Quy luật của chiến tranh (Phần 2 và hết)

So sánh sức mạnh chính trị tinh thần luôn hợp cùng so sánh sức mạnh kinh tế để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh. V.I. Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh rốt cuộc thắng lợi đều phụ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”.

van-hoa-9-1698162000.jpg
Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ lừng lẫy năm châu là do sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nhân tố chính trị, tinh thần đóng vai trò quyết định. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân tố chính trị tinh thần của các bên tham chiến thực chất là tổng hòa giữa tính chất tiến bộ hay phản động của hệ tư tưởng và thể chế chính trị cùng độ bền vững của tâm lý xã hội, thể hiện ở khả năng chịu đựng thử thách chiến tranh cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân và quân đội.

Giành được ưu thế chính trị - tinh thần là giành được động lực mạnh nhất của tiến trình và kết cục chiến tranh, đồng thời có được chất kết dính thúc đẩy sự phát triển bền vững các tiềm lực khác. Trong chiến tranh hiện đại càng như vậy. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh để giành giật “con tim, khối óc” con người trong chiến tranh lại gay go, quyết liệt và có tầm quan trọng to lớn như hiện nay. Bởi lẽ, chưa bao giờ vũ khí và phương tiện chiến tranh lại có sức tàn phá, sự hủy diệt khủng khiếp, đồng thời đòi hỏi trình độ trí tuệ và ý chí cao của con người như hiện nay. Hơn nữa, thời đại ngày nay là thời đại mà động lực chính trị - tinh thần có đầy đủ phương tiện để tác động sâu rộng, trực tiếp, thường xuyên đến quảng đại quần chúng và công luận quốc tế.

So sánh sức mạnh văn hóa xã hội là một thành tố không thể thiếu của so sánh sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh giữa các bên tham chiến. Ưu thế văn hóa - xã hội trong chiến tranh không chỉ thể hiện ở tiềm năng dân trí cao mà còn thể hiện ở nền tảng xã hội của khối đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện mục đích chính trị của chiến tranh.

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định, sự đồng thuận xã hội của đông đảo quần chúng nhân dân ở tiền tuyến và hậu phương, truyền thống cố kết cộng đồng, tự tôn dân tộc luôn có ý nghĩa quyết định đến việc quần chúng nhân dân tham gia chủ động, tích cực và góp phần giành thắng lợi trong chiến tranh.

Ngược lại, vận hành xã hội thiếu tổ chức, tâm trạng xã hội hoảng loạn hoặc nhân dân thờ ơ trước vận mệnh quốc gia... luôn là nguyên nhân chí tử dẫn đến thất bại trong chiến tranh. V.I. Lênin khẳng định: “Thời đại mà bọn đánh thuê hay bọn đại biểu các đẳng cấp vừa thoát ly khỏi nhân dân, tiến hành chiến tranh thời đại ấy đã vĩnh viễn qua rồi. Chiến tranh ngày nay là do nhân dân tiến hành”.

Tuy nhiên, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân chỉ khi chuyển hóa thành hoạt động thực tiễn có tổ chức thì mới thúc đẩy được chiến tranh theo chiều hướng có lợi. Ngày nay, điều kiện mặt bằng dân trí cao cùng xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ tạo khả năng thuận lợi cho việc xây dựng và khai thác sức mạnh văn hóa xã hội. Tất nhiên, việc hiện thực hóa khả năng ấy luôn tùy thuộc vào bản chất của nhà nước, chế độ chính trị. 

screenshot-1-1698162414.png
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện những nét đặc sắc, độc đáo của phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân. Ảnh: Tư liệu

So sánh sức mạnh khoa học và công nghệ đóng vai trò cơ sở để các bên tham chiến tạo ưu thế về khả năng chế tạo vũ khí, phương tiện chiến đấu có chất lượng cao hơn đối phương, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh. So sánh sức mạnh khoa học và công nghệ trong chiến tranh là so sánh tổng hợp cả về số lượng, chất lượng các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học, các ngành công nghệ, cả về trình độ, nhịp độ phát triển và khả năng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào đời sống cũng như lĩnh vực quân sự.

Tác động của tiềm lực khoa học và công nghệ đối với tiến trình và kết cục của chiến tranh chủ yếu thông qua việc giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ chiến tranh đặt ra trên tất cả các lĩnh vực, từ khoa học đến công nghệ, từ lý luận đến thực tiễn, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội nhân văn, từ khoa học và công nghệ dân sự đến khoa học và công nghệ quân sự... Do vậy, ưu thế trong chiến tranh sẽ thuộc về phía có tiềm lực khoa học và công nghệ, đồng thời biết khai thác, sử dụng vào phục vụ chiến tranh. Ưu thế về khoa học và công nghệ thâm nhập vào các yếu tố khác, góp phần đẩy nhanh sự phát triển sức mạnh quân sự quốc gia, trên cơ sở đó tạo tiền đề thuận lợi để giành ưu thế trong tiến trình và kết cục chiến tranh. Hiện nay, ưu thế về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, trở thành một trong những nhân tố trực tiếp tham chiến bảo đảm thắng lợi.

So sánh sức mạnh quân sự là nhân tố trực tiếp nhất quyết định tiến trình và kết cục của chiến tranh. Chiến tranh do nhiều lực lượng xã hội tham gia, trong đó lực lượng vũ trang luôn giữ vị trí nòng cốt, đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt để tiến hành đấu tranh vũ trang trong chiến tranh. So sánh sức mạnh quân sự trong chiến tranh là sự so sánh các bên tham chiến về khả năng duy trì, tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo đảm cho lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh, đủ sức đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Giành được ưu thế về quân sự là giành được điểm mấu chốt của chiến tranh, tạo điều kiện để thực hiện mục đích chính trị của bên tham chiến một cách chắc chắn nhất, đồng thời góp phần làm tan rã các nhân tố tham chiến của đối phương. Chiến tranh càng phát triển thì cuộc đấu tranh giành giật ưu thế về quân sự càng quyết liệt, phức tạp.

Trong thế giới đương đại, cách mạng khoa học công nghệ đang đem lại bộ mặt mới cho sự phát triển của lĩnh vực quân sự, tạo nên sự cải biến mang tính đột phá trên tất cả các bình diện: học thuyết quân sự, tổ chức quân sự, vũ khí trang bị...

victory-in-battle-of-dien-bien-phu-1698162557.jpg
Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu

Quy luật về tiến trình và kết cục của chiến tranh phụ thuộc trực tiếp vào kết quả tác chiến của lực lượng vũ trang

Chỉ riêng những thắng lợi về quân sự, kể cả những trận đánh tiêu diệt lớn, không thể tự quyết định bước ngoặt của cuộc chiến hoặc tự kết thúc chiến tranh. Việc xoay chuyển lớn cục diện chiến lược của chiến tranh hoặc kết thúc chiến tranh xét đến cùng được quy định bởi kết quả toàn diện trong giải quyết mục tiêu chính trị của mỗi bên tham chiến, ý chí của nhà nước và sự chịu đựng của nhân dân.

Tuy nhiên, không thể nói đến việc tạo ra được bước ngoặt chiến tranh có lợi hoặc kết thúc chiến tranh một cách có lợi cho nền chính trị sẽ được kế tục tiếp theo nếu như thất bại trên mặt trận quân sự. Trong thực tiễn lịch sử, các cuộc chiến tranh thường kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược lớn, và thông thường thì sự thất thủ kinh đô, thủ đô đồng nghĩa với sự kết thúc chiến tranh trong thất bại.

Các quy luật trên đây của chiến tranh luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, hợp thành thể thống nhất, tác động vào tiến trình và kết cục của chiến tranh theo những cơ chế và phương thức nhất định. Tất nhiên, vai trò của các quy luật không ngang bằng nhau và luôn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, của mỗi bên tham chiến. Xu hướng, mức độ tác động của các quy luật chiến tranh phụ thuộc rất lớn vào năng lực nhận thức và hành động của con người và sự chế ước của các điều kiện khách quan.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quy-luat-cua-chien-tranh-phan-2-va-het-a13207.html