Xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương theo thế trận quốc phòng toàn dân (Phần 1)

Xây dựng các khu vực phòng thủ địa phương trên cơ sở thấu triệt quan điểm của Đảng về “xây dựng tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc” với phương châm “vững toàn diện, mạnh trọng điểm” là một nội dung cơ bản trong xây dựng thế trận quốc phòng ở nước ta hiện nay.

220315hha41205901890-1692800944.jpg
Du kích, tự vệ Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu.

Khu vực phòng thủ là khu vực được tổ chức về quốc phòng, an ninh theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nằm trong hệ thống phòng thủ chung của cả nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó không phải là một hình thức tổ chức hành chính nhà nước hoặc lực lượng vũ trang mà là một không gian địa lý mà trong đó, nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ an ninh, lực lượng quốc phòng và lực lượng an ninh, hoạt động quốc phòng và hoạt động an ninh,... của các địa phương được kết hợp chặt chẽ, hòa quyện, tương tác hỗ trợ lẫn nhau từ cơ sở đến huyện, tỉnh.

Với tính cách một bộ phận hợp thành nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ thực chất là xây dựng tổng thể thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên từng tỉnh, huyện nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp về quốc phòng, an ninh, đồng thời sẵn sàng động viên sức mạnh đó giải quyết các tình huống xung đột vũ trang hoặc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời bình, khu vực phòng thủ là nơi trực tiếp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương, hợp thành thế trận quốc phòng toàn dân cả nước. Đó là thế trận trực tiếp phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, vai trò tự bảo vệ của địa phương, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đó cũng là tiền đề để huy động nhanh nhất sức người, sức của tại chỗ, kịp thời nhất đối phó với diễn biến tình hình phức tạp trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

Khi chiến tranh xảy ra, khu vực phòng thủ là nơi tổ chức, chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, chủ động phát hiện và ngăn ngừa thủ đoạn tạo cớ phát động chiến tranh của địch. Đặc biệt, trong thời kỳ đầu chiến tranh, khu vực phòng thủ tạo thế có lợi nhất để căng kéo buộc địch phải phân tán đối phó, đẩy địch vào thế sa lầy, bị động, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, kết hợp trong ngoài cùng đánh của địch.

ttxvn-chien-thang-dien-bien-phu2-1692800996.jpg
Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp, trong đó có không ít loại mang nhãn hiệu Mỹ bị quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Đó cũng là chiến trường trực tiếp ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, làm chậm tốc độ tiến công của địch, tạo thế xen kẽ chia cắt địch và tạo thời cơ tác chiến cho bộ đội chủ lực. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc góp phần quyết định trong củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy tính tự lực trong tác chiến, thực hiện xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh, vừa chiến đấu vừa sản xuất.

Từ đặc trưng và tầm quan trọng của khu vực phòng thủ trong thế trận quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, với phương châm “vững toàn diện, mạnh trọng điểm”.

Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị xác định những nguyên tắc cơ bản nhất về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là: “Xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Tỉnh ủy, Thành ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền; cơ quan quân sự phối hợp với cơ quan công an và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương làm tham mưu và tổ chức thực hiện”.

Khu vực phòng thủ tỉnh, thành được xây dựng vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lấy xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phải vững toàn diện cả về lực lượng và thế trận nhằm sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trong thời bình và thời chiến.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự chống phá của kẻ thù, kể cả chiến tranh xâm lược, cũng thường nhằm vào điểm yếu của ta, cho nên xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành không dàn đều mà tập trung có trọng điểm. Cần tập trung đầu tư cho các địa bàn xung yếu, khó khăn như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế ít tiềm năng phát triển, vùng chính trị - xã hội phức tạp,...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/xay-dung-cac-khu-vuc-phong-thu-dia-phuong-theo-the-tran-quoc-phong-toan-dan-phan-1-a12241.html