Người con của bản làng Cơ Tu

Với tinh thần “lương y như từ mẫu”, hơn năm năm qua, Đại úy Phạm Văn Hiệp, cán bộ quân y của đồn biên phòng Ga Ri, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, lặn lội đến từng bản làng biên giới xa xôi của đồng bào Cơ Tu thuộc hai xã Ga Ri và Ch’Ơm của huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), chăm sóc sức khỏe cho người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Đồng đội ở đơn vị và đồng bào Cơ Tu nơi miền biên ải xa xôi đã ưu ái dành tặng cho anh cái tên “Bác sỹ gia đình vùng biên”.

Lên với đồng bào Cơ Tu

Thật tình cờ khi lên công tác tại đồn biên phòng Ga Ri, tôi được gặp Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp giữa chốn rừng thiêng nước độc này. Tôi biết Hiệp từ rất lâu rồi, khi ấy Hiệp mới nhập ngũ vào lực lượng BĐBP rồi được điều về Hải đội II Biên phòng Quảng Nam công tác. Đã gần 30 năm xa cách, nhưng trông Hiệp vẫn nhanh nhẹn, rắn chắc và nụ cười e ấp, hiền hậu vẫn luôn nở trên môi như của chàng trai mười tám đôi mươi ngày nào.

Với chất giọng hào sảng của người quen “ăn sóng, nói gió” và đậm chất của người Quảng Nam – Đà Nẵng, Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp cho biết, quê Hiệp ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tháng 2/1995 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và được tuyển chọn vào lực lượng BĐBP Quảng Nam. Sau thời gian huấn luyện, Hiệp được điều về công tác tại Hải đội II Biên phòng. Là một chàng trai thành phố nhưng lại công tác ở một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển nên Hiệp rất lo lắng vì sợ say sóng. Tuy nhiên do chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, Hiệp nhanh chóng làm quen với sóng gió và vị mặt mòi của biển khơi.

Năm 1997, anh được cấp trên cử đi học Trung cấp Quân y tại Trường Trung cấp Quân y 2, TP. Hồ Chí Minh để về phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân khu vực biên giới. Sau 2 năm miệt mài học tập, cuối năm 1998, Hiệp trở lại Hải đội II Biên phòng Quảng Nam với tấm bằng tốt nghiệp loại khá giỏi. Kể từ năm 1999 đến năm 2017, Hiệp đã sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ các biên đội tàu của Hải đội II Biên phòng Quảng Nam tham gia tuần tra hàng ngàn lượt trên biển. Bất kể thời tiết nắng mưa, lúc trời yên biển lặng hay bão tố mưa sa, khi có lệnh là anh lập tức cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ. Gần 20 năm làm công tác tại Hải đội II Biên phòng, Hiệp đã cùng đồng đội trực tiếp đi cứu hộ, cứu nạn nhiều trường hợp ngư dân gặp tai nạn trên biển như gãy tay, gãy chân, đau ruột thừa cấp tính, đột quỵ. Do được cấp cứu kịp thời, nhiều thuyền viên và ngư dân gặp nạn trên biển đã qua cơn nguy kịch hay được Hiệp trực tiếp giành lại cuộc sống từ tay thần chết.

Đầu năm 2017, Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp được cấp trên phân công lên nhận công tác tại đồn biên phòng La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đến năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, anh lại được cấp trên điều động đến công tác tại đồn biên phòng Ga Ri đóng quân tại huyện biên giới Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Khi mới lên các xã vùng cao biên giới nhận công tác, Hiệp đã rất lo lắng, mất ăn, mất ngủ cả tuần với nhiều đêm thức trắng. Điều khiến Hiệp bao đêm trăn trở, lo lắng, băn khoăn cũng hết sức dễ hiểu, bởi từ trước đến nay anh chỉ quen tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ và bà con ngư dân miền biển đều là người Kinh chứ chưa bao giờ tiếp xúc với bà con người dân tộc Cơ Tu. Vì vậy, anh chưa hiểu được các tập tục, đời sống của bà con và lại không biết nói tiếng của bà con thì sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ?! Bao khó khăn, bề bộn đang chờ anh ở phía trước. “Thế nhưng đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành. Tôi xác định, không biết thì phải học, vừa học vừa đi thâm nhập địa bàn để gặp gỡ bà con, cũng như nắm bắt tình hình sức khỏe và thói quen sinh hoạt hàng ngày của bà con các dân tộc để hướng dẫn cho người dân phòng bệnh và lên phương án chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất.” – Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp bộc bạch.

“Bác sỹ gia đình vùng biên”

Ga Ri, Ch’Ơm là 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nằm nép mình dưới chân núi Tà Xiên quanh năm mây phủ trắng xóa là những nếp nhà yên bình của bản làng đồng bào Cơ Tu. Nơi đây có hơn 1.555 hộ đồng bào Cơ Tu với khoảng hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống. Địa hình rất hiểm trở, núi cao, rừng sâu, khí hậu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc hết sức thiếu thốn.

anh-pvh-1-1691559707.jpg

Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp tận tình chăm sóc sức khỏe cho ông Pơ Loong Đếch, tại thôn A Pool, xã Ga Ri (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam)

Ở các bản làng vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam, mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ Biên phòng về bản, bà con dân tộc Cơ Tu đều tiếp đón các anh như những người thân trong gia đình. Nơi vùng biên này, cán bộ chiến sĩ BĐBP với bà con vốn gắn bó như “cá với nước”, đặc biệt là các bác sỹ quân hàm xanh. Với Đại uý Phạm Văn Hiệp, anh thông thuộc từng con ngõ ở các bản, nhớ từng người dân, từng hộ gia đình nơi đây. Nhà này có ai đang bệnh, nhà kia có người ốm đau ra sao. Hễ sức khoẻ có vấn đề gì thì bà con lại gọi anh bất kể lúc nào. Vừa chăm lo sức khoẻ cán bộ chiến sỹ của đơn vị vừa chăm lo sức khoẻ cho nhân dân nơi địa bàn đóng quân. Khối lượng công việc dồn trên vai người cán bộ quân y không hề ít. Nhưng sau mỗi lần chăm sóc, bà con khoẻ mạnh, thêm tính mạng một người dân được cứu chữa thì Đại uý quân y Phạm Văn Hiệp lại thêm yêu và tự hào về trách nhiệm của mình.

pvh-2-1691560393.jpg
Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp thường xuyên đến từng bản làng để phun thuốc phòng dịch bệnh cho nhân dân.

Trên đường cùng Thiếu tá Nguyễn Phúc Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn biên phòng Ga ri xuống thăm bà con thôn A Rooi, xã Gari tôi được Chính trị viên Trường kể lại những câu chuyện hết sức cảm động về tinh thần “lương y như từ mẫu” của Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp. Anh cho biết, khi đại dịch Covid-19 đang đạt đỉnh điểm, đơn vị nhận được tin báo có khoảng gần 30 người dân thuộc thôn Da Din bị ngộ độc thực phẩm đang trong tình trạng nguy kịch. Tuy lúc đó là nửa đêm và đường xá đi lại khó khăn nhưng Đại úy Phạm Văn Hiệp vẫn lặn lội cùng với các bác sĩ của trạm xá xã Ga Ri đi đến từng nhà để cấp cứu cho các bệnh nhân. Tiếp đó, vào khoảng tháng 10/2021, tại thôn A Rooi cũng xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 40 người bị đau bụng, nôn ói. Nhận được tin báo đơn vị cử Đại úy Hiệp đến chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho bà con. Sau hơn 2 ngày vật lộn với công việc sơ cấp cứu, toàn bộ số bệnh nhân ngộ độc đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Mới đây nhất, ông Phan Văn Dơ, Trưởng bản A Bưl, huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào báo cáo qua điện thoại với Ban chỉ huy đồn biên phòng Ga Ri về trường hợp của ông Alăng Pưih, 78 tuổi đang bị bệnh nặng, có nguy cơ tử vong, cần được nhập viện để điều trị. Nhận được tin báo, Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp cùng tổ công tác băng rừng, vượt núi để kịp thời chăm sóc sức khỏe bước đầu cho bệnh nhân người Lào này. Qua thăm khám, Đại úy Hiệp xác định bệnh nhân đang bị ốm rất nặng, nếu không được chuyển lên bệnh viện chữa trị sẽ dẫn đến tử vong. Được sự thống nhất của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, đồn biên phòng Ga Ri cho phép hai công dân gồm ông Alăng Pưih và một người chăm bệnh nhập cảnh vào Việt Nam phục vụ điều trị. Do bệnh tình của bệnh nhân không thể đi lại được nên Đại úy Hiệp cùng các chiến sĩ dùng cáng khiêng ông Alăng Pưih vượt hơn 50km đường rừng đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Tây Giang ngay trong đêm. Do được cứu chữa kịp thời nên ông Alăng Pưih đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Trước khi chia tay, tôi được nghe Thiếu tá Nguyễn Phúc Trường, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ri nhận xét về người “Bác sỹ gia đình vùng biên” Phạm Văn Hiệp hết sức chân thành: "Hàng ngày, ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới. Những lúc rảnh rỗi trong công việc, Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp còn thường xuyên vào rừng tìm các loại cây dược liệu có giá trị về trồng trong vườn thuốc nam của đơn vị hoặc có mặt tại các ruộng trồng cam, bưởi da xanh để hướng dẫn bà con cách chăm sóc, thu hoạch các loại cây này sao cho vừa không bị sâu bệnh vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Những lúc lao động cùng bà con, Đại úy Hiệp cũng tranh thủ hướng dẫn cách vệ sinh thôn bản, cách phòng chống các loại dịch bệnh thông thường để ngăn ngừa bệnh tật cho gia đình và xã hội. Với Đại úy quân y Phạm Văn Hiệp, phần thưởng lớn nhất không chỉ là những tấm bằng khen, huân chương mà còn là sự tin yêu của nhân dân, sự tín nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân 2 xã Ga Ri và Ch’Ơm. Chính những điều đó luôn thôi thúc anh phải cố gắng hơn, năng động hơn trong công việc.”

Trần Hoàng Anh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguoi-con-cua-ban-lang-co-tu-a12058.html