Chuyên gia: 'Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi

Các chuyên gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đều cho rằng cần sớm tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp trong thời gian tới.

 

Tại hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục sáng 19/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua gần hai năm phòng chống dịch, các địa phương tổ chức dạy học rất linh hoạt. Tuy nhiên học online ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, hoạt động thể chất và sức khoẻ tâm thần. Bộ Y tế ủng hộ đưa học sinh quay trở lại trường.

Hiện, tỷ lệ bao phủ hai mũi vaccine trên cả nước đạt gần 100% và Bộ đang chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức hoạt động dạy học bình thường trong thời gian tới.

"Chúng ta cần có bước chuyển cho học sinh đi học trực tiếp. Đây là thời điểm hợp lý bởi các hoạt động của xã hội đều bình thường hóa. Học sinh đã theo bố mẹ đi chơi, đi ăn ngoài hàng quán rồi. Không có lý do gì các em phải học trực tuyến nữa", ông Sơn nói.

nlntv-ong-nguyen-truong-son-11485421-1642574767.jpeg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện có đủ căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mở cửa trường. Ông đề nghị lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT tạo cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo" trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết Nguyên đán "là một yêu cầu".

"Không phương án nào là tuyệt đối, đáp ứng mọi khía cạnh. Chúng ta cần chọn phương án tốt nhất và phương án đó bây giờ là đưa học sinh trở lại trường bởi các nguy cơ khi ở nhà lâu dài còn cao hơn", ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý dù khẩn trương, cương quyết, các địa phương cần tránh hai thái cực: một là chần chừ, e dè thái quá khi chuẩn bị và hai là chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho thầy cô, nhà trường.

Dẫn câu hỏi mà nhiều người đặt "Bao giờ mới an toàn trở lại?", đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng đây băn khoăn hoàn toàn có lý nhưng thực tế chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.

Do đó, ông khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học, nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. "Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", GS Trí nói và nhấn mạnh để học sinh trở lại trường an toàn, người lớn cần chú ý nhất ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học.

Đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam hoan nghênh chủ trương của Việt Nam khi tái mở cửa trường học, bảo vệ thể chất cho các em. Vị này chỉ ra hiện thế giới có khoảng 600 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và không thể đến trường học. Nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều khi đóng cửa trường học như: Tảo hôn, bạo lực gia đình vì các em bị ngắt khỏi các mối quan hệ bạn bè, giáo viên.

Vì vậy, không thể chờ đợi thêm được nữa và bà mong muốn, chờ đợi những khuôn mặt tươi vui khi đón các em trở lại trường, đại diện UNICEF chia sẻ.

nlntv-11493287-1642574882.jpeg
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Nói về kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho biết trước khi có vaccine, học online là giải pháp đúng đắn và hầu hết các nước áp dụng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ phủ vaccine đạt yêu cầu, trở lại trường là điều tất yếu nhằm đảm bảo an toàn về nhiều mặt cho học sinh, từ tâm lý đến học tập.

Ông lấy ví dụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 65% quốc gia mở cửa hoàn toàn, và 35% mở cửa một phần. Tiến trình mở cửa trường học dựa vào một số tiêu chí theo khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO, gồm: quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh, các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường, tăng cường nhận thức của học sinh và phụ huynh giai đoạn đầu mở cửa.

Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên, nhân viên tiêm chủng vaccine từ 85% trở lên được mở cửa. Một số quốc gia như Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Với trẻ chưa được tiêm vaccine, nhiều quốc gia vẫn hối thúc đi học nhưng kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng, trong khi Canada và Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng quy định về quyền tự chủ của các trường. Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền đóng cửa trường học khi có ca lây nhiễm, nhưng thời gian đóng cửa tối đa chỉ 7 ngày.

Ông Hưng cho rằng mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước. "Việt Nam đang thực hiện khá tương đồng nhưng cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO", ông Hưng nói.

MINH KHÔI

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuyen-gia-phai-lo-cho-tre-em-di-hoc-tro-lai-neu-khong-chung-ta-co-loi-a1361.html