Tình hình đó làm cho vấn đề nguồn gốc, nguyên nhân chiến tranh trở thành vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách, đồng thời hết sức phức tạp. V.I. Lênin đại biểu cho lập trường vô sản đã khẳng định nguồn gốc sâu xa của chiến tranh là chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp. Ông nhiều lần chỉ rõ chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa tư bản, là kết quả của sự phát triển tự nhiên và tất nhiên của chủ nghĩa tư bản. Ngày nào còn chủ nghĩa đế quốc thì còn nguy cơ xảy ra chiến tranh.
“Chiến tranh không những chỉ đem lại cho giai cấp tư bản những món lãi kếch xù và những viễn cảnh rực rỡ về các cuộc cướp bóc mới (Thổ nhĩ kỳ, Trung quốc...), về những đơn đặt hàng mới trị giá đến hàng tỷ, về những món cho vay mới với số lãi tăng lên. Không phải chỉ đem lại có thế. Chiến tranh còn đem lại cho giai cấp tư bản những ưu thế chính trị to lớn hơn, bằng cách chia rẽ và hủ hóa giai cấp vô sản”. Cũng chính từ logic tất yếu ấy, V.I. Lênin đã dự đoán sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhân loại rất có thể sẽ tiếp tục phải gánh chịu những cuộc đại chiến thế giới tàn khốc hơn. Ông khẳng định chỉ khi xóa bỏ hoàn toàn chế độ tư hữu, xoá bỏ sự phân chia giai cấp, mà cụ thể là khi chủ nghĩa tư bản không còn nữa, thì nhân loại mới thực sự thoát được nguy cơ chiến tranh, thực hiện khát vọng cháy bỏng là xóa bỏ nhân tố hiểm họa bậc nhất đe dọa sự sống còn của mình.
Bản chất chiến tranh được khái quát từ mối quan hệ giữa chiến tranh với chính trị đã được nhiều nhà tư tưởng quan tâm. Nếu Arixtốt coi chiến tranh là nghệ thuật kiếm chác nô lệ thì Ph.Claudơvít coi chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng biện pháp bạo lực vũ trang. C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin đều đánh giá rất cao sự đóng góp của Ph.Claudơvít đối với sự phát triển lý luận chiến tranh, coi ông là “cây bút vĩ đại viết về lịch sử chiến tranh”, vì thế ngày nay không ít học giả lầm tưởng rằng quan điểm Mác - Lênin và quan điểm của Ph.Claudơvít về bản chất chiến tranh là hoàn toàn giống nhau. Song, về thực chất, giữa hai quan điểm có sự khác nhau căn bản, xuất phát từ quan niệm không giống nhau về chính trị mà chiến tranh kế tục.
Nếu Ph.Claudơvít coi chính trị mà chiến tranh kế tục chỉ là “ý chí của quốc gia được nhân cách hoá”, là đường lối đối ngoại, là “quan hệ chính trị giữa các chính phủ và giữa các dân tộc”, thì quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định chính trị mà chiến tranh kế tục là quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, là sự phản ánh tập trung của kinh tế, sự thống nhất giữa đường lối đối nội và đường lối đối ngoại, trong đó đường lối đối nội quyết định. Ph.Claudơvít rõ ràng không thỏa đáng khi gạt bỏ những cuộc nội chiến cách mạng, những cuộc chiến tranh do các giai cấp bị áp bức bóc lột đứng lên chống lại giai cấp thống trị bóc lột trong nội bộ quốc gia, dân tộc khỏi khái niệm chiến tranh. Chỉ có quan niệm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính trị mới mang lại đầy đủ tính cách mạng và khoa học cho quan điểm về bản chất chiến tranh.
Gần đây, một số nhà nghiên cứu đưa ra những luận điệu mơ hồ cho rằng chiến tranh hiện đại ngày nay không còn là sự kế tục của chính trị, viện lẽ rằng cuộc chiến tranh thế giới bằng vũ khí hạt nhân với sức tàn phá khủng khiếp của nó sẽ san phẳng mọi thành tựu của nền văn minh, tiêu diệt mọi sự sống trên trái đất, gồm cả chính trị với tính cách là hiện tượng xã hội. Song xét đến cùng, mọi cuộc chiến tranh, kể cả cuộc chiến tranh hạt nhân, cũng do các chủ thể chính trị chuẩn bị, điều khiển và mong sử dụng kết quả chiến tranh để bảo vệ, mở rộng lợi ích của mình. Cho nên, khẳng định chiến tranh ngày nay không còn là sự kế tục của chính trị về thực chất chỉ là sự giả dối, lừa bịp nhằm xóa nhòa ranh giới giữa chính trị tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động với chính trị phản động cùng hành động xâm lược, hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phan-tich-ban-chat-cua-chien-tranh-phan-2-a13018.html