Phân tích quan hệ giữa hòa bình và “diễn biến hòa bình” (Phần 1)

Tiếp cận quan hệ giữa hòa bình và “diễn biến hòa bình” là tiếp cận theo cách nhìn phản biện vấn đề đối với mối quan hệ giữa hòa bình và chính trị. Mặc dù quan hệ giữa hòa bình với chính trị cơ bản là quan hệ đồng thuận và không có nền chính trị nào ổn định hơn là nền chính trị luôn đồng hành với hòa bình, nhưng đã nói đến chính trị là nói đến sự chứa đựng vô số mâu thuẫn đối kháng trong bản thân nền chính trị.

8-lien-xo-hon-loan-8-afp-qbav-1700491596.jpg
Xe tăng Liên Xô đỗ gần một lối vào điện Kremlin trên quảng trường Đỏ sau khi xảy ra vụ đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev vào ngày 19/8/1991. Ảnh: AFP.

Chính trị là thể chế của xã hội có đối kháng giai cấp. Nền chính trị được xác lập không phải để xoa dịu, “điều hoà” mâu thuẫn đối kháng giai cấp, mà về bản chất là duy trì sự thống trị chính thống, mang tính nhà nước đối với các giai cấp và tầng lớp đối lập. Chính vì thế mà sự phản kháng của các giai cấp và tầng lớp đối lập trong nền chính trị chính thống là tất yếu. Sự phản kháng ấy thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp có thể bằng con đường cách mạng xã hội, bằng chiến tranh, nhưng cũng có thể bằng con đường hòa bình tương đương với khái niệm “diễn biến hòa bình”.

V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh đến tính kiên quyết của cách mạng, về khả năng biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, song cũng không bỏ qua khả năng giành thắng lợi của cách mạng vô sản bằng con đường hòa bình - một cơ hội quý và hiếm (cực kỳ hiếm) - để chuyển hóa toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác tiến bộ hơn mà không cần dùng đến bạo lực vũ trang.

Tuy nhiên, khi đề cập tới “diễn biến hòa bình” ở đây là đề cập tới chiến lược phản kháng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng đối với các thể chế chính trị nhà nước tiến bộ được thiết lập từ thành quả của cuộc cách mạng xã hội thành công mà không đi theo quỹ đạo của chúng. Do vậy, thời kỳ bình ổn của xã hội ở quốc gia dân tộc ấy, cũng như thời kỳ bình ổn xét ở phạm vi khu vực và quốc tế lại chính là thời kỳ rất dễ xuất hiện nguy cơ “chuyển hoá”, “tự chuyển hoá” chế độ chính trị do “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”.

Điều đó một mặt thể hiện sự chống phá của các lực lượng phản cách mạng đối với thể chế chính trị cách mạng là xuyên suốt, mà “diễn biến hòa bình” là chiến lược khả dĩ khi chưa hội đủ tiền đề tiến hành chiến tranh; mặt khác cần thấy, “cái chết êm ái” của “diễn biến hòa bình” có tần suất lớn khi bản thân chế độ chính trị nhà nước dù là tiến bộ song lại “ngủ quên” trong trạng thái hòa bình.

Thế kỷ XX mang đậm những dấu ấn thắng lợi của chủ nghĩa xã hội qua các cuộc chiến tranh cách mạng, nổi bật là chiến thắng của nước Nga Xôviết trong vòng vây của 14 nước đế quốc thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất; cuộc chiến tranh thần thánh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và việc tận dụng chiến tranh đế quốc để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, lập nên hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

11-lien-xo-hon-loan-10-ap-yzcn-1700491597.jpg
Hình ảnh Liên Xô hỗn loạn trước thời điểm tan rã hoàn toàn. Ảnh: AP

Song, khi nhân loại sống trong môi trường cơ bản là hòa bình thì phải giật mình cảnh tỉnh trước ba nguy cơ lớn: Một là, chiến tranh công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành, với bộ mặt “chiến tranh sạch”, nhưng đằng sau là hiểm hoạ lớn hơn tất cả các hiểm hoạ trước; hai là, “diễn biến hòa bình” cũng của chủ nghĩa đế quốc, công cụ đã làm tan rã những cường quốc từng là thành trì của hòa bình và cách mạng thế giới, điều mà mọi cuộc chiến tàn khốc trước đó của chủ nghĩa phátxít không thể làm nổi; ba là, “cách mạng màu” - sự cộng sinh giữa “diễn biến hòa bình” và bạo loạn chính trị, một công cụ khác giải quyết nốt phần còn lại, mà tác giả một lần nữa không ai khác chính là chủ nghĩa đế quốc.

Có thể thấy rõ ràng là, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ không phải do chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc mà chính do sự trì trệ về kinh tế - xã hội cùng sai lầm của Đảng và Nhà nước Liên Xô, và đó chính là thất bại trước “diễn biến hòa bình”. Đây là dấu ấn đau xót đầu tiên của thành trì hòa bình thế giới, đồng thời lại là mắt xích quan trọng nhất trong cả dây chuyền “diễn biến hòa bình”, sau lại được bổ sung thêm bằng bạo loạn lật đổ làm tan rã các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Liên Xô đã đứng vững trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trước sự tiến công xâm lược của những tập đoàn quân phátxít Đức khổng lồ, song lại sụp đổ một cách hoàn toàn “êm ái” vì những rạn nứt bên trong. Điều đó để lại cho nhân dân Liên Xô và nhân loại tiến bộ nói chung những bài học cay đắng, và cũng gợi cho chúng ta những luận cứ về vấn đề tự bảo vệ như thế nào để chống lại nguy cơ “diễn biến hòa bình” - một nguy cơ mà Liên Xô và các nước Đông Âu đã không vượt qua nổi.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phan-tich-quan-he-giua-hoa-binh-va-dien-bien-hoa-binh-a13626.html