Trong trạng thái khẩn cấp về quốc phòng, là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh, thì phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân được chuyển hóa sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân ở cấp độ cao. Trạng thái khẩn cấp về quốc phòng xảy ra khi ở một hay nhiều khu vực hoặc cả nước, tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội diễn biến rất phức tạp; có nguy cơ địch cấm vận, bao vây, phong tỏa đường biển, đường không, lấn chiếm biên giới, biển, đảo, tập kích hỏa lực hoặc chuẩn bị tiến công xâm lược.
Khi Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, cấp ủy đảng phải xác định nhiệm vụ trọng tâm, dự kiến chủ trương lãnh đạo, sau đó tiến hành hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Các địa phương thành lập ngay Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng để xác định các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng trên địa bàn và xác định kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp, khôi phục và ổn định tình hình.
Chính quyền các cấp căn cứ vào nghị quyết của cấp ủy đảng và quyết định của Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp tiến hành triển khai ngay nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành và tổ chức điều hành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan quân sự chủ trì làm tham mưu và là trung tâm hiệp đồng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức thực hiện; hiệp đồng với cơ quan công an để giải quyết các tình huống về an ninh chính trị.
Khi xảy ra xung đột vũ trang trên biên giới đất liền, các địa phương phải huy động lực lượng tổng hợp, áp dụng biện pháp tổng hợp đấu tranh kịp thời, kiên quyết, khôn khéo để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, ổn định an ninh biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ và bộ đội địa phương kịp thời triển khai chốt giữ các mục tiêu quan trọng, những khu vực địa hình có giá trị và làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh về chính trị.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở tích cực xây dựng lực lượng tổng hợp, thế trận toàn diện, chủ động tháo gỡ vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân, chủ động tiến công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở, từ tuyến đầu. Quá trình đấu tranh chống xung đột vũ trang trên biên giới phải quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các công ước, thông lệ quốc tế, tập quán, phong tục của từng vùng đồng bào dân tộc, trên vùng biên giới để tạo sức mạnh tổng hợp.
Đối với các vụ xung đột mang tính dân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương phải bình tĩnh đánh giá, kết luận đúng tình hình; định ra chủ trương, đối sách, giải pháp xử lý thích hợp; tổ chức và chỉ đạo công tác thu thập bằng chứng, chứng cứ, tài liệu để đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, đối ngoại với chính quyền và nhân dân nước láng giềng. Song đối với các vụ xung đột vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung lãnh đạo lực lượng vũ trang ngoan cường chặn địch, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, ngoại giao với các hình thức đấu tranh quân sự buộc lực lượng gây xung đột phải lùi bước.
Lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên, chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu thích hợp, kịp thời triển khai theo các phương án tác chiến, kiên quyết bảo vệ mục tiêu được giao. Đồng thời, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp cùng bộ đội biên phòng, lực lượng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm nòng cốt cho nhân dân địa phương trong hoạt động đấu tranh và tham gia giải quyết hậu quả tại địa phương, địa bàn. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trên cơ sở nhiệm vụ đã được xác định, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác, triển khai các mặt hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.
Khi địch phong tỏa, lấn chiếm biển, đảo, các địa phương dưới sự chỉ đạo của quân khu và Bộ phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách phòng thủ biển, đảo đánh trả các phương tiện phong tỏa, lấn chiếm của địch. Đồng thời, phải làm tốt công tác theo dõi, đánh dấu khu vực địch thả bom, mìn, thủy lôi, vật cản để rà phá, mở luồng vận tải. Lực lượng vũ trang địa phương theo khả năng của mình phối hợp với hải quân và lực lượng của cấp trên đánh chiếm lại các đảo thuộc chủ quyền, đồng thời tham gia phục vụ, bảo đảm cho bộ đội chủ lực tác chiến.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-hoat-dong-phuc-vu-chien-dau-trong-chien-tranh-nhan-dan-phan-2-a12638.html