Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn năm 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Ngày 14/11, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn năm 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

yen-bai-1700105083.jpg
Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Internet)

Kế hoạch số 228/KH-UBND là căn cứ để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Mục đích của kế hoạch nhằm tạo bước chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh; giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, giúp người dân giàu có hơn và tạo điều kiện phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra thị trường mới và tạo thêm nhiều việc làm mới; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Yên Bái hằng năm.

Vì vậy, kế hoạch đặt ra mục tiêu cơ bản đến năm 2025 gồm: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20,05% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 15%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 85%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 55%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: Tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân đạt 30%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt đạt 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.

Từ những mục đích trên, tỉnh Yên Bái đặt ra nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản thúc đẩy phát triển kinh tế số; củng cố, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng dịch vụ Internet tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu tập trung dân cư; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực; triển khai chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh theo chuẩn dữ liệu mở, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dữ liệu quốc gia để cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, công khai cho người dân, doanh nghiệp; triển khai an toàn thông tin mạng và an ninh mạng; thực hiện các chính sách của Trung ương về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, kinh tế số.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2025 đạt 18,5%; Công nghiệp - xây dựng, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành công nghiệp đến năm 2025 đạt 17,5%, tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành xây dựng đến năm 2025 đạt 10%; Thương mại, phấn đấu tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đến năm 2025 đạt 12%; Du lịch, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị lĩnh vực du lịch đến năm 2025 đạt 10,5%; Y tế, Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành Y tế đến năm 2025 đạt 11,5%; Giáo dục và Đào tạo, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2025 đạt 13%.

Tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức quán triệt, xác định phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; chủ động triển khai quyết liệt, thương xuyên, liên tục, tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mục tiêu, nhiệm vụ được giao./.

PV

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chien-luoc-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-so-giai-doan-nam-2023-2025-dinh-huong-den-nam-2030-tren-dia-ban-tinh-yen-bai-a13549.html