Quan hệ giữa chiến tranh và chính trị (Phần 2 và hết)

Có thể nói chiến tranh là thử thách cao nhất đối với các nền chính trị. Đó có thể là cơ hội tốt nhất để một nền chính trị thể hiện sức mạnh của mình, là môi trường để tôi luyện, bồi bổ bản lĩnh, sức sống của thể chế chính trị và hệ thống chính trị..., làm cho các tổ chức chính trị, các mối quan hệ chính trị thêm bền chặt, vững chắc.

xung-dot-israel-hamas-gay-hau-qua-khon-luong-voi-kinh-te-the-gioi-1699888200.jpg
Xung đột Israel – Hamas có thể gây hậu quả khôn lường với kinh tế thế giới. Ảnh: AP.

Ngược lại, một khi chế độ chính trị đã không còn sức sống, ẩn sâu trong thể chế chính trị và hệ thống chính trị, trong các tổ chức, các quan hệ chính trị là trọng bệnh, thì chiến tranh chính là tên “đao phủ” thi hành bản án tử hình đối với chế độ ấy.

Thế giới đương đại làm cho cả chính trị và chiến tranh ít nhiều biến đổi, nhưng bản chất mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị không thay đổi. Kể từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông  Âu sụp đổ, đời sống chính trị thế giới, trong đó có chiến tranh, không còn chịu sự chi phối bởi cuộc đấu tranh của hai hệ thống chính trị đối lập. Các cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh của các dân tộc nhỏ yếu chống lại sự can thiệp, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc không còn được sự hậu thuẫn, giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động như trút bỏ được chiếc phanh hãm, mặc sức tung hoành, uy hiếp các dân tộc nhỏ yếu. Mặt khác, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa từ lĩnh vực kinh tế đang phát triển sang các mặt khác của đời sống làm gia tăng sự phụ thuộc, lệ thuộc lẫn nhau của các dân tộc, quốc gia. Điều đó làm xuất hiện nhiều liên minh kinh tế, chính trị, quân sự với hình thức, quy mô, tính chất khác nhau. Một số liên minh không chỉ bao gồm các thành viên cùng chung chế độ chính trị xã hội, mà còn có các thành viên với chế độ chính trị xã hội đối lập. Các thành viên trong liên minh không chỉ hợp tác, liên kết mà còn đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau. Do vậy, mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị cũng có những nét biểu hiện mới.

Đặc biệt, quan hệ giữa chiến tranh và chính trị hiện nay gắn với sự xuất hiện của chiến tranh công nghệ cao với đặc điểm trước hết là sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vũ khí công nghệ cao có thể vươn tới mọi mục tiêu trên hành tinh với độ chính xác gần như tuyệt đối, tác chiến liên tục trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, ở mọi môi trường. Nhưng giá thành sản xuất vũ khí công nghệ cao rất đắt, đòi hỏi hệ thống phụ trợ lớn, điều kiện, chi phí bảo dưỡng rất cao. Tuy việc sử dụng vũ khí công nghệ cao với mỗi bên tham chiến là không như nhau, nhưng trong một cuộc chiến tranh, khi bên tham chiến này sử dụng vũ khí công nghệ cao thì lập tức bên kia cũng phải tìm cách có một lượng vũ khí công nghệ cao nhất định để đối phó hiệu quả.

screenshot-7-1699887729.png
Năm 2015, Al-Qaeda từng phát động chiến tranh ở Syria bằng vũ khí do Mỹ sản xuất. Ảnh: AP.

Cùng với vũ khí công nghệ cao, phương thức tiến hành của các cuộc chiến tranh hiện nay cũng có sự thay đổi đến khó lường, cả về tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Do khả năng tấn công chính xác, dồn dập ngay từ những giây phút đầu tiên của chiến tranh, nên toàn bộ trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của một bên tham chiến có thể bị đánh sập hoàn toàn; ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương hầu như không tồn tại. Theo đó, chính trị khó có thể tính đến sự chuyển hóa dần tiềm lực, lực lượng cho chiến tranh.

Không chỉ nắm trong tay sức mạnh kinh tế và quân sự để có thể tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động còn luôn kết hợp với các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ. Đây không phải là thủ đoạn mới, cái mới ở đây chính là “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ được đẩy lên một quy mô lớn, có vai trò tương đương với hoạt động đấu tranh vũ trang. Vì thế, có thể coi tiến hành chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao kết hợp với “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ là một đặc điểm quan trọng của các cuộc chiến tranh hiện nay nếu diễn ra.

Từ những đặc điểm mới của tình hình thế giới và đặc điểm của các cuộc chiến tranh hiện nay, có thể thấy sự thể hiện mối quan hệ giữa chính trị và chiến tranh ít nhiều biến đổi. Chính trị tác động đến chiến tranh nhanh chóng, thận trọng, chính xác hơn. Nhanh chóng về chuẩn bị thế và lực trong nước và trên thế giới, chuẩn bị lực lượng vật chất và tinh thần, chuẩn bị chiến lược, sách lược, đường lối tiến hành chiến tranh.

Nhanh chóng về việc ra quyết sách xử lý mâu thuẫn nảy sinh trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, trong đối nội và đối ngoại để càng đánh càng mạnh, kịp thời tạo nên so sánh lực lượng áp đảo đối phương, buộc đối phương phục tùng ý chí của mình. Tính nhanh chóng còn thể hiện ở việc quyết định thời điểm, thời cơ kết thúc chiến tranh. Sự biến đổi của tình hình chiến tranh không phải diễn ra từng ngày, từng giờ, mà có thể từng giây, từng phút. Thắng hay thua, thành công hay thất bại đều biến động như trở bàn tay.

Nhanh chóng nhưng luôn thận trọng, chính xác. Chiến tranh vốn hệ trọng, liên quan đến sự sống còn của hàng triệu con người, sự tồn vong của cả quốc gia, dân tộc, nên việc tiến hành chiến tranh luôn được tính toán kỹ lưỡng, mọi sự cẩu thả, sơ suất của chủ thể chính trị đều trả giá rất đắt trong chiến tranh. Thêm vào đó, chiến tranh hiện đại khi nổ ra sẽ không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của các bên tham chiến, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các nước có liên quan, nhất là các thành viên trong khối liên minh, và dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng tới cục diện khu vực và thế giới.

Mặt khác, chiến tranh công nghệ cao tiêu tốn một lượng của cải, vật chất khổng lồ, thu hút lượng nhân lực, vật lực lớn trong xã hội và do đó gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp làm đảo lộn sinh hoạt sản xuất, văn hóa, chính trị, xã hội của đất nước, các quan hệ đối nội và đối ngoại, thậm chí liên quan đến sự tồn vong của chế độ chính trị một cách hết sức nhanh chóng, vì vậy càng đòi hỏi sự thận trọng và chính xác khi ra bất cứ quyết sách chính trị nào.

khi9-1699888444.jpg
Hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz SAM. Ảnh: EPA

Chiến tranh càng hiện đại càng tác động sâu rộng, phức tạp hơn đối với chính trị. Bản thân sự thu hút, tiêu tốn nhân tài, vật lực của chiến tranh đã tác động đến đời sống chính trị trong nước, trên thế giới ngay từ khi chuẩn bị phát động chiến tranh. Khi chiến tranh nổ ra, do sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin hiện đại, với sự thông dụng phổ biến trong cả dân sự và quân sự, từ quan chức đến người dân bình thường, nên dù muốn hay không thì những hình ảnh khốc liệt, sống động của chiến tranh dẫu ở xa các trung tâm chính trị vẫn có thể truyền đến người dân trên khắp thế giới theo thời gian thực, bất chấp sự bưng bít của các chủ thể chính trị đang tiến hành chiến tranh.

Cũng do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các bên tham chiến, nhất là những quốc gia có ưu thế về công nghệ thông tin, hoàn toàn có thể cắt xén, xuyên tạc, bóp méo thông tin, tạo dựng kịch bản truyền dẫn đến từng lớp đối tượng, thậm chí từng yếu nhân, làm thay đổi tư duy nhận thức của họ về chiến tranh, về niềm tin đối với các lãnh tụ chính trị, đối với chế độ chính trị... Trong khi đó, do phải tập trung vào chiến tranh, các bên tham chiến không còn khả năng kiểm soát những thông tin bất lợi, và đây sẽ là tai họa không hề nhỏ. Mặt khác, chiến tranh làm cho các hoạt động, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trong và ngoài nước bị gián đoạn hoặc bị biến dạng, nếu các chủ thể chính trị không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường. Vì thế, có không ít quốc gia, dân tộc giành thắng lợi trong chiến tranh, nhưng lại thất bại tức thời ngay sau khi chiến tranh kết thúc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quan-he-giua-chien-tranh-va-chinh-tri-phan-2-va-het-a13508.html