Tham dự Hội thảo, có TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS); ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật; ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Ban chấp hành, Trưởng ban Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Ngoài ra, còn có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA); Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan/Hiệp hội/Doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Theo xu hướng quản lý hiện nay, để phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, các quy định pháp luật đặt ra yêu cầu doanh nghiệp kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin. Tuy vậy, nhiều dữ liệu của doanh nghiệp là bí mật kinh doanh; mặt khác chưa có cơ sở pháp lý bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp nên những quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Để kịp thời nhận diện vấn đề, phản ánh thực tiễn thực thi quy định pháp luật về kết nối, chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước: Vấn đề và kiến nghị”. Để qua đó, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, hay các hiệp hội, doanh nghiệp về vấn đề này.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) - nhận định: Dữ liệu là "mạch máu" của nền kinh tế số, là "vốn" của doanh nghiệp kết hợp với công nghệ AI, dữ liệu trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là nhằm phục vụ nhu cầu quản lý hành chính của cơ quan nhà nước: giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo giữ gìn trật tự kinh tế - xã hội. Hơn nữa, cơ quan Nhà nước sẽ có thêm nguồn dữ liệu từ doanh nghiệp để khai thác giá trị dữ liệu, từ đó ra quyết định chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Viện trưởng IPS đồng thời cho biết: Việc chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước phải hài hòa giữa các lợi ích như quyền riêng tư của người dùng, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn, quyết định cách thức quản lý dữ liệu của doanh nghiệp với nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và giới hạn của thẩm quyền quản lý.
Tại hội thảo, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật khẳng định: Dữ liệu là hình thức trao quyền truy cập và sử dụng hệ thống dữ liệu có sẵn của chủ sở hữu dữ liệu thuộc khu vực tư (doanh nghiệp, hiệp hội, đơn vị nghiên cứu). Dữ liệu là tài sản và được pháp luật bảo vệ theo các quy tắc khác nhau từ quyền riêng tư, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc yêu cầu về chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước cần được quy định rõ ràng.
Nếu dữ liệu của doanh nghiệp không được khai thác chặt chẽ và bảo mật đúng cách, có thể gây trở ngại cho doanh nghiệp như quyền riêng tư của khách hàng bị rò rỉ, nguy cơ lộ bí mật, kinh doanh, bí quyết kỹ thuật, công nghệ,… cũng như phát sinh sự cố làm hoạt động của doanh nghiệp bị gián đoạn. Quá trình chia sẻ dữ liệu còn có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm để đảm bảo rằng dữ liệu được truyền tải và bảo mật đúng cách.
Việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dùng mà còn tiềm ẩn rủi ro từ góc độ quản lý. Chẳng hạn như dữ liệu mà doanh nghiệp cung cấp không tương thích về định dạng, kết cấu dữ liệu, dẫn đến mất dữ liệu, chất lượng dữ liệu không đảm bảo, khiến cơ quan quản lý mất thêm các khoản đầu tư về nguồn lực, chi phí. Ngoài ra, còn khiến doanh nghiệp rò rỉ, mất dữ liệu và phát sinh trách nhiệm.
Vì vậy, việc chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước đòi hỏi phải hài hòa giữa các lợi ích: Nhu cầu quản lý hành chính nhà nước và giới hạn của thẩm quyền quản lý, quyền tự do kinh doanh cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn, quyết định cách thức quản lý dữ liệu của doanh nghiệp, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và quyền riêng tư của người dùng.
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chia-se-du-lieu-cua-doanh-nghiep-voi-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-van-de-va-kien-nghi-a12763.html