3. Phát huy vai trò của báo chí và dư luận xã hội để hình thành niềm tin cho nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới
Từ lý luận và thực tiễn nêu trên chúng ta có thể thấy, muốn hình thành được niềm tin tích cực cho nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí và dư luận xã hội.
Thứ nhất là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham mưu, chỉ đạo của các cơ quan chức năng đối với công tác báo chí, công tác nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta, trong đó báo chí và dư luận xã hội có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta đều biết rằng, báo chí chính thống là cơ quan phát ngôn của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, bởi đối tượng của nó là những cá nhân và tổ chức có chức vụ và quyền lực. Vì vậy khi tham gia vào cuộc đấu tranh này, các nhà báo và cơ quan báo chí rất cần sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, sự quản lý chặt chẽ của các cấp ủy chính quyền, sự tham mưu, định hướng của các cơ quan chức năng, nhất là ban tuyên giáo các cấp để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả. Bên cạnh đó, để phát huy được vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, đòi hỏi phải nghiên cứu để nắm bắt các luồng ý kiến khác nhau của nhân dân thông qua công tác nghiên cứu dư luận xã hội để báo chí có cơ sở thông tin, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước. Do đó đây là một giải pháp rất quan trọng.
Thứ hai là, phát huy ưu thế của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoàn thiện thể chế để báo chí chủ động tham gia cuộc tranh có hiệu quả.
Thời gian qua, báo chí đã thể hiện rõ ưu thế của truyền thông đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, chưa phát huy được hết ưu thế và khả năng của cơ quan báo chí và nhà báo. Thực tế cho thấy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Mặt khác, một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí.
Thực tế cũng cho thấy, cơ quan báo chí và nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ cơ quan báo chí, nhà báo lại thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Chính vì vậy, rất cần hoàn thiện thể chế cho hoạt động báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một là, cần có cơ chế cho báo chí nắm bắt thông tin kịp thời về công tác xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi được cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho báo chí. Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cập nhật thông tin, cung cấp thong tin khách quan, chân thực; đồng thời, các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp với báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, qua đó báo chí phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý với các cơ quan chức năng. Ba là, có cơ chế phối hợp giữa cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực với cơ quan báo chí để xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật. Bốn là, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú ý đúng mức đạo đức nghề nghiệpcho người làm báo, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của dân tộc.
Thứ ba là, báo chí cần thông tin kịp thời, chính xác những hiện tượng, vụ việc đang được điều tra, xử lý để tạo lập và định hướng dư luận xã hội góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những năm qua, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát, cập nhật thông tin hàng ngày, thậm chí hàng giờ để đưa tin, phản ánh, từ đó kịp thời định hướng dư luận, thu hút sự chú ý của nhân dân, động viên nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn góp phần “kích hoạt” tinh thần phòng, chống tham nhũng trong nhân dân.
Mặc dù vậy, vẫn còn những điều đáng lo lắng là, vì muốn đưa thông tin một cách kịp thời, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin hết sức gay gắt giữa chính các cơ quan báo chí để thu hút bạn đọc, đã dẫn đến hiện tượng mắc phải những sai phạm nghề nghiệp, thậm chí gây hậu quả lớn, khiến chính bản thân các nhà báo phải vướng vòng lao lý, cơ quan báo chí bị liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu. Để khắc phục, còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần giải quyết như việc các nhà báo chưa được tiếp cận đầy đủ, chính thống với nguồn thông tin đáng tin cậy; hay việc các nhà báo và những nguồn tin của họ chưa được bảo vệ một cách nghiêm túc... Những vấn đề này nếu được quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng, chắc chắn vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ ngày càng được phát huy hơn nữa.
Thứ tư là, tích cực sử dụng báo chí và dư luận xã hội để tập hợp trí tuệ, phát huy sang kiến của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước vấn nạn tham nhũng và tiêu cực xảy ra ở không ít cơ quan Đảng, hệ thống chính trị và doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, hơn bao giờ hết cần tích cực sử dụng báo chí và dư luận xã hội để tập hợp, phát huy trí tuện của nhân dân trong cuộc đấu tranh này. Bởi, dư luận xã hội là sự phản ánh tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, khuyến nghị của đông đảo quần chúng nhân dân xung quanh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Còn báo chí vừa là phương tiện cung cấp thông tin để tạo lập và định hướng dư luận xã hội, vừa là kênh phản ánh dư luận xã hội đến các chủ thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu sử dụng báo chí và dư luận xã hội một cách hiệu quả, chắc chắn Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ khai thác được trí tuệ, sáng kiến của nhân dân để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả hơn.
Thứ năm là, chú trọng phát huy chức năng giáo dục của báo chí và dư luận xã hội để phổ biến, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, trong sáng về đạo đức, lối sống trong thực thi công vụ để ngăn chặn các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Điểm chung của báo chí và dư luận xã hội là ở chức năng giáo dục. Nhờ chức năng này mà báo chí và dư luận xã hội có thể truyền bá, phổ biến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đạo đức cách mạng cho công chúng, hướng họ đến nhận thức và hành động đúng đắn trong cuộc sống. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã cho thấy, không phải tất cả những người có chức, có quyền đều xa vào tham nhũng, tiêu cực; mà phần nhiều trong số họ vẫn giữ được bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có khả năng “miễn nhiễm” với tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, báo chí và dư luận xã hội cần phát huy chức năng giáo dục để lan tỏa, nhân rộng những tấm gương điển hình, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong thực thi công vụ, qua đó góp phần ngăn chặn các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống các cơ quan công quyền thời gian tới.
Thứ sáu là, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực thông qua vai trò của báo chí và dư luận xã hội.
Nguyên nhân của những phản ứng tiêu cực, bức xúc, mất niềm tin trong một bộ phận nhân dân trước các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân, tổ chức khi được phanh phui, xử lý có thể có nhiều. Song, nguyên nhân quan trọng và chủ yếu nhất vẫn là sự tác động của những thông tin sai lệnh, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động xung quanh vấn đề xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, phương tiện, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc nguyên nhân và kết quả của các vụ việc lien quan đến tham nhũng, tiêu cực để làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ; gây bất ổn xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Vì thế, báo chí và dư luận xã hội cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong việc lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phá hoại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ./.
PGS, TS. Phạm Huy Kỳ Nguyên (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền)