Gắn biển phố vinh danh nhà tình báo kiệt xuất
Sáng 23/10, UBND quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) phối hợp Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tổ chức lễ gắn biển phố mang tên Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức tại phường Thanh Trì.
Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Tình báo quốc phòng (25/10/1945 - 25/10/2023), 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận Hoàng Mai (25/11/2003 - 25/11/2023).
Phố Đặng Trần Đức là đoạn từ ngã ba giao cắt phố Thanh Đàm, tại trụ sở UBND phường Thanh Trì (đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ phường và Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Đặng Trần Đức) đến ngã ba giao cắt tại trụ sở Công an phường Thanh Trì (tổ dân phố 7). Tuyến phố dài 350m, rộng 11,5 - 13m (lòng đường 7,5 - 9m, vỉa hè mỗi bên 1 - 4m). Việc đặt tên tuyến phố trên nằm trong nội dung Quyết định ngày 17/8/2023 của UBND Hà Nội về việc đặt tên cho 52 tuyến đường, phố mới năm 2023.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Hiếu, Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận nhấn mạnh, việc TP quyết định đặt tên phố Đặng Trần Đức, một lần nữa đã thể hiện sự tri ân, ghi nhận những công lao to lớn của Đảng, Nhà nước với Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.
Thiếu tướng Lê Vĩnh Thuộc, Phó Chính ủy Tổng cục II cho biết: “Việc đặt tên cho một tuyến phố nhằm tôn vinh những đóng góp, công lao của Thiếu tướng Đặng Trần Đức nói riêng, ngành Tình báo quốc phòng Việt Nam nói chung, với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống cách mạng, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tình báo quốc phòng hôm nay nguyện luôn tri ân, học tập noi theo tấm gương sáng của Anh hùng LLVT Đặng Trần Đức, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, làm toả sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ tình báo quốc phòng trong lòng nhân dân; tiếp tục lập nhiều chiến công mới.
Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu đề nghị, sau khi tuyến phố chính thức mang tên Đặng Trần Đức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Thanh Trì tiếp tục duy trì, tôn tạo làm cho tuyến phố ngày càng đẹp đẽ, khang trang hơn. Các ban, ngành, đoàn thể quận, đặc biệt ngành GD&ĐT, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên quận, tổ chức nhiều hoạt động “Về nguồn”, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống Quân đội ta cho các thế hệ trẻ trên địa bàn về ý nghĩa của việc đặt tên tuyến phố gắn với Nhà lưu niệm Đặng Trần Đức.
Nhà tình báo lỗi lạc
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức SN 1922 trong một gia đình công nhân nghèo ở Thanh Trì, Hà Nội (nay là phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội); bí danh Ba Quốc - 3Q, Nguyễn Văn Tá; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều điệp viên của ta đã hoạt động bí mật để khai thác tin tức, phục vụ kháng chiến. Thiếu tướng Đức cũng là một điệp viên như thế, nhưng vị trí công tác của ông rất đặc biệt: Ông hoạt động ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo của đối phương - Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Việt Nam Cộng hòa...
Với những chiến công xuất sắc, ông được mệnh danh là một trong những “át chủ bài” của lực lượng tình báo Việt Nam.
Thiếu tướng Đức nhập ngũ tháng 5/1949. Năm 1950, theo yêu cầu của Đảng và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, ông được tổ chức bố trí vào hoạt động trong hàng ngũ địch. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, theo chỉ thị của tổ chức, ông đi theo con đường của đối phương vào hoạt động tại Sài Gòn. Lúc đầu, ông chỉ là một nhân viên kế toán, nhưng với nhãn quan nhạy bén, ông từng bước tiếp cận và ghi điểm trong mắt Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị, thực chất là cơ quan mật vụ chống Cộng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đặng Trần Đức với tên Ba Quốc trở thành một trong những “phụ tá trung thành” của Trần Kim Tuyến.
Sau khi vượt qua được những cuộc sát hạch bằng máy kiểm tra nói dối của Mỹ, Đặng Trần Đức ngày càng chiếm được niềm tin của các nhân vật cộm cán trong Phủ Đặc ủy. Nhờ đó, ông được tiếp cận với nhiều các tài liệu quan trọng trong cơ quan tình báo của đối phương. Đặc biệt, ông khéo léo lợi dụng sơ hở và những mâu thuẫn của chính quyền Sài Gòn để củng cố vị trí, tăng cường khả năng thu thập tin tức.
Được đối phương tin dùng ở vị trí ngày càng cao, Ba Quốc càng có điều kiện tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn. Nhờ đó, tin tức khai thác được ngày càng phong phú, không chỉ về an ninh mà cả các kế hoạch quân sự của đối phương, ý đồ giải quyết chiến tranh của Mỹ… Những tin tức, tài liệu được kịp thời gửi lên trên, giúp ta chỉ đạo kịp thời. Ông còn phát hiện một số địa điểm đặt điện đài và các tổ chức gián điệp của đối phương cài ở vùng giải phóng, giúp cho địa phương đánh bắt, ngăn chặn những thiệt hại cho cách mạng. Có lần, từ tin tức của ông, ta đã phá hàng chục tổ chức gián điệp của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa cài cắm ở miền Bắc.
24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, nhà tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức đã thực hiện nhiều điệp vụ khó khăn: Giải cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khỏi mật vụ đối phương, cứu Quốc vương Norodom Shihanouk khỏi âm mưu ám sát… Ông đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của đối phương cho cách mạng. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông, những người thân trong gia đình ông đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh. Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người đã bị chế độ Sài Gòn bắt bớ, tra tấn, đàn áp. Vợ ông, bà Phạm Thị Thanh cùng các con ở miền Bắc đã phải chịu đựng không ít khổ cực về vật chất và tinh thần nhưng vẫn âm thầm chịu đựng để ông yên tâm hoạt động. Người vợ thứ hai của ông là bà Ngô Thị Xuân, cùng các con ở Sài Gòn cũng hết lòng bao bọc để ông hoàn thành nhiệm vụ khi hoạt động trong địch hậu.
Ngày 6/11/1978, Thiếu tướng Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngoài ra, Thiếu tướng Đức còn vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công... và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông qua đời năm 2004.
Lam Hạnh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/le-gan-ten-pho-dang-tran-duc-vinh-danh-nha-tinh-bao-loi-lac-a13194.html