Vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí có vai trò đặc biệt, vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phân tích, làm sâu sắc vai trò đó có ý nghĩa to lớn, giúp cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân có chủ trương, biện pháp đúng đắn trong nhận thức và hành động, phát huy mạnh mẽ hệ thống các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

vai-tro-cua-bao-chi-trong-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-o-viet-nam-hien-nay-1696909620.jpg
Tranh minh họa (Ảnh: Tuyengiao.vn)

 

Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75. Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Vai trò to lớn của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể được nhận thức rõ qua một số khía cạnh như sau:

Thứ nhất, báo chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước giúp hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội

Trong sự nghiệp cách mạng, báo chí luôn được coi là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là công tác đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Với chức năng tuyên truyền, cổ động, báo chí truyền đạt những thông điệp (chỉ thị, nghị quyết, một quan điểm hoặc ý kiến về một vấn đề nào đó) của chính quyền đến toàn bộ xã hội, qua đó định hướng tư tưởng và quán triệt ý chí của giới cầm quyền lên dân chúng. Theo đó, xét từ góc độ công tác đấu tranh phòng chống, tham nhũng, tiêu cực - một công tác hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, cần có sự đồng lòng nhất trí rất cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, thì vai trò báo chí càng nổi bật hơn bao giờ hết. Trong Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 3/2/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng” đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của quần chúng nhân dân về công tác này. Như vậy có thể thấy, sau khi có đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì báo chí tham gia và khẳng định vai trò to lớn của mình ngay từ khâu, bước đầu tiên trong chu trình triển khai chính sách. Nếu vai trò của báo chí ở khía cạnh này không được phát huy tốt, sẽ không thể tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, không tạo ra được ý thức xã hội đúng đắn ở cơ sở, quan đó gián tiếp làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước.

Trên thực tế, báo chí có nhiều hình thức, cách thức, nhiều kênh khác nhau để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, trong đó, có thể kể tới: (1) Các xuất bản phẩm chính thức tuyên truyền về nội dung quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (2) Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; (3) Sách, báo lý luận, thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Phim ảnh, sân khấu hóa các nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (5) Nội dung luận bàn, thảo luận giữa các cá nhân, các chuyên gia, nhà quản lý về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (6) Các chuyên mục có nội dung giáo dục, đào tạo, huấn luyện về ý thức, kỹ năng, phương pháp, quy trình… phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Các tin bài, phóng sự phản ánh tiến trình xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan v.v…

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội tháng 8/2020 của Viện Dư luận xã hội, những việc làm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã đạt kết quả nổi bật, đáng phấn khởi, được dư luận đánh giá cao thì “công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, đảng viên” đứng thứ ba trong số 19 việc được nêu ra. Từ năm 2016 đến năm 2019, các cơ quan báo chí xuất bản đã cho ra đời hơn 677.999 cuốn sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xuất bản 2.419.518 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã có 16.600 tin, bài của hơn 40 tờ báo in, báo điện tử về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực[1]. Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” thu hút đông đảo các cơ quan báo chí tham gia. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” năm 2017 đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí dự thi ở các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, năm 2018 - 2019, đã có 1.046 tác phẩm, năm 2020 - 2021 đã có 1.181 tác phẩm của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Những số liệu đó thêm một lần nữa khẳng định vai trò hết sức quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, báo chí tạo ra diễn đàn rộng rãi để các chuyên gia, giới học thuật và các tầng lớp nhân dân trình bày ý kiến, bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng, tác động trực tiếp đến những người hoạch định và thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực tế đã chứng minh và ghi nhận, có nhiều cách để báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài cách trực tiếp tuyên chiến với "giặc tham nhũng" bằng cách phát hiện điều tra đưa vụ việc tham nhũng, tiêu cực ra ánh sáng, thì phương thức gián tiếp - đó là báo chí tham gia kiến nghị, góp ý để cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, những lỗ hổng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có được công cụ pháp lý sắc bén giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả hơn, cũng là một biểu hiện vai trò quan trọng của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực chất của vấn đề, chính là báo chí đã và đang phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, qua đó tác động trực tiếp đến những người hoạch định và thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí tạo ra một diễn đàn rộng rãi và hết sức dân chủ, cởi mở để các chuyên gia, giới học thuật ở mọi lĩnh vực có thể tham gia đóng góp ý kiến. Đặc biệt, trước mỗi dịp trình dự thảo một nội dung luật, pháp lệnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vai trò của báo chí trong việc lấy ý kiến công luận lại càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn. Nhiều tờ báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam đã mở những chuyên trang, chuyên mục riêng để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, bàn luận về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như: Báo Nhân dân có Chuyên mục “Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng”; Báo Công an nhân dân có chuyên mục “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Báo Đại đoàn kết có chuyên mục “Giám sát, phản biện”, Truyền hình Công an nhân dân xây dựng Chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, Vĩnh Long, Cần Thơ… có Chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Đặc biệt, Chuyên mục “Đảng trong cuộc sống hôm nay” của Đài Truyền hình Việt Nam được nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi. Ngoài ra, nhiều tạp chí cũng thường xuyên đăng tải các bài viết có chất lượng, nêu lên nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như Tạp chí Pháp lý - Cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam, chỉ trong năm 2018 và 2019 đã đăng tải hơn 50 bài viết phân tích bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia... về những bất cập của hệ thống chính sách pháp luật có liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức HĐND & UBND…[2]

Ở góc độ chung nhất, báo chí phản ánh thường xuyên, trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân trước các sự kiện, sự việc cũng như các vấn đề có liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc; là người tổ chức, là phương tiện để nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quyết định chiến lược phát triển quan trọng của quốc gia; và, phản ánh thái độ, yêu cầu của nhân dân về chất lượng hoạt động của các cơ quan quyền lực, về trách nhiệm thực thi công vụ. Xét ở mặt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí không chỉ là diễn đàn cho các nhà khoa học, giới chuyên gia đóng góp, nó còn được coi là phương tiện quan trọng để người dân thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, là nơi các tầng lớp nhân dân trình bày ý kiến, quan điểm của mình, qua đó để các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có điều chỉnh và hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhân dân là đối tượng để tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hướng tới. Đồng thời, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Khi thực hiện tối đa quyền giám sát của mình, nhân dân sẽ trở thành “tai mắt” của Đảng, Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh... Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”[3]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân (...) Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng...”[4]. Và một trong những kênh hết sức quan trọng để người dân có thể phát huy vai trò giám sát, bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của mình chính là hệ thống báo chí.

Thứ ba, báo chí có khả năng “tấn công trực tiếp” vào “giặc tham nhũng” bằng việc đưa các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ra trước công luận và tạo dựng, định hướng dư luận xã hội đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra, cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế nhưng, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp. Với đối tượng tác động là công chúng đông đảo, với khả năng lựa chọn sự kiện, hiện tượng để thu hút sự chú ý của công chúng, với vai trò thiết lập chương trình nghị sự của mình, báo chí rõ ràng hoàn toàn có thể tạo dựng dư luận xã hội và gây áp lực đối với các hiện tượng tiêu cực như tham ô, tham nhũng. Tất cả các loại “giặc tham nhũng” đều rất sợ bị báo chí lôi ra trước ánh sáng và chịu áp lực của dư luận. Theo kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện năm 2012 cho thấy, báo chí là một trong những thiết chế tích cực và hiệu quả nhất trong phát hiện và điều tra tham nhũng tại Việt Nam. Còn theo con số thống kê chưa đầy đủ của Mặt trận Tổ quốc, trong 1 tháng, cả nước có khoảng 450 bài báo phản ánh những yếu kém, tiêu cực [5].

Trong thực tế, đã có rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực bị báo chí phát hiện, ví dụ: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; vụ án Phạm Công Danh gắn với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7, Thành phố Hồ Chí Minh…; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (QUOTA) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ VINASHIN... 

Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Những đóng góp quan trọng trong việc giám sát, phát hiện các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng của báo chí đã được dư luận xã hội đánh giá cao. Các báo có tin, bài rất đều đặn về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, điển hình là: Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Tiền phong, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh… Có thể khẳng định, vai trò trực tiếp tấn công vào "giặc tham nhũng" của báo chí là vai trò đặc biệt quan trọng, nổi trội, giúp cho báo chí thực sự là một trong những "mũi nhọn" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Nhận thức rõ về vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa quan trọng giúp cho Đảng, Nhà nước Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân có chủ trương, đường lối và sự ủng hộ thích đáng đối với báo chí trong thời gian tiếp theo.

Thứ nhất, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thống nhất một cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trách nhiệm, hợp lí..., nhất là thông tin giữa Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam. Thông qua đó, giúp cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hành nghề, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách thuận lợi, hiệu quả và an toàn.

Thứ hai, có cơ chế cho báo chí theo dõi quá trình xử lí các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân. Nâng cao nhận thức của các chủ thể (nhất là chủ thể là các tổ chức) về quyền tiếp cận thông tin, vai trò giám sát của báo chí. Các chủ thể phải thực sự coi báo chí như một kênh quan trọng góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Thứ ba, tạo hành lang pháp lí an toàn cho nhà báo viết về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi trù dập, hành hung, đe dọa, cản trở… báo chí tác nghiệp. Tăng tính độc lập của báo chí, ngăn chặn việc gây sức ép, "định hướng" đăng bài theo mục đích cá nhân, bảo vệ đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, nâng cao chất lượng đào tạo các nhà báo, tăng cường kỹ năng tìm hiểu thông tin, viết bài điều tra chính xác, khách quan, đề cao đạo đức nghề nghiệp đối với các nhà báo. Tăng cường hình thức khen thưởng cả về vật chất và tinh thần đối với các nhà báo, cơ quan báo chí có thành tích tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.


Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2012.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.

5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Báo chí, Số: 103/2015/QH13, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016.

6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng, Số: 36/2018/QH14, Nxb CTQGST, Hà Nội. 2018.

7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2023.

[1] Hà Dũng Hải, “Hiệu quả từ công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng”, Tạp chí Tuyên giáo, https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/hieu-qua-tu-cong-tac-thong-tin-tuyen-truyen-giao-duc-ve-phong-chong-tham-nhung-131273, truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.

[2] Phan Tĩnh, “Chung tay hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng là cách Báo chí phòng, chống tham nhũng”, Tạp chí điện tử Pháp lý, https://phaply.net.vn/chung-tay-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-cung-la-cach-bao-chi-phong-chong-tham-nhung-a209627.html, truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.668.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.21.

[5] Ngọc Thành, Thùy Dung (thực hiện), “Lực lượng tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Tạp chí Người làm báo điện tử, https://www.nguoilambao.vn/luc-luong-tien-phong-trong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-n5736.html, truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2023.

PGS,TS. Phạm Minh Sơn (Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vai-tro-cua-bao-chi-trong-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-o-viet-nam-hien-nay-a12963.html