Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đầu chiến tranh (Phần 1)

Từ lý luận và thực tiễn về thời kỳ đầu chiến tranh, có thể thấy nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang là một trong những vấn đề nòng cốt của việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân.

dt-14122022738-dan-quan-131222-1693924525.jpg
Trường của lực lượng vũ trang nhân dân là đơn vị trực thuộc các cấp quản lý của các Bộ Quốc phòng, Công an. Ảnh: TTXVN.

Toàn dân tiến hành chiến tranh, song phải trên cơ sở lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Chiến tranh, bất luận đó là cuộc chiến tranh nào, đều có sự tham gia của quân đội, của lực lượng vũ trang. Vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội nhân dân trong chiến tranh thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, lực lượng vũ trang, quân đội là lực lượng trực tiếp chiến đấu chống quân thù, quyết định sự thành bại trên chiến trường; thứ hai, lực lượng vũ trang, quân đội là lực lượng hướng dẫn, tổ chức, giúp đỡ, động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên tự bảo vệ mình và tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh.

Quan điểm về toàn dân tham gia chiến tranh và lực lượng vũ trang làm nòng cốt thể hiện rõ là hai mệnh đề quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện đầy đủ tính toàn dân của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn dân tiến hành chiến tranh không chỉ là sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, mà còn là sự tham gia của lực lượng vũ trang với tư cách là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân.

Từ lý luận và thực tiễn thời kỳ đầu chiến tranh, có thể thấy công cuộc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, nhất là lực lượng vũ trang, cần hướng đến sẵn sàng chuyển ngay sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và sẵn sàng chiến đấu toàn bộ bất cứ khi nào có tình huống chiến tranh xảy ra. Trong đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là chuẩn bị chu đáo khả năng và các phương án điều chỉnh tổ chức, biên chế, trang bị của lực lượng vũ trang sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, kể cả lực lượng chủ lực cơ động của Bộ và nhất là các lực lượng chiến đấu tại chỗ.

Đối với lực lượng cơ động của Bộ, việc xây dựng lực lượng nòng cốt này cần hướng mạnh đến đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh trong điều kiện chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao. Cần nghiên cứu tinh giản một số đơn vị để tập trung đầu tư xây dựng các đơn vị còn lại theo hướng đủ quân, trang bị mạnh, có một số loại vũ khí hiện đại, tương đối hiện đại, coi trọng tăng cường khả năng phòng không phòng, chống tác chiến điện tử, tăng cường sức cơ động, khả năng tự bảo vệ.

Tập trung xây dựng các binh đoàn cơ động mạnh của Bộ, trong đó có các thành phần đơn vị được bổ sung, hiện đại hóa một số loại vũ khí, trang bị hiện đại nhằm tăng cường sức cơ động, khả năng hỏa lực phòng không, hỏa lực pháo binh, chống tăng, phòng, chống tác chiến điện tử, thông tin,... để nâng cao khả năng tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

screenshot-3-1693924798.png
Đội hình xe tăng, thiết giáp Sư đoàn 320. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Khi có tình huống chiến tranh, cần động viên đủ số lượng binh đoàn theo yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng thời kỳ đầu chiến tranh và tác chiến phòng thủ trên từng hướng chiến lược và chiến trường cả nước. Số lượng các binh đoàn cơ động của Bộ được bố trí hợp lý trên từng hướng chiến lược, tập trung vào hướng phòng thủ chiến lược chủ yếu, quan trọng, khu vực phòng thủ chủ yếu trên các hướng chiến lược, nhất là khu vực phòng thủ trọng yếu của cả nước; nơi dự kiến tiến hành chiến dịch phản công, tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, đường biển, tiến công trên bộ,...

Đối với lực lượng chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, để sẵn sàng đánh bại địch tiến công trong thời kỳ đầu chiến tranh, cần phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất tác chiến cụ thể của từng hướng chiến lược để điều chỉnh tổ chức, biên chế cho phù hợp. Với các quân khu, thời bình có thể duy trì một số đơn vị đủ quân cấp chiến dịch, cùng các đơn vị chiến đấu và bảo đảm chiến đấu theo biên chế quy định.

Khi tình huống chiến tranh, các quân khu đảm nhiệm phòng thủ trên hướng chiến lược chủ yếu hoặc quan trọng có thể động viên đủ số lượng binh đoàn được tăng cường, trên các hướng chiến lược khác cũng sẵn sàng động viên đủ số đơn vị. Với cấp tỉnh, thành phố, thời bình bảo đảm biên chế và quân số theo quy định, khi có tình huống chiến tranh sẵn sàng động viên đủ số lượng các binh đội. Các tỉnh, huyện nằm trên hướng chiến lược chủ yếu, khu vực phòng thủ chủ yếu cũng tương tự.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-trong-thoi-ky-dau-chien-tranh-phan-1-a12417.html