Đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Ngày 17/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị triển khai năm học mới 2023 - 2024.

kon-tum-170823-1692327716.jpg
Các em học sinh Kon Tum tập làm quen với các thao tác học tập trên máy tính bảng. Ảnh minh họa: Cao Nguyên/TTXVN

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum Phạm Thị Trung đề nghị, các đơn vị, cơ sở giáo dục sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho năm học mới 2023 - 2024. Trong đó, ngành chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình và sách giáo khoa lớp 4, 8, 11; chủ động nắm bắt số lượng nhu cầu sách, vở đầu năm học mới, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, vở. Các cơ sở giáo dục tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển trường, lớp theo hướng đạt chuẩn, hiện đại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ngành Giáo dục tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm hoàn thiện các tiêu chí giáo dục ở một số xã thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Dự kiến năm học 2023 - 2024 tại Kon Tum sẽ bắt đầu từ ngày 28/8, riêng đối với lớp 1 sẽ bắt đầu từ ngày 21/8. Trong năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; chú trọng nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Ngành đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của người dân; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Ngành tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Kon Tum có 359 trường Mầm non và Phổ thông công lập. Tổng số trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh là hơn 164.000 em, trong đó có gần 96.000 em là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bổ sung về số lượng, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học hợp lý nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, nhân viên.

Trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Kon Tum tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, các nguồn tài trợ, viện trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập như chương trình Sóng và máy tính cho em, Thư viện ước mơ, Thư viện thân thiện, Đông ấm... Nhiều sách, vở, đồ dùng học tập được chia sẻ đến các học sinh khó khăn qua phong trào “Sách cũ cho năm học mới”, mô hình “Bán trú dân nuôi”…

Khoa Chương (TTXVN)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dam-bao-dieu-kien-hoc-tap-cho-hoc-sinh-vung-dan-toc-thieu-so-a12170.html