Đấu tranh phi vũ trang trong thời kỳ đầu chiến tranh

Nhìn tổng thể, xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đầu chiến tranh thể hiện ở sự chuyển hóa sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc một cách thuận lợi. Khi có nguy cơ chiến tranh và thực tế bước vào thời kỳ đầu chiến tranh, nhất thiết phải nắm vững nguyên tắc chiến lược cơ bản về kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và phi vũ trang.

doan-25-1695135198.jpg
Hưởng ứng phong trào đấu tranh của thanh niên và nhân dân miền Nam, học sinh, sinh viên miền Bắc xuống đường với khẩu hiệu: "Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm". Ảnh tư liệu.

Phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân cho đến trước khi có tiếng súng chiến tranh vẫn chủ yếu gắn với đấu tranh phi vũ trang. Trên cơ sở nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm vững các quy ước quốc tế và khu vực, phải căn cứ vào thủ đoạn, mức độ hoạt động cụ thể của địch để vạch trần, tố cáo âm mưu và hành động phá hoại, gây chiến, đồng thời làm suy yếu tinh thần binh lính địch.

Cùng với cuộc đấu tranh vĩ mô mang tính nhà nước, các lực lượng của từng khu vực phòng thủ đều tiến hành hoạt động đấu tranh chính trị - binh vận dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương theo kế hoạch thống nhất nhằm đạt được mục đích, yêu cầu chung. Những hình thức chủ yếu được vận dụng là đấu tranh chính trị, đấu tranh văn hóa, tư tưởng, đấu tranh kinh tế và đấu tranh ngoại giao.

Đấu tranh chính trị nhằm vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Song, khi chuyển hóa sang phương thức tiến hành chiến tranh, đấu tranh phi vũ trang tập trung tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược, tố cáo tội ác của kẻ thù và cổ vũ những thắng lợi của quân và dân ta; khơi dậy trong nhân dân truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí quật cường chống ngoại xâm.

Đó còn là phương thức tiến hành công tác tuyên truyền đặc biệt để vận động, giác ngộ binh lính địch; thức tỉnh bộ phận quần chúng lạc hậu, ngộ nhận hoặc bị lừa phỉnh, cưỡng ép, nhất thời tin theo luận điệu kích động của kẻ thù. Lực lượng đấu tranh chính trị là lực lượng tổng hợp của cả hệ thống chính trị được tổ chức thành các tổ, đội công tác, vận dụng các biện pháp, phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết để thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể.

Đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị nhằm làm thất bại luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch, củng cố và giữ vững lòng tin, ý chí chiến đấu của quân và dân ta; xây dựng quyết tâm dám đánh và quyết thắng. Công tác tư tưởng phải làm cho nhân dân và lực lượng vũ trang thấy được mặt mạnh của địch để có biện pháp đối phó; đồng thời thấy rõ mặt yếu cơ bản của chúng để xây dựng lòng tin vào thắng lợi. Lực lượng đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng được kết hợp chặt chẽ với lực lượng đấu tranh chính trị; triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp, nhất là ở cơ sở.

Đấu tranh kinh tế là một mặt đấu tranh quan trọng nhằm làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch bao vây cấm vận, phá hoại kinh tế, đồng thời chủ động sơ tán, phân tán, bảo vệ kho tàng, bảo vệ sản xuất và duy trì sản xuất thời chiến, bảo đảm mọi nhu cầu thiết yếu cho tác chiến và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của quân và dân.

Đấu tranh kinh tế phải kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, bao gồm cả hoạt động vô hiệu hóa các xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của nước đối địch, đánh phá các cơ sở hậu cần, kỹ thuật của địch, làm cho địch không lợi dụng được nguồn lực kinh tế đó phục vụ chiến tranh.

Đấu tranh ngoại giao là mặt trận rất quan trọng nhằm hỗ trợ cho đấu tranh quân sự, được thể hiện đan xen trên tất cả các lĩnh vực: ngoại giao về kinh tế, ngoại giao về chính trị, ngoại giao về văn hóa, ngoại giao về quân sự, ngoại giao về an ninh,.. Nhất là khi đất nước đã bước vào thời kỳ đầu chiến tranh, đấu tranh ngoại giao lại càng cần được tiếp tục tăng cường để góp phần giữ vững vị thế đất nước trên trường quốc tế, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, duy trì mối quan hệ hòa bình hữu nghị, cùng phát triển với các nước đồng minh, hạn chế xung đột vũ trang với các nước khác, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh.

Tất cả các nội dung đấu tranh trên đều được thực hiện nhờ phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân từ thời bình, và được tiếp tục tiến hành, đồng thời chuyển hóa năng động trong thời kỳ đầu chiến tranh. Phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, điều hành thống nhất của chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.

Các biện pháp đấu tranh cần được hiệp đồng chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại; gắn chặt giữa xây dựng với bảo vệ để giữ vững thành quả đã đạt được, đồng thời đánh bại ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng khó khăn nhằm lôi kéo, kích động quần chúng phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dau-tranh-phi-vu-trang-trong-thoi-ky-dau-chien-tranh-a12634.html