Lý luận và thực tiễn lịch sử đều chỉ rõ: Nếu không có hậu phương chiến lược vững chắc thì không thể giành chiến thắng trong chiến tranh. Đó là vấn đề có tính quy luật. Trong rất nhiều nhân tố tham gia vào chiến tranh, bao giờ nhân tố kinh tế cũng giữ vai trò nền tảng và là một trong những nhân tố quyết định nhất. Đặc biệt, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu xảy ra sẽ là cuộc đọ sức quyết liệt về mọi phương diện, trong đó sức sống của nền kinh tế luôn mang ý nghĩa quyết định.
Vai trò của hậu phương không chỉ là đáp ứng toàn diện những nhu cầu vật chất cho hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, mà sinh hoạt mọi mặt của nhân dân ở hậu phương cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cả tình cảm lẫn tư tưởng đối với binh sĩ ngoài mặt trận. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa đối với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hiện nay nhất thiết phải bao hàm việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này.
Xây dựng hậu phương chiến lược trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trước hết phải giải quyết một trong những vấn đề mấu chốt là tạo nguồn bảo đảm. Điều đó đòi hỏi phải: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế”. Trong điều kiện những đặc điểm mới hết sức phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, việc tạo nguồn xây dựng hậu phương chiến lược cơ bản và chủ yếu nhất vẫn phải là xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự.
Ngoài nguồn chủ yếu do nhà nước đảm nhiệm, còn có nguồn bảo đảm từ các tổ chức kinh tế theo sự chỉ đạo của nhà nước, nguồn từ sự ủng hộ trực tiếp của nhân dân và nguồn tự sản xuất của lực lượng vũ trang. Đồng thời, trong giao lưu và hội nhập quốc tế, cần quán triệt sâu sắc quan điểm phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực trên cơ sở sự hợp tác song phương, đa phương nhằm tranh thủ tiếp cận và tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế quốc phòng hiện đại.
Quá trình xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự vừa nhằm tạo nguồn bảo đảm vững chắc, vừa nhằm dự trữ, bổ sung vật chất quân sự cho lực lượng vũ trang, cho hậu phương chiến lược trong nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, đủ sức đáp ứng, bổ sung vật chất quân sự một cách liên tục trong suốt tiến trình chiến tranh. Đảng ta nhất quán quan điểm: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại...”. Đó là một điểm nhấn quan trọng trong phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay.
Xây dựng hậu phương chiến lược của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải dựa chắc trên nền tảng nhân dân thì mới có thể kết hợp chặt chẽ giữa phương thức bảo đảm tại chỗ với phương thức bảo đảm từ nơi khác đến để hình thành bảo đảm hậu cần quân sự theo khu vực hoàn chỉnh. Từ những đặc điểm mới của chiến tranh nhân dân hiện đại, các phương thức bảo đảm mới sẽ dần dần được hình thành và phát triển một cách phù hợp, nhất là phương thức bảo đảm hậu cần cơ động trên cơ sở huy động sức mạnh của thế trận hậu cần toàn dân.
Đó là những phương thức bảo đảm thích hợp để tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, tạo cơ sở thuận lợi cho tác chiến của bộ đội chủ lực trong thế trận hiệp đồng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó không những đòi hỏi sự nỗ lực lớn và năng động của các ngành hậu cần quân đội, mà còn phải dựa chắc vào sự giúp đỡ trực tiếp của quần chúng nhân dân trên từng địa bàn hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang. Chỉ như vậy thì mới tạo nên những khả năng bảo đảm hậu cần dồi dào, kịp thời và chủ động cho các lực lượng vũ trang chiến đấu thắng lợi, dù trong đánh nhanh hay đánh lâu dài, dù cho kẻ địch có thể tấn công từ bất kỳ hướng nào.
Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dẫn đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đầu chiến tranh, sẵn sàng chuyển sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thể hiện tập trung và trực tiếp nhất ở việc tổ chức toàn dân đánh giặc. Đó là sự chuẩn bị đầy đủ cho thực hiện các nguyên tắc về kết hợp chặt chẽ tác chiến của các khu vực phòng thủ với tác chiến của các binh đoàn chủ lực nhằm huy động và phát huy sức mạnh của toàn dân; đồng thời kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang, phi vũ trang, trong đó đấu tranh vũ trang là nòng cốt nhằm phát huy sức mạnh của mọi lực lượng.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vai-tro-cua-hau-phuong-chien-luoc-trong-chien-tranh-nhan-dan-a12529.html