Tiền lương và thu nhập là đòn bẩy rất mạnh mẽ, kích thích sự sáng tạo
Trao đổi về việc cán bộ, công chức chưa tâm huyết, toàn tâm toàn ý cống hiến, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: Đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, việc chưa toàn tâm toàn ý có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề tiền lương, thu nhập, các chế độ chính sách, khen thưởng. Bởi vì, việc toàn tâm toàn ý còn liên quan ý thức nêu gương, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ đến, nhiều người cũng đề cập, đó là môi trường làm việc như thế nào. Ở cơ quan có người đứng đầu tạo điều kiện, quan tâm, đánh giá, phân loại theo đúng quy định, công bằng, chắc chắn người lao động sẽ toàn tâm toàn ý.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện làm việc tốt, giúp người lao động có đủ điều kiện để phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân, tiền lương, thu nhập chỉ là một vấn đề nhưng là vấn đề rất quan trọng. Bởi xét ở khía cạnh nào đó, tiền lương và thu nhập, các chế độ khen thưởng bằng vật chất, tinh thần chính là "đòn bẩy" rất mạnh mẽ, để kích thích, là động lực của sự lao động và sáng tạo.
Tiền lương phải đi liền với công việc, không thể tăng lương theo kiểu cào bằng
Tiền lương tạo ra "đòn bẩy" để kích thích, để cho người lao động phấn đấu, quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh, thanh danh của đơn vị mà người ta cống hiến. Đây là một trong những chủ đề quan trọng để tạo ra giải pháp giúp người lao động cải thiện thêm tinh thần trách nhiệm, nâng cao lòng yêu nghề, sự cống hiến.
Cho nên, việc cải cách, đổi mới chế độ, chính sách tiền lương sẽ là một trong những yếu tố rất quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng hàng đầu để tạo ra điều kiện tốt nhất.
Người lao động coi đó là một trong những mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt, xuất sắc; thậm chí, phấn đấu để đột phá sáng tạo trong công việc.
"Tuy nhiên, nếu muốn tăng lương thì phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự. Muốn giải quyết được bài toán nhân sự thì cần phải cân đối quỹ tiền lương.
Như vậy, hai vấn đề này gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể nói đến nhân sự mà không nói đến tiền lương, không thể nói tiền lương mà không nói đến nhân sự", TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Khi muốn tăng lương không phải là tăng lương ào ạt, muốn tăng cho ai cũng được hoặc dàn đều để tạo sự phấn khích. Tiền lương đi liền với công việc. Vì thế, đầu tiên phải nói đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc như thế nào? Công việc này phải gắn liền với từng loại chuyên môn nghiệp vụ và liên quan từng vị trí việc làm.
Chính vì thế, việc cải cách, đổi mới chế độ tiền lương phải đổi mới chế độ nhân sự, ở đó phải xem xét công tác cán bộ, công tác nhân sự sao cho hợp lý về mặt số lượng, chất lượng con người, phải chọn người có đủ khả năng gánh vác, điều hành ở từng cấp độ khác nhau. Có nghĩa, phải sắp xếp lực lượng lao động, nhân sự sao cho hợp lý, sử dụng con người đúng chuyên môn, nghề nghiệp để họ phát huy được sở trường.
Nếu làm bài toán tăng lương theo kiểu "nước nổi bèo nổi" sẽ không đảm bảo sự công bằng, dẫn đến nghi kỵ, mất đoàn kết trong chính nội bộ. Như thế, việc tăng lương đôi khi lại trở thành một "cái bẫy", tiêu cực có thể làm hại cho chính đơn vị, tổ chức đó.
Tiền lương là một khoản đầu tư
TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tiền lương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động và điều kiện kinh tế, vai trò lãnh đạo của người đứng đầu.
Ví dụ, khi điều hành một công ty mà không dám đi vay tiền trả lương, thậm chí trả lương rất cao cho người lao động, sẽ không bao giờ có được đội ngũ lao động tốt để làm ra những sản phẩm có giá trị, có tính đột phá để thu lại lợi nhuận cao.
Như vậy, tiền lương không chỉ được coi là việc trả cho công sức lao động mà người ta bỏ ra, thậm chí phải coi đó là một khoản đầu tư.
Theo đó, Nhà nước cũng nên thực hiện giống như các doanh nghiêp. Muốn có được hiệu suất tốt, muốn có được Nhà nước hùng cường thì phải đầu tư cho con người. Nói đúng hơn, đầu tư mạnh mẽ và một trong những đầu tư đó là thông qua tiền lương và các chế độ, chính sách cho người lao động như chính sách nhà ở, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng…
Nếu biết sử dụng "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", trong đó có việc chi tiền lương sẽ tạo ra được đội ngũ lao động tốt. Khi tạo ra được cơ chế mới về đột phá tiền lương, người lao động có thể sống bằng lương và yên tâm công tác. Nếu chúng ta tư duy như thế thì câu chuyện "bao giờ chúng ta sống được bằng lương" sẽ được thu hẹp dần khoảng cách.
Còn nếu vẫn tiếp tục theo tư duy làm đến đâu trả lương đến đó, hoặc có tiền thì trả lương cao, không có tiền thì trả lương thấp, hẳn là người lao động sẽ không bao giờ sống được bằng lương theo đúng nghĩa.
Bởi vì, xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu ngày càng cao, không thể nói ngày hôm nay không có cơm ăn, ngày mai có cơm ăn tức là người ta đã sống được bằng lương. Người ta phải sống được bằng những giá trị cao hơn nữa, bao gồm cả giá trị vật hất và tinh thần. Cho nên, tiền lương phải được coi là khoản đầu tư thì lúc đó chúng ta sẽ sống được bằng lương.
Phải có chiến lược về công tác nhân sự, "chiêu hiền đãi sĩ", giữ chân người tài
TS. Lưu Bình Nhưỡng cho biết, Đảng và Nhà nước có rất nhiều quy định và bản thân các cơ quan, tập đoàn đều có những quy định riêng để lựa chọn, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp với hoàn cảnh, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của mình.
Muốn sắp xếp được nhân sự thì bản thân các cơ quan, đơn vị, cao hơn là Nhà nước phải có chiến lược về nhân sự, vị trí việc làm, từ đó đào tạo, bồi dưỡng và biết trọng dụng các nhân tài, đặc biệt là các nhân tài xuất sắc, phải biết "chiêu hiền đãi sĩ".
Tuy nhiên, thực tế chế độ "chiêu hiền đãi sĩ" hiện nay có vẻ như mới được nêu về mặt lý thuyết. Về mặt thực tiễn, có thể nói các cơ quan, bộ ngành chưa thực hành, thực hiện được chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trọng dụng nhân tài, nói đúng hơn vấn đề này còn... bỏ ngỏ.
Ví dụ, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã từng đề nghị Quốc hội cần có luật về trọng dụng, sử dụng nhận tài nhưng cho đến nay rõ ràng vấn đề này còn rất xa vời. Trong khi đó, nhiều văn bản luật cũng đề cập, thậm chí chúng ta còn có quy định trọng dụng những người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng, chuyên môn kỹ thuật cao.
Ví dụ, ở TP. Hồ Chí Minh, sau khi có Nghị quyết 54 cơ chế đặc thù, về cơ bản đã làm chính sách tăng lương nhưng nói về trọng dụng nhân tài thì cho đến thời điểm này cũng chưa thực sự hiệu quả.
Với những địa bàn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… là những nơi mà cần trọng dụng nhân tài để phục vụ cho những đề án về tạo tính đột phá, thực hiện cơ chế đặc thù. Muốn xây dựng được đội ngũ mạnh, có động lực để thực hiện được một cách xuất sắc, hoặc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình thì các cơ quan đơn vị cần có chiến lược. Chúng ta đã có chiến lược về mặt nhân lực nhưng để cụ thể hóa đối với hệ thống đơn vị thì phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể thì mới thực hiện được.
Nêu quan điểm về việc triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW để giữ chân công chức, người có tài, TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Đó là một chủ trương rất đúng đắn. Tuy vậy, chúng ta không chỉ dựa vào Nghị quyết này bởi trước đó đã có nhiều chủ trương rồi. Nghị quyết này chẳng qua chỉ là bước tiến tiếp theo để thực hiện chính sách đôn đốc và, cụ thể hóa và hâm nóng vấn đề này. Chứ đây không phải là Nghị quyết hoàn toàn mới về chiến lược nhân sự cũng như công tác cán bộ.
"Chúng ta cũng đừng kỳ vọng và chỉ dựa vào một Nghị quyết này mà phải xem xét tổng thể mọi vấn đề về mặt chủ trương, chính sách, đường lối và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, phải dựa trên điều kiện, hoàn cảnh thực tế, phải bố trí người lãnh đạo phù hợp.
Bởi lẽ, nếu người lãnh đạo không phù hợp không thể tạo nên được đội ngũ cán bộ tốt. Cho nên cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải là người được xem xét, phải được bố trí phù hợp, lựa chọn chính xác người xứng đáng", TS. Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ./.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cai-cach-tien-luong-phai-gan-lien-voi-doi-moi-cong-tac-nhan-su-khong-tang-luong-theo-kieu-cao-bang-a13053.html