Nhân tố huy động sức mạnh toàn dân trong chiến tranh

Một nhân tố cực kỳ quan trọng trong xây dựng lực lượng tiến hành chiến tranh phải nói đến là bộ tham mưu chiến đấu của toàn bộ lực lượng ấy. Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó chính là sự lãnh đạo của Đảng và sự tổ chức, điều hành của Nhà nước.

dang-1693404928.jpg
Đảng - Nhân dân là hai thành tố cơ bản gắn bó hữu cơ, là điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng. Ảnh: Tư liệu.

Đảng vạch ra cương lĩnh, đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân, đồng thời trực tiếp lãnh đạo tất cả các lực lượng tham gia tiến hành chiến tranh nhân dân để bảo đảm cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc luôn giữ đúng định hướng chính trị, tiếp tục là sự thực hiện nền chính trị xã hội chủ nghĩa, chỉ khác là phương thức chủ yếu tiến hành bằng bạo lực vũ trang. Nhà nước là người thể chế hóa và trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng trong chiến tranh bằng hệ thống pháp luật, các quyết sách, các kế hoạch chiến lược lớn để hướng mọi phương diện tổ chức và hoạt động của toàn bộ đất nước vào giải quyết các nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định huy động lực lượng và sức mạnh toàn dân của chiến tranh. Cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng lãnh đạo chiến tranh nhân dân, lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống xâm lược là quan điểm nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự tiếp tục thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện cụ thể, điều kiện chiến tranh.

Chiến tranh nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Muốn tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho chiến tranh nhân dân, muốn huy động cao độ quần chúng nhân dân tham gia chiến tranh, muốn giành thắng lợi trong chiến tranh, nhất thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đòi hỏi Đảng phải có đường lối, chủ trương, biện pháp lãnh đạo kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

Tất cả các lực lượng trên đây đều được tập hợp trong một khối đại đoàn kết toàn dân tộc mang tính thống nhất, chỉnh thể nhằm hình thành cái “cốt vật chất” ưu trội để tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, chỉ có như vậy thì mới phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại. Đây là sự phản ánh xu thế phát triển mới của tư tưởng chiến tranh nhân dân Việt Nam.

tbt-a10-1684324507013-1693405295.jpg
Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Đại biểu Nhân dân.

Tất nhiên, trước đây khi tiến hành chiến tranh toàn dân, tổ tiên ta cũng rất chú ý đến yếu tố khu vực, theo dõi chặt chẽ và xử lý phù hợp với động thái của các nước lân bang. Song có thể nói trong thế giới đương đại, khi tiến trình hội nhập đem lại sự liên kết chặt chẽ lợi ích của rất nhiều quốc gia, dân tộc với nhau, thì vấn đề chiến tranh xảy ra ở một nước cũng không còn đơn thuần là công việc riêng của từng dân tộc.

Và để cho tiền đề ấy được hiện thực hóa thì cần có chính sách phù hợp, khôn khéo của chính đảng cầm quyền, nhất là trong điều kiện hiện nay hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, thì việc tạo dựng các mối quan hệ quốc tế như thế nào để trong trường hợp chiến tranh xảy ra, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có tư cách chính nghĩa trên trường quốc tế. Chỉ như vậy thì mới tranh thủ được sự đồng thuận của nhân loại tiến bộ, tạo điểm tựa phát huy sức mạnh dân tộc.

Từ lý luận và thực tiễn về thời kỳ đầu chiến tranh, có thể thấy chuẩn bị chính trị - tinh thần cho toàn dân và lực lượng vũ trang là một trong những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân. Đường lối, chính sách và chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cơ sở, tiền đề mang tính quyết định đến nhân tố chính trị - tinh thần của toàn dân và lực lượng vũ trang trong chiến tranh.

Trong thời kỳ đầu chiến tranh, nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang có được giữ vững và phát huy hiệu quả, tích cực hay không còn phụ thuộc trực tiếp vào kết quả xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là kết quả thực hiện hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội trong quá trình xây dựng đất nước từ thời bình. Nhân tố chính trị - tinh thần cũng như việc chuẩn bị nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang còn phụ thuộc vào sự phát triển chính trị - xã hội của đất nước, khả năng sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, các chế độ chính sách đối với lực lượng vũ trang và của mọi tầng lớp nhân dân ngay từ thời bình.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-lanh-dao-cua-dang-la-nhan-to-quyet-dinh-huy-dong-luc-luong-va-suc-manh-toan-dan-trong-chien-tranh-a12335.html