Các nội dung huấn luyện cần sát thực với đặc điểm đối tượng, nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn trên từng hướng chiến lược. Cùng với huấn luyện chiến sĩ, cần chú trọng nâng cao năng lực công tác chỉ huy tham mưu tác chiến, nhất là về kỹ năng xây dựng phương án, kế hoạch trong tình huống khẩn trương, đột biến, trình độ tổ chức, chuẩn bị, chỉ huy chiến đấu cho cán bộ các cấp trong điều kiện khẩn trương, liên tục với cường độ cao.
Đối với các quân khu, cần tập trung huấn luyện thành thạo tác chiến phòng ngự, phòng thủ cho bộ đội địa phương, tác chiến tiến công ở cấp đơn vị cơ sở, nâng cao khả năng tác chiến độc lập trong trường hợp bị bao vây, chia cắt,... Đối với lực lượng dân quân tự vệ, việc huấn luyện cần coi trọng tác chiến bảo vệ địa bàn, chống địch gây bạo loạn lật đổ, đánh phá giao thông, bắn máy bay bay thấp, tên lửa hành trình, đánh địch đổ bộ đường không, đánh xe tăng, xe thiết giáp, công tác phòng thủ dân sự, khắc phục hậu quả đòn tiến công hỏa lực của địch,... Đối với các quân binh chủng, cần tập trung huấn luyện nâng cao trình độ theo chuyên ngành quân sự, sát với các nhiệm vụ được giao trong tác chiến phòng thủ, gắn với địa bản, phương án tác chiến tại chỗ; coi trọng huấn luyện tổng hợp.
Đặc biệt, xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân hiện cần chú trọng nâng cao chất lượng diễn tập tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh.
Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh được tiến hành bằng nhiều loại hình, quy mô tác chiến, các hình thức đấu tranh, kết hợp với nhiều lực lượng, liên quan đến các cấp, ngành, địa phương,... giải quyết các nhiệm vụ tác chiến và đấu tranh rất phức tạp. Do vậy, cần tranh thủ mọi điều kiện để nâng cao chất lượng huấn luyện diễn tập chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, động viên thời chiến cho lực lượng vũ trang và tất cả các ngành, các cấp ngay từ thời bình.
Cùng với nâng cao chất lượng diễn tập tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh của Bộ, cần coi trọng việc tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ của các quân khu như: diễn tập phòng, tránh đánh trả tiến công hỏa lực đường không, diễn tập đánh địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, diễn tập chống chia cắt chiến lược, diễn tập dập tắt bạo loạn lật đổ,... Cần chú trọng huấn luyện diễn tập nâng cao trình độ chiến thuật, hiệp đồng tác chiến cho bộ đội theo phương án, coi trọng cả tác chiến phòng ngự và tiến công, phản công, đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, phòng, chống vũ khí công nghệ cao,...
Đồng thời, cần huấn luyện diễn tập về công tác phòng thủ dân sự: Phòng, tránh, khắc phục hậu quả đòn tiến công hỏa lực của địch; ngụy trang nghi binh; đấu tranh chính trị, tư tưởng chiến tranh tâm lý,... cho các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần huấn luyện diễn tập nâng cao năng lực xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức lãnh đạo điều hành, chỉ huy tác chiến và đấu tranh, năng lực vận hành cơ chế cho tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội,... trong tác chiến chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh.
Việc tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh bao gồm nhiều thành phần với nhiều nội dung phức tạp, trong điều kiện rất khẩn trương, đòi hỏi thời gian, chi phí kinh phí lớn. Do vậy, để bảo đảm chất lượng huấn luyện, cần xây dựng nội dung huấn luyện sát thực, kết hợp lồng ghép các nội dung cho phù hợp với tính chất nhiệm vụ của từng địa phương, của từng hướng chiến lược.
Huấn luyện diễn tập cần xác định rõ các vấn đề trọng tâm, tập trung huấn luyện dứt điểm, có chất lượng từng vấn đề, đổi mới phương pháp cho sát thực với tỉnh chất, yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Để nâng cao chất lượng huấn luyện diễn tập, cần thống nhất quan điểm, nhận thức cho cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương và đơn vị.
Đối với các đơn vị trong lực lượng vũ trang, cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện. Cần coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý chí, quyết tâm, tinh thần chiến đấu của bộ đội, trên cơ sở làm cho các lực lượng tham gia huấn luyện nhận thức rõ tính chất, nhiệm vụ, những khó khăn, gian khổ, tính khẩn trương, ác liệt của tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh trong điều kiện chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-trong-thoi-ky-dau-chien-tranh-phan-3-va-het-a12419.html