Dự Lễ tưởng niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam… cùng đại biểu lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Trong không khí linh thiêng của Đền Kiếp Bạc, các đại biểu và nhân dân đã cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đọc diễn văn tưởng niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, Hải Dương là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, từ lâu nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là tâm điểm của vùng đất thiêng “Chí Linh bát cổ”. Nơi đây "trời bày đất dựng", hình thế hiểm yếu về quân sự, đắc địa về phong thủy. Vào thời Trần, Trần Hưng Đạo đã lập đại bản doanh Vạn Kiếp, cùng vua tôi nhà Trần tổ chức hội quân với ý chí quyết chiến, quyết thắng đập tan ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông xâm lược.
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Vào thế kỷ 13, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân và dân nhà Trần đã 3 lần đập tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược hùng mạnh. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang… và mãi là niềm tự hào của dân tộc. Không chỉ được biết đến là một nhà thiên tài quân sự, Trần Hưng Đạo còn soạn 2 bộ sách “Binh Thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” để dạy các tướng lĩnh đương thời cầm quân đánh giặc. Tiêu biểu trong số đó là Hịch tướng sĩ đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng nghìn tướng sĩ. Dưới trướng của Trần Hưng Đạo quy tụ được nhiều tướng tài phò vua giúp nước, trong đó có những anh hùng như: Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng… Với công lao to lớn đó, Trần Hưng Đạo đã được các vua Trần phong tước vị Hưng Đạo Đại Vương và lập đền thờ khi ngài còn sống tại Vạn Kiếp gọi là “Sinh từ”. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức của Hưng Đạo Đại Vương, gọi là “Sinh bi”.
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý 1300, Hưng Đạo Đại Vương đã quy tiên tại phủ đệ Vạn Kiếp. Triều đình đã tiến phong Hưng Đạo Đại Vương là Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân Đại Việt đã suy tôn Người là Đức Thánh Trần Cửu Thiên Vũ Đế và lập đền thờ ngay trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công ơn của Hưng Đạo Đại Vương đối với non sông, đất nước.
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, bên cạnh việc thực hành các nghi lễ truyền thống, lễ hội được nâng tầm, gắn với nhiều hoạt động đặc sắc của Festival Chí Linh - Hải Dương. Đây là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng của Hải Dương tới nhân dân, du khách thập phương; đồng thời, góp phần khẳng định giá trị toàn vẹn, to lớn, toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Ngay sau diễn văn tưởng niệm, các đại biểu, nhân dân, du khách đã nghe tuyên đọc văn tế Đức Thánh Trần và thành kính dâng hương tưởng niệm 723 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 diễn ra từ ngày 24/9 - 4/10 (tức 10/8 - 20/8 âm lịch) gồm nhiều hoạt động đặc sắc: Lễ dâng hương, lễ tế cáo yết, lễ rước bộ, lễ Tế và giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lễ Khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc, Liên hoan diễn xướng hầu Thánh, Hội quân trên sông Lục Đầu, trình diễn nghệ thuật múa rối nước, các hoạt động văn nghệ, tổ chức Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại, Lễ cầu an và hội hoa đăng.
Mạnh Minh (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tuong-niem-723-nam-ngay-mat-anh-hung-dan-toc-tran-hung-dao-va-khai-hoi-mua-thu-con-son-kiep-bac-a12820.html