Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu

Trong chương trình công tác tại tỉnh Thanh Hóa, chiều 11-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các kiến nghị của tỉnh nhằm thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước

Báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại buổi làm việc cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.

GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. 

thu-tuong-1699753415.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong muốn. Ảnh: VGP

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023, cả tỉnh ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.

Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, hằng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; ước đến hết năm 2023, có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông làm nhà trên bờ để ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ước còn 3,79%, bình quân giảm 1,5%/năm. 

Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước.

Quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. 

Để thúc đẩy Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng đối với một số diện tích đất, rừng; việc giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông quan trọng; chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; giải quyết vướng mắc đối với Dự án thủy điện Hồi Xuân liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự án Nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn…

Đặc biệt, Thanh Hóa đề nghị triển khai một số dự án hạ tầng như: Đầu tư đường cất cánh số 2 - Cảng hàng không Thọ Xuân; giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với nước bạn Lào… 

thu-tuong-2-1699753415.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP 

Thanh Hóa phải phát triển nhanh, bền vững, toàn diện

Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa thảo luận, phân tích về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, những hạn chế tỉnh cần khắc phục, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả nổi bật, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. 

Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục, đồng thời nêu rõ các quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới để thúc đẩy phát triển Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Thanh Hóa phải giữ vững đoàn kết, thống nhất; tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. 

Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành.

“Tỉnh phải phát huy truyền thống hào hùng, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; huy động sức mạnh toàn dân cho sự phát triển để đạt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Thanh Hóa phải xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản lý, điều hành thông minh”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, Thanh Hóa phải chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án trọng điểm trên địa bàn; xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI chất lượng cao, công nghệ cao, sản xuất thông minh; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.

Thanh Hóa phải chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thu hút đầu tư các nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. 

Tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo ra không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, tỉnh phải tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch, vận tải, logistics, thương mại, với các sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, các chuyên gia đầu ngành về làm việc tại tỉnh. 

Thủ tướng nhắc nhở, Thanh Hóa phải quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp; tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh quảng bá và phát triển du lịch lễ hội; đang dạng hóa các sản phẩm du lịch...

Tỉnh cũng phải đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Thanh Hóa phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn khu vực biên giới, tuyến biển, các độ thị, khu kinh tế; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài...

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành giải đáp một số ý kiến mà đại biểu Quốc hội phản ánh và một số vấn đề vướng mắc nảy sinh như: Về tình trạng thiếu giáo viên và chất lượng giáo dục, đào tạo; về ảnh hưởng của việc phát triển hạ tầng giao thông tới đời sống người dân trên địa bàn tỉnh; việc có hay không hiện tượng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế khám chữa bệnh; khẩn trương hoàn thành giải phóng, bàn giao mặt bằng, khởi công đường dây tải điện 500KV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối theo chỉ đạo của Chính phủ… 

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở phân tích, giải đáp của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ cho biết, một số kiến nghị đã được quy định rõ và Chính phủ đã chỉ đạo. Đối với các kiến nghị còn lại, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đều là các đề xuất chính đáng xuất phát từ yêu cầu phát triển của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ nhất trí xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Thanh Hóa phố hợp giải quyết; quyết; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét.  

TTXVN

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-xay-dung-thanh-hoa-tro-thanh-tinh-kieu-mau-a13482.html