Vấn đề chiến tranh và hòa bình trong lịch sử thế giới thời cổ đại (Phần 3 và hết)

Năm 224 trước Công nguyên, 20 vạn quân Tần tiến vào nước Sở với khởi đầu thuận lợi bằng chiến thắng ở Bình Dư và Lâm Tuyền. Quân Sở chủ động tránh chạm trán với quân chủ lực của Tần và chờ đợi cơ hội phản công.

nhung-doi-quan-hung-manh-trong-lich-su-trung-hoa-5-1701267719.jpg
Một trận chiến trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh: nipic.

Lúc này, Xương Bình Quân vốn là quý tộc nước Sở đang làm Thừa tướng nước Tần đã phản bội Tần, cho quân đánh úp từ phía sau khiến quân Tần trở tay không kịp, thua to bỏ chạy. Quân Sở truy kích, giết các viên đô uý và hầu hết binh lính của Tần. Tần vương tiếp tục cử 60 vạn quân tiến vào Sở, cắm trại ở núi Thiên Trung. Quân Sở dồn sức tấn công nhưng quân Tần thủ chặt không đánh. Hơn một năm, quân Sở chán nản rút về. Chớp thời cơ, quân Tần mở một đợt phản công bất ngờ tập kích quân Sở. Quân Tần được nuôi sức lâu ngày hăng máu đánh mạnh, quân Sở lại bị bất ngờ nên thua to. Năm 223 trước Công nguyên, quân Tần tấn công vào kinh đô Thọ Xuân của Sở, bắt sống Sở vương Phụ Sô. Nước Sở mất.

Chỉ còn lại nước Tề. Do Tướng quốc nước Tề là Hậu Thắng nhận nhiều của đút lót của Tần nên luôn khuyên Tề vương chủ trương hoà hiếu với Tần. Trong hơn 40 năm từ khi Tề vương Kiến lên ngôi, nước Tề được hưởng thái bình không hề có chiến tranh, dân nước Tề quen với cuộc sống yên ổn, không chú trọng rèn luyện võ nghệ. Năm 221 trước Công nguyên, sau khi Sở bị tiêu diệt, Tề vương mới bắt đầu lo lắng, điều quân sang trấn giữ phía tây. Tần vương viện cớ một lần sứ thần của Tề vương không tới gặp mặt để tuyên chiến, điều lực lượng vừa mới diệt xong Yên và Đại ở phía Bắc tấn công thẳng vào Tề. Quân Tề và dân chúng vốn quen cảnh thanh bình nên vừa thấy quân Tần kéo tới là bỏ chạy hết. Quân Tần cứ thế tiến thẳng tới kinh đô Lâm Tri của Tề mà hầu như không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào. Tề vương Kiến mang cả gia quyến ra hàng. Nước Tề mất.

Kết quả của cuộc chiến tranh là cả sáu nước chư hầu lần lượt bị Tần thâu tóm. Tất cả các vùng đất vốn bị phân chia từ hàng vạn năm trước đã được quy về một thể thống nhất đặt dưới sự cai trị của nhà Tần. Năm 221 trước Công nguyên, Tần vương Doanh Chính trở thành vị vua duy nhất của toàn cõi Trung Hoa, xưng là Hoàng đế, đặt hiệu là Thuỷ Hoàng đế (Hoàng đế khởi thuỷ của Trung Quốc). Mặc dù triều đại này chỉ tồn tại trong vòng 16 năm ngắn ngủi, song đã để lại ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử Trung Quốc trong nhiều thế kỷ sau.

1200px-tod-des-spartacus-by-hermann-vogel-1701267940.jpg
Chiến tranh nô lệ lần thứ ba hay còn gọi là Khởi nghĩa Spartacus. Ảnh: Wikipedia.

Ở phương Tây, chính sự xuất hiện của chế độ chiếm hữu nô lệ đã dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của nô lệ chống lại giới chủ nô, điển hình là Chiến tranh nô lệ lần thứ ba (năm 73 đến năm 71 trước Công nguyên). Cuộc chiến tranh này còn được gọi là Cuộc chiến của các đấu sĩ hoặc Khởi nghĩa Spartacus, là chương cuối trong một loạt các cuộc khởi nghĩa của nô lệ chống lại nền Cộng hòa La Mã, đồng thời là lần duy nhất đe dọa trực tiếp mảnh đất trung tâm Italia của Cộng hòa La Mã.

Giữa các năm 73 và 71 trước Công nguyên, ở La Mã có một toán nô lệ bỏ trốn do 78 võ sĩ giác đấu làm lực lượng nòng cốt đã phát triển thành một lực lượng lên đến 120.000 người, gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Sau khi trốn thoát, các đấu sĩ đã chọn Spartacus và hai nô lệ người xứ Gaul là Crixus và Oenomaus làm người lãnh đạo. Trong thời gian đó cũng có cuộc nổi dậy của Quintus Sertorius tại Hispania, và quân đội La Mã còn bị phân tán trong chiến tranh Mithridates lần thứ ba, nên cuộc nổi loạn của nô lệ do Spartacus cầm đầu trở thành một mối đe dọa rất nghiêm trọng.

Khi Quân đoàn La Mã của Claudius Glaber cùng với 3.000 dân binh bao vây quân khởi nghĩa tại núi Vesuvius, thì Spartacus đã tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào phía sau. Kết quả là, do hầu hết các binh sĩ La Mã vẫn còn ngủ say nên đã bị giết chết trong cuộc tấn công này. Các nô lệ còn đánh bại cuộc viễn chinh thứ hai, thu hút thêm nhiều nô lệ bỏ trốn gia nhập và phát triển thành một đội quân lên tới 70.000 người. Trong những cuộc giao tranh, Spartacus đã chứng tỏ mình là một chiến lược gia xuất sắc, có giả thiết rằng ông có thể đã có kinh nghiệm quân sự trước đó. Mặc dù các nô lệ thiếu huấn luyện quân sự, ít sử dụng chiến thuật khi phải đối mặt với quân đội La Mã được huấn luyện kỹ lưỡng, song họ lại tỏ ra khéo léo hơn khi sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương để tổ chức phòng thủ.

spartacus-bronze-statue-800x512-1701268075.jpg
Nắm giữ đội quân hơn 120.000 nô lệ (gồm cả trai, gái, già, trẻ), chiến binh quật cường Spartacus dám công khai thách thức nền Cộng hòa chuyên chính của đế chế La Mã với đội quân hàng nghìn người. Ảnh: Internet.

Bị báo động ngày càng tăng về cuộc nổi dậy, Viện Nguyên lão La Mã cử Marcus Licinius Crassus chỉ huy 8 quân đoàn với khoảng gần 50.000 binh sĩ và đã dần dần đoạt lại thế thượng phong. Trong khi đó, Spartacus tuy đã thỏa thuận được với tướng cướp biển Cilician để đưa khoảng 2.000 người của mình tới Sicilia, dự định tuyển mộ thêm lực lượng, song sau đó lại bị quân cướp biển phản bội. Lực lượng của Spartacus phải rút về phía Rhegium, bị vây hãm và cắt đứt nguồn tiếp tế. Lúc này, các quân đoàn La Mã của Pompey cũng trở về từ Tây Ban Nha và được lệnh của Viện Nguyên lão hỗ trợ tướng Crassus.

Trong tình thế đó, Spartacus đã cố gắng để đạt được một thỏa thuận hoà bình với Crassus, nhưng vẫn không thành công mặc dù Crassus đang lo ngại rằng Pompey đoạt mất vinh quang của mình. Một bộ phận lực lượng của Spartacus bỏ chạy về những ngọn núi phía tây Petelia ở Bruttium, theo sau là sự truy đuổi của các quân đoàn Crassus. Do vậy, quân khởi nghĩa buộc phải chia thành từng nhóm nhỏ để phòng thủ. Spartacus quyết định quay trở lại và dùng toàn bộ tàn quân chống lại quân đoàn hùng mạnh do Crassus chỉ huy. Toàn bộ nô lệ đã được điều động trong trận chiến cuối cùng này, nhưng phần lớn đều bị giết. Sáu nghìn người sống sót bị bắt giữ và bị đóng đinh vào thập giá, kéo dài suốt Appian Way từ Rome cho tới Capua.

Cuộc khởi nghĩa cuối cùng cũng bị dập tắt, hầu hết nghĩa quân bị giết khi chiến đấu hoặc bị hành quyết, nhưng về sau vẫn tiếp tục tác động gián tiếp đến chính trị La Mã trong nhiều năm. Cuộc đấu tranh của Spartacus, thường được ghi nhận là cuộc đấu tranh của những người bị đàn áp chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ để giành tự do, đã mang lại ý nghĩa đặc biệt. Ở đâu có áp bức - ở đó có đấu tranh. Nhân vật Spartacus trở thành một biểu tượng anh hùng xuyên thời đại.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/van-de-chien-tranh-va-hoa-binh-trong-lich-su-the-gioi-thoi-co-dai-phan-3-va-het-a13726.html