Xây dựng và phát huy cách đánh độc đáo của lưới lửa phòng không nhân dân nhiều tầng, rộng khắp là kinh nghiệm quý báu, bao gồm: Cách đánh kết hợp giữa tác chiến rộng khắp với tác chiến tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn; cách đánh kết hợp giữa tác chiến tại chỗ với tác chiến cơ động; cách đánh hiệp đồng binh chủng, hiệp đồng các thứ quân; cách đánh tập trung tiêu diệt đối tượng chủ yếu, kiên quyết bắn rơi tại chỗ và bắt sống giặc lái; cách đánh kết hợp đánh chặn từ xa với đánh gần trực tiếp bảo vệ mục tiêu.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nâng cao vai trò hệ thống chính trị các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã sáng tạo và nhạy bén đưa ra nhiều quyết sách chính xác, kịp thời nhằm khắc phục những nhận thức không đúng, động viên quân và dân vững vàng vượt qua thử thách, sẵn sàng hy sinh.
Chính quyền các cấp chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ việc phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm chủ động phòng, tránh và kiên quyết đánh trả, tập trung phối hợp hiệp đồng với các tỉnh, các ngành, với trung ương theo kế hoạch thống nhất, đồng thời giải quyết những vấn đề phức tạp vượt quá khả năng từng cấp; tổ chức quản lý toàn diện các hoạt động gắn với phân chia và phân nhiệm hợp lý để nâng cao hiệu quả điều hành hoạt động thời chiến.
Phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những yếu tố hàng đầu để thực hiện các phương án phòng, tránh và đánh trả, tạo sức mạnh tổng hợp thắng địch. Cuộc chiến tranh chính nghĩa đã được dư luận nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng lòng ủng hộ. Ý chí, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh của ta được bạn bè năm châu ngưỡng mộ.
Do vị thế địa - chiến lược đặc biệt của đất nước, dân tộc Việt Nam từ xa xưa trong lịch sử đến ngày nay đã phải thường xuyên đối phó với các kẻ thù xâm lược mạnh. Chính vì vậy mà bài toán thời kỳ đầu chiến tranh luôn được các nhà nước trong lịch sử cũng như thời hiện đại quan tâm tìm ra lời giải phù hợp. Để tiến hành chiến tranh chống xâm lược trong điều kiện ấy, không có phương cách nào ưu việt hơn là luôn phải dựa hẳn vào dân, tìm sức mạnh từ dân và rộng hơn nữa là huy động chiến tranh toàn dân giải phóng và bảo vệ đất nước.
Trước địch mạnh, người Việt cũng đã tìm ra cách thức kháng chiến phù hợp. Thông thường, các cuộc chiến tranh trong lịch sử, kể cả chiến tranh bạch khí cũng như chiến tranh công nghệ cao của thời hiện đại, mục tiêu quan trọng hàng đầu là kinh đô, thủ đô, thậm chí đa phần các cuộc chiến tranh đều kết thúc khi giải quyết xong kinh đô, thủ đô. Nhưng với dân tộc Việt Nam, điều đó không hoàn toàn như vậy. Với người Việt, có thể tạm mất kinh đô, thủ đô, song cuộc kháng chiến mới chỉ bắt đầu.
Ý chí chiến đấu vì độc lập, hòa bình mãnh liệt của dân tộc đi suốt chiều dài cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đối với thời kỳ đầu chiến tranh người Việt thường “dễ dãi”. Nhiều đội quân xâm lược khét tiếng trong lịch sử, từng làm run rẩy không ít dân tộc nhược tiểu, song ngay khi vừa đặt chân lên đất Việt đã phải e sợ vì đối đầu với một cuộc kháng chiến kỳ lạ: Bất cứ người dân nào cũng có thể là một người lính, tiến quân chẻ tre lúc đầu, song cứ mỗi bước đi là một bước cảm nhận được vực thẳm thất trận.
Đặc biệt, bước sang thời đại mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc kháng chiến chống xâm lược đã viết tiếp vào lịch sử oai hùng của dân tộc những chiến công mới chói lọi. Đó không chỉ là những cái mới của thể chế chính trị ưu việt hợp lòng dân, của chủ nghĩa yêu nước mới gắn với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”,... mà còn là sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng, nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nói chung, trong đó có cách thức ứng xử phù hợp đối với thời kỳ đầu chiến tranh.
Tiến công hoặc phòng thủ, chiến tranh giải phóng hoặc chiến tranh giữ nước, quả đấm thép của binh đoàn chủ lực hoặc nổi dậy đồng loạt của nhân dân, cách đánh chính quy hoặc cách đánh du kích..., tất cả các động thái ấy đều được xử lý nhuần nhuyễn trong thời kỳ đầu chiến tranh, khiến cho ta càng đánh càng mạnh, địch càng dấn càng suy.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-nguyen-nhan-khien-my-that-bai-trong-chien-tranh-pha-hoai-mien-bac-phan-2-va-het-a12048.html