩa, ông vẫn là Công tước xứ Normandy của nước Pháp.

Người Anh không hài lòng với vị thế quá khiêm tốn ấy, còn người Pháp lại lo ngại thế lực của người Anh thông qua Normandy sẽ xâm nhập vào Pháp. Sau hàng loạt biến cố thời bình, khi hoàng tộc Plantagenet lên ngôi vua nước Anh và bành trướng thế lực vào nước Pháp, thậm chí mang danh Đế chế Angevin và kiểm soát nhiều đất đai hơn chính vua Pháp, thì người Pháp đã mở các cuộc chinh phục khiến người Anh mất nhiều lãnh địa ở châu Âu, thậm chí mất hoàn toàn xứ Normandy, chỉ còn lại một số tỉnh tại vùng Gascogne. Giới quý tộc Anh bắt đầu vận động cho cuộc chiến giành lại những vùng đất giàu có ấy. Trong khi đó, ở Pháp cũng xảy ra hàng loạt biến cố đối với thể chế cai trị cha truyền con nối và quan hệ hôn nhân, huyết thống hết sức phức tạp trong hoàng tộc, tất nhiên có liên quan đến hoàng tộc ở Anh.

Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm bởi cuộc chạm trán Sain Sardos ở Gascogne năm 1324, mà kết cục là quân Anh buộc phải đầu hàng sau một tháng bị quân Pháp vây hãm, chỉ còn giữ được Bordeaux và một dải đất hẹp vùng ven biển. Việc giành lại những vùng đất đã mất trở thành mục tiêu số một trong chính sách đối ngoại của Anh. Ở Pháp tiếp tục diễn ra cuộc khủng hoảng thừa kế khi triều đại nhà Capet kết thúc. Edward III là vua của nước Anh, đồng thời theo luật thừa kế, vì là người họ hàng gần nhất với vua Charles IV của Pháp vừa băng hà, nên cũng được xem là người thừa kế hợp pháp của ngai vàng Pháp.

Tất nhiên là giới quý tộc Pháp khó lòng chấp nhận điều đó và quyết định trao ngai vàng cho người nam giới lớn tuổi nhất thuộc dòng họ Capet là Philippe xứ Valois. Edward III phải từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng, thừa nhận Philippe là vua nước Pháp để đổi lấy việc được giữ vùng Gascogne. “Giọt nước tràn ly” chính là sự kiện Philippe VI tuyên bố các điền địa xứ Gascogne thuộc sở hữu nước Pháp và cho tàu chiến tuần tiễu ven bờ eo biển Anh năm 1337. Edward III đáp trả bằng tuyên bố rằng ông mới là người thừa kế hợp pháp của ngai vàng nước Pháp. Những đụng độ quân sự lẻ tẻ bắt đầu nổ ra ở vùng duyên hải của Anh và Pháp.

battleofsluysjpeg-1701270378.jpeg
Trận Sluys, bản vẽ tay trong Biên niên sử Froissart, Bruge. Ảnh: Wikipedia.

Tháng 12 năm 1338, quân Pháp tấn công Gascogne, Chiến tranh trăm năm chính thức bắt đầu. Nước Pháp lúc này có ưu thế hơn nước Anh không chỉ về dân số (Pháp có khoảng 17 triệu người trong khi Anh có khoảng 4 triệu), mà còn về binh khí kỹ thuật và chiến thuật quân sự. Những năm đầu, Edward II liên minh với các nước chư hầu nhỏ, nhưng chỉ sau hai chiến dịch thất bại, đến năm 1340, liên minh tan rã, chi phí phải trả cho liên minh và duy trì lực lượng quân đội đồn trú khiến nước Anh bị phá sản.

Trên biển, quân Pháp cũng chiếm ưu thế. Nhiều thành thị ven biển của Anh bị tấn công và tàn phá, gây nên sự hoảng loạn. Giao thương giữa Anh với châu Âu lục địa bị gián đoạn. Tuy nhiên, cũng trong năm 1340, trận Sluys gần như tiêu diệt toàn bộ hải quân Pháp đã tạo bước ngoặt để Anh kiểm soát vùng eo biển và ngăn Pháp đổ bộ xuống quốc đảo Anh. Riêng cuộc chiến trên bộ vẫn diễn ra trong thế giằng co, nhất là ở xứ Bretagne.

Tháng 7 năm 1346, Edward III tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn, vượt qua eo biển Anh và đổ bộ lên Cotentin, gây bất ngờ lớn cho quân Pháp. Sang tháng 8, trận Crécy (tiếng Anh là Cressy) nổi tiếng diễn ra ở miền bắc nước Pháp đã đem lại thất bại nặng nề cho quân Pháp, chủ yếu bởi sức mạnh của đội quân cung thủ Anh. Quân Anh tiến tiếp về phía bắc, bao vây thành phố Calais rồi chiếm được thành phố này vào năm 1347, và từ đó có được một chỗ trú quân ở châu  u lục địa. Cũng trong năm này, quân Anh giành chiến thắng trước quân Scotland trong trận Neville’s Cross, bắt sống David II và giảm thiểu mối đe dọa từ phía Scotland.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doi-dieu-ve-chien-tranh-va-hoa-binh-trong-thoi-trung-dai-phan-3-a13730.html