Phân tích tiềm lực của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (phần 3 và hết)

Cấu trúc của tiềm lực khoa học - công nghệ bao hàm hai phương diện cơ bản là: Khoa học và công nghệ, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể.

ttxvn-danquanbaovecauhamrong-1-1691751817.jpg
Đội dân quân trực chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đang luyện tập bắn máy bay Mỹ năm 1965. Ảnh: TTXVN.

Về phương diện khoa học được xác định bằng trình độ phát triển của tất cả các ngành khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, bao gồm các khoa học tự nhiên, các khoa học xã hội, các khoa học nhân văn, các khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ,... Về phương diện công nghệ được xác định bằng trình độ và tốc độ phát triển của nền công nghệ cũng như sự ứng dụng công nghệ vào các ngành sản xuất.

Trình độ và tốc độ phát triển khoa học - công nghệ nói trên, đến lượt nó, lại được biểu hiện bằng số lượng, chất lượng các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ; điều kiện cơ sở vật chất hiện có cùng khả năng tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; và đặc biệt là khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ vào giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ của xã hội nói chung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng, trong cả thời bình và thời chiến.

Khả năng này được thể hiện thông qua mối liên hệ giữa khoa học với đời sống, thông qua khả năng ứng dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng. Trong đó, khả năng phát triển các khoa học quân sự cùng khả năng ứng dụng thành tựu công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự vừa là tiêu chuẩn kiểm nghiệm, vừa là mục đích và là nội dung quan trọng phản ánh sự vận động phát triển của tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng.

Tiềm lực khoa học - công nghệ có vai trò rất to lớn đối với sức mạnh quân sự quốc gia, nó cung cấp cơ sở lý luận cho sự phát triển của hệ thống tiềm lực và toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung. Nó thâm nhập vào các tiềm lực, giúp cho sự tác động qua lại của các tiềm lực được tăng cường nhờ được luận giải nhận thức một cách duy lý. Mặt khác, trình độ công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự cho phép tối ưu hóa hệ động lực thúc đẩy các tiềm lực quốc phòng khác phát triển hợp quy luật. Đồng thời, tiềm lực khoa học còn góp phần nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các tiềm lực cũng như toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung.

Riêng đối với lực lượng vũ trang, tiềm lực khoa học - công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các khoa học quân sự (bao gồm khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học y - dược quân sự,...), từ đó tạo khả năng vận hành tối ưu đối với cơ cấu tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang, nhất là công tác chỉ huy và quản lý bộ đội.

Theo đó, vấn đề xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng cũng như xác lập hệ thống cơ chế tối ưu cho phép huy động được mọi thành tựu khoa học và công nghệ của đất nước nói chung vào thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng và mức độ động viên khoa học - công nghệ chung phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chiến tranh, như thực tế lịch sử cho thấy, phụ thuộc trực tiếp vào mục đích, tính chất của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và của cuộc chiến tranh, vào bản chất chế độ xã hội và trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước.

Đặc biệt, việc xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng ở nước ta hướng tới đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh cần được tiến hành chặt chẽ ở cả hai phương diện cơ bản: phương diện khoa học và phương diện công nghệ. Về phương diện khoa học, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ giữa mặt bằng phát triển nền khoa học nước nhà với những bước phát triển đột phá mang tính đổi mới và có tầm nhìn chiến lược của các khoa học quân sự.

Đó là chuẩn bị chu đáo cho khả năng bảo tồn sức sống của nền khoa học nói chung và nhất là các khoa học quân sự nói riêng vượt qua thời kỳ đầu đầy thử thách của cuộc chiến tranh, đồng thời được tiếp tục duy trì và phát triển không ngừng qua suốt cuộc chiến tranh. Đó là huy động được mọi nguồn lực khoa học nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của chiến tranh, làm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh thời chiến được đặt trên cơ sở lý luận khoa học vững chắc.

Về phương diện công nghệ, đó là chuẩn bị mọi tiền đề, cơ sở cần thiết để cho Đảng và Nhà nước có thể huy động và phát huy cao độ mọi thành tựu công nghệ tiên tiến cho nhu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh. Đặc biệt, đó là trực tiếp phát triển nền công nghệ quân sự đủ sức đáp ứng nhu cầu trang thiết bị quân sự phục vụ chiến tranh, nhất là đổi mới hệ thống vũ khí cũng như tăng cường khả năng làm chủ vũ khí, hướng tới thực hiện được phương châm lấy vũ khí công nghệ cao để chống lại chiến tranh công nghệ cao ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh.

Trong tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống tiềm lực quốc phòng, tiềm lực quân sự đóng vai trò yếu tố trực tiếp nhất, đồng thời là đích đến của tất cả các tiềm lực khác. Đó là sự kết tinh toàn bộ những yếu tố chính trị - tinh thần, kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tổ chức - con người,... của đất nước trong việc duy trì và tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang cả thời bình và thời chiến.

ttxvn-danquannamngan-1-1691751860.jpg
Dân quân Nam Ngạn, Thanh Hóa, luyện tập chiến đấu năm 1965. Ảnh: TTXVN.

Cấu trúc nội dung của tiềm lực quân sự được biểu hiện ở khả năng của giai cấp lãnh đạo và nhà nước trong định hướng toàn diện cho quá trình xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang. Đó là xác định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, xác định đối tượng tác chiến và mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ nhất định. Đó là củng cố cơ cấu tổ chức biên chế, cung cấp nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện đại hóa vũ khí trang bị để lực lượng vũ trang đủ sức tiến hành hoạt động quân sự, quốc phòng và chiến tranh. Đó là hoàn chỉnh thế trận quốc phòng và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh có lợi, tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng vũ trang bước vào chiến đấu đạt hiệu suất và hiệu quả cao nhất.

Đó là duy trì và phát triển sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến trên cơ sở giáo dục, huấn luyện chu đáo để bộ đội hiểu biết sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, ổn định trạng thái tinh thần, nâng cao bản lĩnh chiến đấu, thuần thục về khoa học và nghệ thuật quân sự. Đó là duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và nhất là khả năng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống.

Là biểu hiện tập trung của sức mạnh quân sự quốc gia, tiềm lực quân sự một mặt phản ánh và kết tinh các tiềm lực khác, song mặt khác có vai trò rất to lớn tác động trở lại đối với sự phát triển của tất cả các tiềm lực. Đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh, sự vững mạnh của tiềm lực quân sự là bảo đảm tin cậy nhất cho sự duy trì, phát triển, phát huy tác dụng của các tiềm lực khác. Thắng lợi hay thất bại của lực lượng vũ trang có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các tiềm lực quốc phòng, đồng thời là tiêu chí xét đến cùng thử thách tính vững chắc và hiệu quả của hệ thống tiềm lực quốc phòng.

Chính vì vậy, việc xây dựng tiềm lực quân sự luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu và trực tiếp của toàn bộ công cuộc xây dựng tiềm lực quốc phòng. Hơn nữa, nhìn dưới góc độ hướng tới đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh thì xây dựng tiềm lực quân sự chính là chuẩn bị trực tiếp công cụ bạo lực vũ trang sắc bén để chủ động sẵn sàng bảo vệ độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc chống lại chiến tranh xâm lược ngay từ ngày đầu chiến tranh.

Điều đó đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực quân sự vừa có sức sống cao, thu hút được tinh tuý của tất cả các tiềm lực quốc phòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, vừa có khả năng chuyển hóa rất năng động để xây dựng cho lực lượng vũ trang có đủ bản lĩnh sẵn sàng đối phó với mọi tình huống chiến lược, luôn nắm vững thế chủ động chiến lược, càng đánh càng trưởng thành, lớn mạnh.

Xây dựng tiềm lực quân sự đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đầu chiến tranh đòi hỏi phải giải quyết rất nhiều mối quan hệ trong tính chỉnh thể của tiềm lực quốc phòng. Trong đó, các mối quan hệ nội tại mà trọng tâm nhất là quan hệ giữa tổ chức, con người và vũ khí là đặc trưng nổi trội. Trong bối cảnh thế giới đương đại, khi các cường quốc quân sự đang ra sức hiện đại hóa quân đội, nhất là phát triển vũ khí cùng nghệ thuật tác chiến theo hướng chiến tranh công nghệ cao, thì việc xây dựng tiềm lực quân sự nhằm tiến hành chiến tranh chống xâm lược không thể không có những bước biến đổi mang tính cách mạng.

Một mặt, cần phải tính ngay đến việc hiện đại hóa quân đội theo hướng lấy vũ khí công nghệ cao để chống chiến tranh công nghệ cao. Mặt khác, vẫn cần giải quyết tối ưu mối quan hệ giữa xây dựng tổ chức quân đội hợp lý với phát huy cao nhất nhân tố con người trong làm chủ vũ khí và phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/phan-tich-tiem-luc-cua-chien-tranh-nhan-dan-bao-ve-to-quoc-viet-nam-phan-3-va-het-a12099.html