Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành; cùng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được tuyên dương năm 2023.
Phát biểu trong chương trình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc tốt đẹp và lòng biết ơn chân thành tới các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu được tuyên dương năm nay cùng các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục trên khắp mọi miền đất nước.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài chính là những giá trị nhân văn sâu sắc của mỗi dòng họ, làng quê và của cả dân tộc ta. Công lao dạy dỗ của người thầy vốn chỉ đứng sau ơn đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Thầy vĩ đại của dân tộc trong bức thư gửi cho ngành Giáo dục đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Trong thế giới rộng mở ngày nay, định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, là văn hóa và giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người.
“Sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà từ tri thức được xây đắp bằng trí tuệ mỗi người. Điều đó chỉ đạt được khi có một nền giáo dục phát triển với những người thầy giỏi, thực sự tâm huyết với nghề, luôn yêu thương, gương mẫu với học trò” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời, bày tỏ ấn tượng với chủ đề “Tôi chọn nghề giáo” của chương trình “Thay lời tri ân” năm nay, bởi sự lựa chọn chính là điểm khởi đầu trong hành trình vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian khổ của các thầy cô giáo.
Hàng triệu tấm gương thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước đang thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp trồng người và hình ảnh, câu chuyện của các thầy cô về sự lựa chọn nghề giáo trong chương trình mang đến nhiều suy ngẫm và những nguồn năng lượng tích cực.
Quá trình hội nhập, phát triển của đất nước đã tạo ra rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Đứng trước những lựa chọn phong phú đó, nhiều người vẫn chọn nghề giáo cho dù biết rõ những khó khăn, thách thức đặc trưng của nghề, đời sống và điều kiện làm việc còn khó khăn, nhiều áp lực… Và thật đáng quý, khi nhiều học sinh giỏi, trong đó có những em đạt giải quốc gia, quốc tế vẫn quyết tâm lựa chọn học sư phạm, làm giáo viên.
Phó Thủ tướng cho rằng: Lựa chọn nghề giáo, không chỉ là sự dũng cảm, dấn thân mà trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến đối với học sinh. Nếu không như vậy, có lẽ các thầy, các cô không thể trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với các em nhỏ ở thôn bản xa xôi, điểm trường heo hút, hay vượt qua bao tất bật lo toan cuộc sống hàng ngày nơi đô thị để vững tin trên bục giảng.
Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và các văn kiện Đại hội Đảng đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, các định hướng lớn để phát triển giáo dục, trong đó một trong các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Giáo dục, các bộ, ngành, cơ quan sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ này.
Theo Phó Thủ tướng, nghề giáo, nhà giáo cần nhận được sự tôn trọng đúng mức hơn của cả xã hội. Sự tôn trọng không chỉ là những lời chúc hoa mỹ, những bó hoa trong ngày 20/11, mà phải là nhận thức chung của cả xã hội dành cho nghề giáo, nhà giáo. Mặt trái của kinh tế thị trường đã khiến truyền thống tôn sư, trọng đạo quý báu của dân tộc ta bị mai một ít nhiều, làm mất đi sự tôn nghiêm, trong sáng vốn có của tình thầy trò, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường, phụ huynh - giáo viên.
Song, giáo dục không phải là một dịch vụ, một loại hình hay một sản phẩm kinh doanh. Nghề giáo là một nghề hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ, thể chất con người và cả tương lai. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhà giáo cần được tạo môi trường thuận lợi nhất có thể để yên tâm dạy học. Môi trường sư phạm ở các nhà trường, cơ sở đào tạo phải là môi trường tốt đẹp nhất, nhân văn nhất, nơi chỉ có niềm tin, tình yêu và những bài học làm người. Muốn vậy, nhà giáo phải được đãi ngộ xứng đáng; điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học phải được ưu tiên, quan tâm đầu tư hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có những ưu tiên đặc biệt với các trường sư phạm, sinh viên sư phạm, những người rồi đây sẽ lan tỏa hình ảnh và tấm gương cao đẹp của người thầy, truyền thụ kiến thức, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ…
“Đây là những trăn trở mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cá nhân tôi và cả xã hội phải tìm ra lời giải bằng các cơ chế, chính sách mang tính căn cơ, bền vững để các thầy, các cô toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vinh quang", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng gửi lời cảm ơn tới toàn thể những người đã và chọn nghề dạy học làm sự nghiệp của mình, dù với bất cứ nhân duyên hay lý do nào. Đồng thời, ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của tất cả các thầy cô giáo, cả những điều đã được xã hội biết tới và những điều thầm lặng không ai biết tới.
Bộ trưởng chia sẻ: Ngày 20/11 là ngày tri ân các nhà giáo, như một đạo lý và nét đẹp văn hóa. Nhưng ngành Giáo dục và đào tạo cũng xác định, dịp 20/11 hàng năm là dịp mà toàn ngành bày tỏ và nói lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tới toàn thể phụ huynh, tới các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, tới toàn thể nhân dân, xã hội và với đời, bởi nhà giáo vinh dự có một nghề vinh quang và đang được đặc biệt quan tâm chăm chút, được coi là quốc sách hàng đầu và đột phát chiến lược để phát triển đất nước.
Trong chương trình, khán giả được gặp gỡ các thầy giáo dạy mầm non tại huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa - những người đến với nghề nuôi dạy trẻ bằng cả trái tim và nhiệt huyết. Các thầy đã đem tới sân khấu của “Thay lời tri ân” một tiết mục múa đặc biệt theo bài hát thiếu nhi “Con chim vành khuyên”.
Bên cạnh đó là câu chuyện của cô giáo Ngọc Hà tại Trường Trung học Cơ sở Thăng Long, Hà Nội với lời phê là những lá thư tay khích lệ, động viên, giúp học trò yêu môn Văn nhiều hơn; cô giáo Đỗ Thị Hương Trà tại Cao Bằng cùng các học trò dân tộc Tày mang robot sang Mỹ thi đấu… Hay giảng viên Nguyễn Phi Lê, Đại học Bách Khoa Hà Nội - người đã từ chối những đãi ngộ, lời mời của trường ở Nhật Bản để trở về Việt Nam giảng dạy.
“Thay lời tri ân 2023” cũng đưa khán giả đến với Tây Nguyên cùng câu chuyện đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Như Yến. Suốt 23 năm qua, kể từ ngày bắt đầu bước chân vào nghề giáo, cô Yến đã dành hết tình yêu thương cho những em nhỏ người Ba Na ở vùng đất Kông Chro - huyện nghèo của tỉnh Gia Lai. Cô đã đón những em học lực kém về nhà chăm sóc, vừa dạy dỗ, vừa kèm cặp, lại vừa nuôi ăn ở và không bao giờ lấy chi phí.
Chương trình đã mang đến những gam màu tươi sáng để xã hội có sự lạc quan, tin tưởng vào ngành Giáo dục. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực, sự cống hiến của các thầy cô cần được xã hội ghi nhận, đó là động lực để họ tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.
Việt Hà (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giao-duc-la-noi-xac-lap-nhung-gia-tri-can-cot-cho-moi-nguoi-a13614.html