Đương nhiên, không thể căn cứ vào đặc trưng ngẫu nhiên, bên ngoài để xác định tính chất xã hội của hòa bình. Nếu như khi nói đến tính chất xã hội của chiến tranh, vấn đề phân định chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa có tiêu chí rõ ràng, thì đối với phân định tính chất xã hội của hòa bình, việc xác định tiêu chí trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Sở dĩ như vậy bởi lẽ, khi nhìn nhận về hòa bình, người ta thường bằng lòng với trạng thái xã hội không có xung đột vũ trang, nên kém hào hứng với vấn đề trạng thái hòa bình ấy có thực sự đem lại chính trị tốt đẹp cho đa số hay không.
Tuy nhiên, nói đến tính chất xã hội của hòa bình, tất yếu phải nói đến sự đánh giá của một lực lượng xã hội nhất định đối với nền hòa bình đang được duy trì về trình độ tiến bộ xã hội của nó, dựa trên một hệ thống tiêu chuẩn chính trị xã hội đặc trưng, để xác định đó là nền hòa bình gắn với tiến bộ xã hội hay nền hòa bình dung dưỡng đường lối chính trị phản động. Như vậy, nếu đánh giá tính chất xã hội của một nền hòa bình chỉ thuần tuý xét theo thời gian tính thì dễ có sự đồng thuận trong nhận thức chung: Đó là nền hòa bình thực thụ hay nền hòa bình đang trong trạng thái nguy cấp, cận kề chiến tranh; là nền hòa bình lâu dài hay chỉ là trạng thái bình ổn tạm thời... Song xét đến cùng, trên cơ sở quan điểm về hòa bình với tính cách kế tục của chính trị, thì tính chất xã hội của hòa bình là một phạm trù giá trị phản ánh lập trường quan điểm, lợi ích giai cấp, được đánh giá theo tổng thể các tiêu chí về chính trị, đạo đức, pháp quyền, thẩm mỹ.
Tiêu chí về mặt chính trị là cơ bản nhất để đánh giá tính chất xã hội của hòa bình theo những khía cạnh: Một là, mục đích và nội dung chính trị mà hòa bình thực hiện, và sức sống của nền chính trị có thực sự bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định hay không. Khi mục đích, nội dung chính trị thay đổi, nhất là khi thể chế chính trị có những biến động lớn cũng chính là khi nền hòa bình trở nên mong manh vì buộc phải chứa đựng trong lòng nó nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mục đích, nội dung chính trị được nhà nước vận hành trong một quốc gia luôn quyết định tính chất của nền hòa bình ở quốc gia ấy là tiến bộ, thúc đẩy xã hội phát triển hoặc ngược lại. Hai là, vai trò xã hội của giai cấp lãnh đạo xã hội, tức giai cấp cầm quyền. Nếu giai cấp lãnh đạo xã hội là giai cấp tiến bộ, cách mạng, đại biểu cho xu thế phát triển thời đại thì mọi quyết sách chính trị để duy trì nền hòa bình thường mang tính chất tiến bộ, chính nghĩa, và ngược lại. Ba là, bối cảnh chính trị trong nước và tương quan chính trị với các nước trong khu vực, thế giới. Đó là bối cảnh luôn chứa đựng những động thái chính trị mang đặc điểm chính trị cụ thể, làm cho địa vị của giai cấp lãnh đạo trong từng quốc gia, xét trong sự đối sánh chính trị với các quốc gia, có thể hoặc phải được giải quyết bằng con đường hòa bình hay không.
Tính chất xã hội của hòa bình cũng được đánh giá về nhiều mặt khác. Về mặt luật pháp là dựa trên cơ sở luật pháp và công ước quốc tế để đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của chính thể đang cầm quyền. Theo đó, nền chính trị hòa bình mà thể chế ấy đang vận hành có được coi là phù hợp với công ước quốc tế hay không; nền hòa bình có gắn với tiến bộ xã hội, thực thi quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền con người hay không. Về mặt đạo đức là xem xét nền hòa bình có phù hợp với giá trị đạo đức, lương tri nhân loại hay không, mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho nhân dân, được người dân tha thiết xây dựng hay thờ ơ với số phận của nó.
Về mặt thẩm mỹ là xem xét nền hòa bình có gắn với những lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp hay không, có đem lại động lực lao động sáng tạo và bầu không khí hoan lạc trong dân chúng hay không. Xem xét tính chất xã hội của hòa bình cũng cần tính đến những chỉ số về mặt quân sự, tức là nền hòa bình gắn với chạy đua vũ trang hay giải trừ quân bị, đối nội quân phiệt hay dân chủ, đối ngoại hữu hảo hay đối đầu, giảm thiểu mâu thuẫn hay tăng sức ép quân sự...
Trong bối cảnh thế giới đương đại mà hòa bình đang là bức tranh lớn, chỉ có thể đánh giá đúng tính chất xã hội của hòa bình khi đứng trên lập trường cách mạng gắn với phát triển và tiến bộ xã hội. Tất nhiên, tính chất xã hội của một nền hòa bình cụ thể có thể biến đổi do sự biến đổi mục đích chính trị của mỗi quốc gia cũng như tương quan giữa các nền chính trị quy định. Theo đó, xét về mặt tính chất xã hội, sự chuyển hóa giữa hòa bình chân chính với hòa bình ngụy tạo, hòa bình đi kèm độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội với hòa bình đi kèm nô dịch và phản tiến bộ, hòa bình từng nước với hòa bình giữa các nước, hòa bình khu vực, hòa bình thế giới... là sự chuyển hóa ngày càng trở nên phổ biến.
Tác động xã hội của hòa bình là hệ quả trực tiếp từ tính chất xã hội của hòa bình. Nhìn chung, hòa bình là không - thời gian mà toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội ít bị đảo lộn, song tác động của hòa bình đến xã hội cũng có thể hàm chứa mặt trái của nó. Hòa bình mang lại môi trường ổn định và thuận lợi để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường sinh thái...
Mặt khác, hòa bình cũng tạo nên “chiếc nôi êm ấm” mà người ta dễ bị ngủ quên trước nguy cơ chiến tranh. Trong môi trường hòa bình, những khuyết tật xã hội của các tổ chức chính trị, xã hội, quan hệ giai cấp, dân tộc, cũng như của cả quốc gia, dân tộc có điều kiện để che giấu, dung dưỡng. Hoà bình cũng dễ đem lại sức ỳ về tâm lý xã hội, phong cách tư duy, hành động..., khó đoạn tuyệt được những khuyết tật, những hủ tục, cơ chế lỗi thời. Sự vận hành hệ thống chính trị và chính sách đối nội, đối ngoại của các nước, sự phát triển kinh tế - xã hội, các mối quan hệ xã hội, vị thế con người trong cộng đồng và trách nhiệm con người trước cộng đồng... tuy đều mang đặc trưng tích cực là bình ổn, nhưng rất khó khăn để có được bước phát triển đột phá.
Hiện nay, trong xu thế phong trào cách mạng đang tạm thời thoái trào, chủ nghĩa đế quốc không chỉ ngày càng gia tăng tiềm lực về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ mà còn có khả năng thao túng các tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Liên hợp quốc. Do đó, việc công khai bênh vực cho nền hòa bình gắn với tinh thần độc lập, tự chủ của các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu đang đấu tranh cho sự bình đẳng về cơ hội phát triển trở nên hết sức hệ trọng và nhạy cảm. Để thực sự xây dựng được nền hòa bình của quốc gia, dân tộc gắn với tiến bộ xã hội, cần vận dụng sáng tạo các công ước quốc tế vào việc xử lý các vấn đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo... Đồng thời, cần đoàn kết đấu tranh cho nền hòa bình thế giới gắn với bình đẳng các dân tộc, vì sự thịnh vượng và phát triển.
Nhìn chung, trong xã hội có giai cấp thì hòa bình thường bị gián đoạn, ngắt quãng bởi các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang có thể dài hay ngắn. Hoà bình có thể là quá trình diễn ra bình thường, tự nhiên, song cũng có thể chỉ được tạo dựng với tính cách kết quả của quá trình đấu tranh, thậm chí là sự kết thúc chiến tranh giữa các bên tham chiến, hoặc cũng có thể là kết quả quá trình cưỡng chế, ép buộc bằng sức mạnh bạo lực, thậm chí bạo lực vũ trang để chống lại những hành vi bạo loạn, bạo động, gây chiến...
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-tinh-chat-xa-hoi-cua-hoa-binh-a13294.html