Ma túy học đường: Thực trạng và giải pháp

Ma túy thế hệ mới đã và đang nguy cơ xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, núp bóng dưới những cái tên rất mỹ miều gây ra tò mò như “tem giấy”, “nước vui”, “trà sữa”, “khô gà” dẫn đến những hậu quả khó lường. Tình trạng này đang đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng tích cực của các cơ quan chức năng, cũng như sự chung tay, phối hợp của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

ma-tu-1-1699607542.jpg
Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền

Ma túy đang ngày càng phổ biến bởi sự đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng,… nhiều em từ 13-14 tuổi đã bắt đầu sử dụng ma túy. Hình thức mua bán, tàng trữ ngày càng tinh vi khiến gia đình, giáo viên và bạn bè khó phát hiện. Nguy hiểm hơn cả là ma túy tổng hợp, ma túy đá bởi rất phổ biến mà tính độc hại rất cao.

Ma túy “núp bóng, ngụy trang” hàng hóa

“Nước vui” là một loại ma túy mới, được đóng gói dưới dạng gói bột pha thực phẩm và đặc biệt có thể hòa tan với nước để uống. Qua phân tích, xác định có rất nhiều thành phần khác nhau trong gói bột như cafein, chất gây ngủ, nhưng thành phần chiếm tỉ lệ nhiều nhất là chất ma túy Methylenedioxyl - Methamphetamine (MDMA) thường gọi là thuốc lắc hay ecstasy. MDMA là loại thuốc tổng hợp, làm thay đổi cảm xúc và tri giác của người sử dụng. Đây là loại chất vừa giống chất kích thích vừa giống chất gây ảo giác, gây cảm giác tràn đầy năng lượng, phấn khích và rối loạn định hướng không gian và thời gian. Do đó, người sử dụng ma túy “nước vui” sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ảo giác mạnh, loạn thần, tăng thân nhiệt, co giật..., và có thể ngay lập tức đe dọa đến tính mạng nếu sử dụng quá liều.

ma-tuy-3-1699607542.jpg
Ma túy dạng mới như: Kẹo hay thuốc lá đã và đang len lỏi vào môi trường học đường

Thời gian qua, ma túy dạng mới như: Kẹo hay thuốc lá đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Đặc biệt, học sinh, sinh viên bị trở thành nạn nhân hoặc tham gia mua bán, vận chuyển ma túy sẽ ẩn họa những hệ lụy nghiêm trọng. Mới đây, Công an TP Hà Nội vừa phát hiện, thu giữ một số loại ma túy dạng mới với vỏ bọc hết sức tinh vi. Trong đó có ma túy được ngụy trang dưới dạng chocolate ghi nhãn hiệu Socola Chill Max bán công khai trên mạng xã hội.

Đáng báo động, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất gây rối loạn tâm thần tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án hình sự. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua, những đối tượng còn rất trẻ gây án trong trạng thái “ngáo đá”, mất kiểm soát tâm thần, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và xã hội cần tiếp tục nâng cao, thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa để chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Theo thống kê năm 2023 của Bộ Công an, tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê của Bộ công an, đến tháng 9/2023 toàn quốc có 213.000 người nghiện và sử dụng trái phép ma túy; trong đó 81.000 người 16-30 tuổi, chiếm 38% tổng số người nghiện. Vì vậy, Bộ Công an tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài và coi trọng giảm nguồn cầu là giới trẻ, học sinh. độ tuổi 35 thì tỷ lệ này lên đến 76%.

Theo một khảo sát của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay, khoảng 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, trong số này lại có tới 70% - 75% là giới trẻ, học sinh - sinh viên (tuổi từ 17 - 35 tuổi). Có thể thấy học sinh sinh viên là những đối tượng mới lớn, trong độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nhanh chóng trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới, và học đường là thị trường béo bở của chúng.
Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường. Bộ cũng cùng các bộ ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng chống ma túy và các loại ma túy mới, triệt phá tụ điểm sử dụng ma túy. Bộ kiến nghị Bộ Y tế, cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, không để ma túy núp bóng thực phẩm hay ma túy điện tử.

Trong khi đó, ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại, giá rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng. Ma túy có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới tên tem giấy, khô gà... khiến cử tri và phụ huynh lo lắng. 

ma-tuy-2-1699607541.jpg
Ma túy có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới tên tem giấy, khô gà...

Giải pháp phòng chống ma túy trong học đường

Đầu tiên, mỗi gia đình cần phải là pháo đài vững chắc nhất trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy. Các bậc cha mẹ phải là người đầu tiên quan tâm, giám sát, quản lý, giáo dục con em mình. Ngoài việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, tiền bạc, các bậc cha mẹ cũng cần theo dõi những biểu hiện để có những ứng xử phù hợp, sớm phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy.

Để ngăn chặn, đẩy lùi ma túy học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” (Kế hoạch 455). Kế hoạch do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký được gửi đến các Sở GD&ĐT, kèm Công văn 1898/BGDĐT-GDCTHSSV.

Kế hoạch này nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, hệ thống các trường học tổ chức các hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng, chống ma tuý với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Đồng thời, chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình học tập, sinh hoạt chính khoá, ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. Các hoạt động này đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy trong học sinh.

Tuy nhiên, để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, các nhà trường rất cần sự chung sức từ các gia đình trong việc quản lý, chăm lo giáo dục tốt con em mình, cần quan tâm đến tâm sinh lý, các mối quan hệ bạn bè của con trong và ngoài nhà trường, nhất là chú ý giám sát việc sử dụng mạng xã hội; sẵn sàng tâm sự, chia sẻ, giúp các em nâng cao ý thức phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các em. 

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021, với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy.

Điểm mới trong chỉ đạo phòng chống ma túy của Thủ tướng Chính phủ năm nay là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống ma túy vào chương trình và hoạt động của các cấp học".

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng kế hoạch số 455/KH-BGDĐT vừa được ban hành với những quy định rất chi tiết, cụ thể, từ phân công nhiệm vụ, cách thức, thời gian thực hiện…, được xem như là “cú đấm” trực diện vào hiểm họa ma túy – kẻ thủ ác vô hình đã và đang xâm nhập vào học đường. Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT nếu được triển khai hiệu quả sẽ là tấm khiên hữu hiệu để “bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”.

Học sinh sinh viên là lực lượng cốt lõi, lâu dài, là nguồn lực của đất nước trong tương lai. Nếu học đường bị ma túy xâm nhập, hậu quả khôn lường không chỉ đối với học sinh, sinh viên và gia đình các em, mà còn làm suy yếu tương lai đất nước. Cuộc chiến chống ma túy đã và sẽ phải là cuộc chiến quyết liệt, không ngừng nghỉ, không khoan nhượng. Sự phối hợp của công an, gia đình, nhà trường, địa phương sẽ là thành trì vững chắc trong việc bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nam Lê – Minh Hòa

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ma-tuy-hoc-duong-thuc-trang-va-giai-phap-a13448.html