Chuẩn bị chiến trường cho thời kỳ đấu chiến tranh (Phần 2 và hết)

Chiến trường, hướng phòng thủ, khu vực phòng thủ chủ yếu là địa bàn, mục tiêu chiến lược, nơi ta dự kiến tập trung nỗ lực thực hiện các hoạt động tác chiến và đấu tranh có tính quyết định, nhằm tiêu hao, sát thương lớn, tiêu diệt bộ phận, đánh bại hướng tiến công chủ yếu của cụm lực lượng tác chiến chiến lược Thê đội I của địch, giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu, cùng với các hướng chiến lược khác hoàn thành mục đích, nhiệm vụ thời kỳ đầu chiến tranh.

20130112-quan-su-1693323338.jpg
Xe tăng của Lữ đoàn tăng 201 triển khai đội hình trên thao trường. Ảnh: TTXVN

Việc xác định hướng chiến trường, khu vực phòng thủ được dự kiến từ thời bình, dựa trên những dự báo, đánh giá tình hình các mặt có liên quan. Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy ra, thường có sự thay đổi, hoặc điều chỉnh cần thiết. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu địch tiến công, hoặc trong giai đoạn địch tiến công hỏa lực, cần căn cứ tình hình cụ thể nhất là ý đồ của địch, để tiếp tục có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đây là căn cứ chủ yếu để điều chỉnh tổ chức, bố trí của các lực lượng, hình thành thế trận hoàn chỉnh, triển khai các mặt công tác bảo đảm, chỉ đạo hành động của các thành phần lực lượng trong tác chiến phòng thủ.

Trong điều kiện chiến trường Việt Nam, địch có thể có nhiều phương án tiến công. Tiến công từ hướng biển, tiến công từ hướng tây, tây nam bằng đường bộ, đổ bộ đường không chiến lược, có nhiều thủ đoạn nghi binh, che giấu, giữ bí mật hướng, mục tiêu, hành động tiến công, nên cần phải có nhiều biện pháp nắm chắc và sớm, đánh giá đúng ý đồ, hành động của địch, có biện pháp nghi binh, lừa địch,... Sớm xác định chính xác hướng tiến công, mục tiêu tiến công chủ yếu của địch sẽ cho phép ta xác định hướng chống chia cắt chiến lược, các khu vực đánh địch đổ bộ đường không, đường biển, bạo loạn lật đổ, vu hồi,... để kịp thời chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch tiến công, không để bị động, bất ngờ.

20130112-quan-su1-1693323338.jpg
Hỏa lực bắn yểm trợ cho trung đội bộ binh vượt sông tiến công mục tiêu địch. Ảnh: TTXVN.

Trên cơ sở đánh giá đúng ý đồ, hành động của địch, cần nhanh chóng điều chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến, tổ chức, điều chỉnh thế trận, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị. Để chủ động điều chỉnh thế trận phòng thủ chiến lược có lợi ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản:

Một là, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh của các lực lượng, kịp thời điều chỉnh thế bố trí lực lượng, huy động mọi lực lượng, phương tiện xây dựng công trình phòng thủ, tích cực, chủ động phá thế tiến công của địch.

Hai là, tận dụng, phát huy được lợi thế của địa hình, thời tiết, khí hậu, xây dựng thế trận liên hoàn vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu, đứng vững trước đòn tiến công của địch, tập trung cho hướng, địa bàn, mục tiêu chủ yếu, quan trọng.

Ba là, tạo được thế phòng ngự vững chắc, đồng thời sẵn sàng thế trận phản công, tiến công, đánh địch rộng khắp, tiêu diệt bộ phận, sát thương lớn, đánh bại tiến công, không cho địch phát triển vào sâu, bảo vệ mục tiêu, địa bàn trọng yếu.

Bốn là, hạn chế ưu thế sức mạnh của địch, phát huy ưu thế sở trường của ta, giành và giữ quyền chủ động chiến dịch, chiến đấu, buộc địch phải bị động theo cách đánh của ta.

Tổ chức điều chỉnh thế trận trước hết là điều chỉnh về tổ chức, bố trí lực lượng, sắp xếp, triển khai, bố trí các lực lượng phòng thủ trên các hướng; thế bố trí các căn cứ, lực lượng hậu cần - kỹ thuật. Bổ sung xây dựng các khu vực phòng thủ, tập trung cho khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu then chốt, các chốt chiến dịch, chốt chiến lược bảo đảm tính vững chắc, ưu tiên cho hướng phòng thủ chiến lược chủ yếu, quan trọng địa bàn địch sẽ tiến công đầu tiên.

Bổ sung, điều chỉnh việc xây dựng công trình ở các khu vực dự kiến tiến hành các đòn phản công, tiến công, đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, chống địch chia cắt chiến lược, chiến dịch,... Tổ chức xây dựng các công trình phòng thủ dân sự. Bổ sung xây dựng hệ thống đường cơ động, hệ thống vật cản trên các hướng, tập trung trên tuyến biên giới, trên biển, ven biển. Triển khai bố trí, xây dựng hệ thống sở chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc; các công trình phòng thủ, hệ thống đường cơ động cho phương tiện cơ giới. Điều chỉnh, bổ sung việc xây dựng hệ thống trận địa hỏa lực, phòng không, căn cứ không quân, hải quân,... Điều chỉnh kế hoạch, bổ sung các hoạt động tác chiến phá thế tiến công của địch,...

20130112-quan-su3-1693323338.jpg
Trung đội bộ binh vượt sông tiến công mục tiêu địch. Ảnh: TTXVN.

Để tạo lập thế trận phòng thủ chiến lược có lợi ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh, cần thường xuyên nắm chắc tình hình địch, ta, đánh giá đúng giá trị của địa hình, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn; dự kiến, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, hướng tiến công của địch, dự kiến, xác định đúng hướng, mục tiêu, địa bàn phòng thủ chủ yếu, quan trọng, các khu vực dự kiến tiến hành các đòn phản công, tiến công ngay từ đầu và trong quá trình chiến tranh.

Chủ động nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch, chủ động xây dựng thế trận từ thời bình kết hợp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khi có tình huống chiến tranh, kịp thời điều chỉnh phương án, kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện hoàn thành thế trận trước lúc địch tiến công. Kịp thời điều chỉnh phương án, kế hoạch, kiên quyết sử dụng lực lượng, vận dụng phương pháp tác chiến thích hợp tiến hành các đòn phá thế địch, tạo lập và phát triển thế trận của ta. Nắm vững thời cơ, kịp thời chuyển hóa thế trận, luôn giữ được thế trận có lợi trong quá trình tác chiến phòng thủ. Thực hiện các biện pháp nghi binh, lừa địch, giữ bí mật, tác chiến bảo vệ thế trận phòng thủ ngay từ đầu, có biện pháp củng cố, phát triển thế trận ngày càng vững chắc...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuan-bi-chien-truong-cho-thoi-ky-dau-chien-tranh-phan-2-va-het-a12323.html