Trời thu nắng trải vàng ươm cánh đồng bao quanh con đường dẫn về Làng Sen quê Bác (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Trong nắng vàng, quê Bác như còn văng vẳng giọng nói của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử năm nào: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”
Hôm nay, đi trong tự do và trọng sự kiêu hãnh của nền độc lập ấy, con cháu trở về với Làng Sen, dâng nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - “người khai sinh ra đất nước ta” và “làm rạng danh, non sông đất nước ta”!.
Trong dịp Tết độc lập, những câu hát về Người vang lên trên Làng Sen càng khiến trái tim của mỗi người xao động. Quy mô của khu di tích Làng Sen nằm trong khoảng 205 ha. Đây là một trong số khu di tích quan trọng bậc nhất gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây ngoài khung cảnh quen thuộc như bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng như bất cứ làng quê nào ở Việt Nam, thì làng Sen còn đặc biệt nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc. Xung quanh đó là căn nhà của gia đình Bác và hàng xóm. Các nếp nhà đều thấp, khiêm nhường, và điển hình cho những nếp nhà ở làng quê, với mái hiên cùng những tấm giại - liếp; với cổn, ngõ và khoảng sân, vườn phía trước - gắn liền với không gian khoáng đạt của thiên nhiên. Dưới những mái nhà tranh đơn sơ, ai cũng chăm chú nghe câu chuyện về Bác từ các hướng dẫn viên du lịch.
Có lẽ cảm giác sâu lắng nhất, chạm sâu vào tâm hồn của mọi người là tận mắt chứng kiến những kỷ vật thiêng liêng của gia đình Bác, lắng nghe những câu chuyện cảm động về Bác qua chất giọng ngọt ngào, đậm chất xứ Nghệ của thuyết minh viên.
Đã gắn bó với công việc này nhiều năm nhưng lúc nào kể về Bác, chất giọng anh Đàm Hoàng cũng dạt dào cảm xúc, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nuốt giọt nước mắt: “Đối với tất cả con dân Việt Nam khi tới quê Bác thì đều có cảm xúc như vậy thôi. Chúng mình là những hướng dẫn viên thì được đưa khách đến quê hương của Người, đặc biệt mình cũng là con dân của đất xứ Nghệ thì lại càng xúc động khi chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng yêu dân, yêu nước của Bác. Qua những câu chuyện đó, tôi tin rằng người dân, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có góc nhìn rộng hơn nữa, sâu hơn nữa về vị cha già dấu yêu của dân tộc” - anh Đàm Hoàng chia sẻ.
Thăm quê Bác, ngoài việc được tỏ lòng biết ơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những thay đổi trong cuộc sống, về giá trị của ngày Độc lập để cùng nhắc nhở nhau luôn trân quý và gìn giữ những điều đang có. Chị Nguyễn Thị Lý, quê ở Nam Định nâng niu bó hoa huệ trắng trên tay chờ đến lượt dâng lên Bác.
“Khi đến đây thì mình thấy rộng, không gian cũng yên bình. Từ căn nhà của Bác giản dị, đơn sơ,... mình cũng hiểu hơn lối sống, sinh hoạt của Bác rất giải dị. Vào đây dâng hương, dâng hoa lên Người thì thực sự là cảm thấy thiêng liêng khó tả. Mình sẽ tìm hiểu nhiều hơn về những câu chuyện của Bác” - chị Lý cho biết.
Sau khi dâng hương, dòng người đến cụm di tích gắn bó với thời niên thiếu của Bác. Bằng tình cảm của mình, người chọn mua cuốn sách, người chọn bức chân dung, tượng làm kỷ niệm. Còn những người cựu chiến binh như ông Trần Hùng thì lại thích thú những kỷ vật được trưng bày nơi đây, trong đó có Lò rèn cố Điền - nơi rèn nông cụ cho bà con nông dân ở làng Sen. Thuở nhỏ Bác thường ra đây chơi và giúp người dân rèn nông cụ.
Lò rèn cố Điền được khởi dựng từ đời ông Hoàng Văn Luyến vào khoảng năm 1876. Trong thời gian sống ở Làng Sen từ năm 11 tuổi đến năm 16 tuổi, cậu Nguyễn Sinh Cung thường ra đây chơi, tìm hiểu. Người rất quý mến cụ cố Điền và ngược lại, cụ cố Điền rất thương yêu cậu. Tại đây, cậu hay giúp đỡ cố Điền thụt bễ, đập đe và những việc khác. Nguyễn Sinh Cung thường lắng nghe môt cách chăm chú những chuyện bàn luận của khách hàng với cụ cố Điền, thường đặt ra nhiều câu hỏi cho mọi người, bàn tán, trao đổi nhiều chuyện về vận mệnh đất nước và nhân dân.
Ông Trần Hùng háo hức chia sẻ với giới trẻ về kỷ vật này: “Những kỉ niệm sâu sắc thời niên thiếu tại lò rèn cố Điền đã để lại dấu ấn đậm nét trong kí ức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, sau 50 năm xa cách quê hương, ngày 16/6/1957, trở về thăm quê lần đầu, khi đi từ nhà mình ra ngõ, Người chỉ tay về phía trước hỏi bà con đi bên cạnh: “Trong này có lò rèn cụ cố Điền, mấy lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?”.
Tại đây còn rất nhiều kỷ vật liên quan đến cuộc đời của Bác Hồ như : chiếc gương gỗ, bộ phản gỗ, tấm áo lụa, những bức ảnh, lá thư của Bác... Mỗi hiện vật là một câu chuyện, là cầu nối để chúng ta hiểu hơn về cuộc đời Bác. Lưu giữ những kỷ vật về Người cũng là lưu giữ một miền nhớ, miền thương để khi về với “Quê chung”, mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này.
Ông Trần Hùng và rất nhiều du khách khác bùi ngùi xúc động bên những kỷ vật: “Tôi mong các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền về quê hương Bác. Tôi 70 tuổi rồi mới được về thăm quê Bác. Tình cảm thì thiêng liêng lắm, tôi xúc động lắm và mãn nguyện lắm. Chúng ta luôn học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng anh em, bà con nên cố gắng ít nhất về quê Bác một lần. "Trăm nghe không bằng một thấy" - về quê Bác thì việc học tập đạo đức, tư tưởng của Bác sẽ tốt hơn”.
Vậy đó, làng Sen đã trở thành một địa chỉ khắc sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, cũng như bạn bè quốc tế. Trở về làng Sen, ta lại gặp ở đây giọng nói của trăm quê; gặp lại ở đây xúc cảm của bao lứa tuổi. Trở về làng Sen, mỗi người như bắt gặp đâu đó hình bóng của chính quê hương mình: mộc mạc đến đơn sơ, bình dị đến gần gũi…Chúng ta cũng như thấy đâu đó, hình bóng Bác, để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, bao niềm kính yêu, thành kính chợt ùa về./.
Nguyễn Hà
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tet-doc-lap-tren-que-bac-a12346.html