Quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế
Năm 2016, Sacombank là một trong 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện Hiệp ước Basel II. Sacombank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nắm vững chủ trương, định hướng chung đến phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước như EY, Pwc, Deloite… để thực hiện các dự án, đồng thời thường xuyên đánh giá toàn diện hiện trạng thực tế và đo lường mức độ đáp ứng của hệ thống quản trị, giám sát, điều hành, cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin… với các tiêu chuẩn của Basel II.
Đáng chú ý, Sacombank đã triển khai trên 30 dự án bao quát mọi khía cạnh hoạt động cùng với việc tăng cường chất lượng cho lực lượng nòng cốt của đội dự án, đồng thời mạnh dạn đầu tư hệ thống phần mềm ứng dụng, công nghệ thông tin phù hợp với hoạt động của Ngân hàng. Đến đầu năm 2021, Sacombank chính thức hoàn thành và áp dụng toàn bộ Hiệp ước Basel II theo đúng lộ trình mà NHNN đã đặt ra, đánh dấu một bước tiến nổi bật trong hoạt động quản trị rủi ro của Ngân hàng.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của Sacombank luôn luôn duy trì ở mức xung quanh 9% - mức cân đối giữa an toàn hoạt động và hiệu quả kinh doanh. Sacombank triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo mô hình 3 tuyến phòng vệ. Theo đó, Sacombank xác lập vai trò và trách nhiệm giám sát của quản lý cấp cao trong điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro của Ngân hàng, vận hành quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP) bao gồm nhận dạng và đo lường các rủi ro trọng yếu (rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường) và các loại rủi ro khác (rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro tập trung…) cùng với việc xây dựng các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng phù hợp, phản ánh được tác động về vốn trong điều kiện bình thường và điều kiện căng thẳng, để từ đó Ngân hàng có kế hoạch vốn và phân bổ vốn phù hợp.
Trên nền tảng đó, ngày 07/6/2023 vừa qua, Sacombank chính thức khởi động dự án “Triển khai Basel III và nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro” với sự tư vấn của Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam nhằm tiếp tục hướng hoạt động quản trị rủi ro đến những chuẩn mực cao hơn. Với dự án này, Sacombank sẽ xây dựng được cơ cấu tổ chức bộ máy về quản trị rủi ro phù hợp với thông lệ và chiến lược; nâng cao chất lượng tài sản, nguồn vốn để từ đó đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, bền vững, và đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của ngành ngân hàng; phát huy quy trình nhận diện, đo lường, theo dõi, kiểm soát, khắc phục rủi ro; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cùng với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Ông Phạm Văn Phong – Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: “Sacombank nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng Basel III và nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Sacombank hoàn thành Đề án tái cơ cấu, từ đó tối ưu hóa mọi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động”.
“Trong bối cảnh các ngân hàng đang ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức trong hoạt động. Việc triển khai Basel III nói riêng và yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro nói chung thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của Sacombank không chỉ cho các mục tiêu về tuân thủ đảm bảo an toàn tài chính đơn thuần mà hướng tới cả hiệu quả ứng dụng quản trị rủi ro trong các quyết định chiến lược, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong dài hạn”, bà Nguyễn Thùy Dương – Chủ tịch Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam chia sẻ.
Tối ưu hóa quản lý tín dụng
Tín dụng là một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng, giúp cung ứng nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đời sống… thúc đẩy sự vận hành của nền kinh tế. Chất lượng của hoạt động cấp phát tín dụng cũng chính là thước đo “sức khỏe” của một ngân hàng. Vì vậy, Sacombank đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực trong công tác thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng cũng như quản trị rủi ro tín dụng.
Trong đó phải kể đến hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) mà Sacombank đã áp dụng từ ngày 11/3/2019. Qua đó, giúp số hóa toàn bộ quy trình cấp tín dụng, phê duyệt giải ngân, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu, tăng tính năng bảo mật thông tin, góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại Sacombank. Bên cạnh đó, các tờ trình, biểu mẫu được hệ thống xuất tự động và luân chuyển hồ sơ qua từng cấp phê duyệt, giúp giảm thiểu rủi ro phê duyệt không đúng thẩm quyền. Công tác giao nhận, lưu trữ hồ sơ được số hóa hướng đến mục tiêu giảm chứng từ giấy. Ngoài ra, hệ thống LOS còn tích hợp với các hệ thống khác của Sacombank giúp người dùng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch của khách hàng (mức cấp, dư nợ, doanh số của tiền vay và các giao dịch tiền gửi thanh tóan) một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Những tính năng ưu việt trên LOS đã hỗ trợ Sacombank triển khai thành công mô hình phê duyệt và giải ngân tập trung. Các cấp quản lý ở Hội sở, khu vực, chi nhánh, phòng giao dịch sẽ vận dụng LOS như công cụ hỗ trợ công tác giám sát, quản trị rủi ro từ xa được tốt hơn đối với các hồ sơ tín dụng như: nắm rõ tình hình giao dịch cấp tín dụng của từng khách hàng, nhóm khách hàng, tình trạng xử lý hồ sơ, tình hình thực hiện bút phê, sử dụng các hạn mức… để có sự chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.
Trên cơ sở đó, Sacombank tăng trưởng tín dụng tối ưu trong hạn mức NHNN cấp, chú trọng cân đối và điều hành phù hợp trong từng thời kỳ. Kết thúc 8 tháng đầu năm 2023, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt hơn 468 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Chất lượng và cơ cấu tín dụng không ngừng được cải thiện, chủ yếu giải ngân phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, cho vay bất động sản được kiểm soát chặt chẽ.
Gia tăng năng lực tài chính
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của Sacombank tiếp tục được mở rộng và giữ vững vị thế về quy mô, đạt hơn 635.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm. Chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ với tài sản có sinh lời tăng 9,4%, chiếm tỷ trọng 91% trong tổng tài sản; hiệu suất sinh lời cũng gia tăng đáng kể, ROA – ROE lần lượt đạt 1,21% và 18,13%, tăng 0,3% và 4,3% so với năm trước.
Ngoài ra, Sacombank cũng tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản có rủi ro, thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục rủi ro trọng yếu, khẩu vị rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng nhằm đánh giá một cách toàn diện khả năng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong các trường hợp căng thẳng nhất, từ đó có kế hoạch vốn và phân bổ vốn phù hợp. Tính đến 31/8/2023 vốn chủ sở hữu của Sacombank đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng gần 12% chủ yếu tăng từ lợi nhuận chưa phân phối. Trong đó, vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, chiếm 43,7% vốn chủ sở hữu. Cơ cấu vốn huy động đảm bảo an toàn thanh khoản, tổng huy động của Ngân hàng tại cùng thời điểm đạt gần 558.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm, trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 11%, chiếm 4,2% thị phần toàn ngành.
Song song đó, Sacombank tích cực đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng để đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là ngân hàng số, dịch vụ ngoại hối giúp tổng thu nhập gia tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập thuần của Sacombank trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 9,3%. Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.175 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao.
Những thành tựu và các con số “biết nói” một lần nữa đã khẳng định sự phù hợp và hiệu quả của các chiến lược trong hoạt động của Sacombank. Trên nền tảng đó, cùng với sự linh động, sáng tạo và khả năng nắm bắt thị trường, xu hướng, Sacombank dự kiến sẽ hoàn thành tái cơ cấu vào đầu năm 2024, mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới…
Đăng Trình
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/sacombank-nang-cao-nang-luc-quan-tri-rui-ro-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-a12883.html