Bản chất của hòa bình (Phần 1)

Trong xã hội có giai cấp, hòa bình vừa được nhìn nhận là trạng thái xã hội không có chiến tranh, vừa là sự kế tục chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định bằng các thủ đoạn phi vũ trang là chủ yếu.

screenshot-3-1698681544.png
Iceland được bầu chọn là quốc gia yên bình nhất thế giới năm 2023, theo Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Ảnh: Internet.

Nên, cũng như chiến tranh, hòa bình luôn có tính giai cấp, có hòa bình tư sản và hòa bình vô sản, có hòa bình trong tự do, hạnh phúc và hòa bình trong nô lệ, trong máu và nước mắt. Hòa bình cũng chứa đựng trong lòng nó động thái xung đột vũ trang trong chừng mực không nhằm giải quyết các mối quan hệ chính trị - nhà nước mà chỉ thuộc về vấn đề “thuần quân sự”, kể cả xung đột vũ trang có quy mô lớn.

Tất nhiên, từ xung đột vũ trang dẫn đến nguy cơ xảy ra chiến tranh chỉ có một ranh giới hết sức mong manh. Song, sự định hình quan niệm hòa bình là cần thiết cả về lý luận và thực tiễn, giúp chủ thể chính trị chủ động xác lập chiến lược, sách lược, nội dung, hình thức, phương pháp xử lý vấn đề phù hợp. Mọi sự nhầm lẫn đều dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là trong điều kiện hòa bình và hợp tác đang là xu thế lớn của thế giới đương đại.

Theo nghĩa thông thường, quan niệm về hòa bình dùng để chỉ trạng thái đời sống xã hội không có chiến tranh hoặc chiến tranh đã chấm dứt, tất nhiên là xét theo mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc. Khái niệm hòa bình cũng được áp dụng vào trạng thái của con người, của xã hội trong các điều kiện địa - chính trị cụ thể, cho dù vẫn có xuất hiện động thái xung đột, thậm chí xung đột vũ trang nhưng ở cấp độ và phạm vi rất nhỏ hẹp.

Hòa bình theo nghĩa thông dụng hơn để chỉ một cách thức ứng xử giữa các cá nhân, cộng đồng, chính đảng, giai cấp. trong xã hội theo phương cách tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ công lý, đạo đức, loại bỏ sự thù địch hay tranh chấp bạo lực. Hoà bình ấy có thể là tự phát, nhưng cũng có thể do các thiết chế xã hội - nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế hành vi bạo loạn. Hòa bình không đơn giản chỉ là trạng thái xã hội vắng bóng chiến tranh mà còn biểu thị thế quân bình giữa các lực lượng đối lập, thậm chí đối kháng.

Việc làm rõ quan niệm và bản chất của hòa bình trước hết gắn với sự nghiên cứu chiến tranh, trong tư cách là khái niệm chỉ trạng thái xã hội đối lập với trạng thái xã hội được bao quát trong khái niệm chiến tranh. Hòa bình và chiến tranh là hai vấn đề, hai khái niệm đối lập nhau về nội hàm, nhưng lại song hành với nhau từ khi xã hội loài người có sự phân chia giai cấp, có đối kháng giai cấp và chiến tranh xuất hiện đến nay.

31122019-002005-1698681659.jpg
Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh. Ảnh: PL Design.

Có khái niệm chiến tranh thì cũng có khái niệm hòa bình; có các kiểu chiến tranh thì cũng có các kiểu hòa bình. Khi thế giới không còn chiến tranh và ý niệm chiến tranh nữa, thì khái niệm hòa bình cũng trở nên không cần thiết. Sự song hành của hai loại vấn đề, hai loại khái niệm này làm cho việc nhìn nhận, xem xét vấn đề nó phải đặt trong mối quan hệ với vấn đề kia. Điều đó có nghĩa là, khi xem xét vấn đề hòa bình thì phải đặt nó trong mối quan hệ với nghiên cứu vấn đề chiến tranh; khi xem xét vấn đề chiến tranh thì cũng lại phải gắn với nghiên cứu vấn đề hòa bình và đặt nó trong mối quan hệ với vấn đề hòa bình. Có như thế thì việc nghiên cứu vấn đề chiến tranh hoặc vấn đề hòa bình mới gắn với thực tiễn, bảo đảm tính toàn diện, chuẩn xác, khoa học.

Khái niệm hòa bình được đặt ra ngay từ khi xuất hiện hiện tượng chiến tranh như là sản phẩm của xã hội có giai cấp đối kháng. Theo V.I. Lênin: “Chừng nào xã hội còn phân chia thành giai cấp, chừng nào còn có người bóc lột người thì chiến tranh là không thể tránh khỏi”; và theo đó thì hòa bình xét đến cùng cũng cần được nhìn nhận với tính cách: “Không thể xoá bỏ được chiến tranh, nếu không xoá bỏ các giai cấp và không thiết lập chủ nghĩa xã hội”.

Vì vậy, cần nghiên cứu, tìm hiểu khái niệm hòa bình từ sự đối sánh những thành tố cơ bản trong khái niệm chiến tranh. Muốn làm rõ khái niệm hòa bình với tính cách một quá trình chính trị thì cần phải hiểu rõ khái niệm chiến tranh; không thể hiểu sâu sắc khái niệm hòa bình và càng không thể hiểu được các kiểu và các loại hình hòa bình nếu không luận rõ được khái niệm chiến tranh, các kiểu loại chiến tranh.

Để tiếp cận bản chất của hòa bình, cần thấy quan niệm khá hoàn chỉnh về chiến tranh với luận điểm nổi tiếng “chiến tranh chỉ là sự kế tục đơn thuần của chính trị bằng những thủ đoạn khác” của Ph.Claudơvít tuy còn có hạn chế trong lý giải về nội hàm chính trị, song cách nhìn nhận về sự kế tục chính trị ấy không chỉ cho phép tiếp cận thực chất của chiến tranh mà còn đem lại sự gợi mở lớn để nghiên cứu khái niệm hòa bình. Đó là: Hòa bình không chỉ trong tư cách một trạng thái vận hành của đời sống xã hội, mà chỉ có thể hiểu sâu sắc về nó với tư cách là sự kế tục chính trị trong xã hội có đối kháng giai cấp, tất nhiên nhờ những thủ đoạn đối lập với quá trình kế tục chính trị bằng bạo lực vũ trang của chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ban-chat-cua-hoa-binh-phan-1-a13293.html