Liên kết vùng để tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương

Sáng ngày 3/8, tại khách sạn Hà Nội Daewoo (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương. Diễn đàn do Tạp chí Kinh doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành: Liên minh HTX Việt Nam, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) và 200 đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, HTX.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: Những dự báo cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm nay. Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023 cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023.

Để sự phục hồi này đến nhanh hơn rất cần vai trò nổi bật của liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương. Và bản thân lĩnh vực kinh tế tập thể với 7 triệu thành viên ở các địa phương trong cả nước cũng đang kỳ vọng rất nhiều vào tác động của liên kết vùng. Bởi lẽ, một khi liên kết vùng trở nên vững chắc sẽ là động lực phát huy thế mạnh của các địa phương, là triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đương đầu với những thách thức trong tương lai.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.

Các địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vấn đề liên kết vùng tạo ra nhiều lợi ích cho chính địa phương của mình và cho tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt là với hoạt động kinh tế, cần không gian lớn hơn để hoạt động đầu tư nên khi liên kết lại sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh của vùng. Hơn nữa, liên kết vùng cũng tạo ra hiệu ứng lan toả rộng, mà cụ thể điều này được chứng minh trong lịch sử phát triển công nghiệp, thương mại, phát triển kinh tế hợp tác ở nhiều địa phương, trong đó, nơi nào trở thành cực phát triển sẽ dẫn dắt cả vùng phát triển theo.

Một lợi ích nữa khi thúc đẩy liên kết vùng thực chất hơn là tạo ra sự phát triển cụm ngành, trong đó, nếu giữa các địa phương liên kết lại, sẽ dần dần hình thành được các cụm ngành - vốn là xu hướng sản xuất, đầu tư hay hiện nay, chứ không phải là một nhà máy, doanh nghiệp hay hợp tác xã đơn lẻ.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ rằng, đứng ở góc nhìn của kinh tế tập thể, với quy mô tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 THT nông nghiệp), thì việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

dien-dan-anh-1-1691130443.jpg
Quang cảnh Diễn đàn

Để các mục tiêu, yêu cầu trên trở thành hiện thực và liên kết vùng là động lực phát huy thế mạnh địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết là cần giải quyết được các thách thức, điểm nghẽn về hợp tác và liên kết vùng ở các địa phương. Đó là thách thức về quy hoạch, tính đồng nhất của các địa phương, thách thức về sự hòa hợp các quan điểm đa dạng. Nhất là thách thức về sự đồng thuận, về chủ nghĩa địa phương.

Tiếp đó, cần tạo kênh thông tin thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng, huy động đa dạng các nguồn lực đế hỗ trợ các hoạt động, dự án liên kết vùng, tận dụng nội lực và ngoại lực của các địa phương trong vùng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững; đổi mới phân cấp và nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

dien-dan-anh-2-1691130443.jpg
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn

Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng. Lãnh đạo các địa phương cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.

Các địa phương trong những vùng có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp thì cần hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, HTX nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, giống chất lượng cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là: Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội…

dien-dan-anh-3-1691130443.jpg
Các chuyên gia tập trung thảo luận tại Diễn đàn

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu, khách mời, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có những phát biểu chỉ ra rằng, nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các doanh nghiệp, HTX cũng có thể tăng cường tiếp cận thị trường, khơi thông đầu ra cho nông sản, phát huy được vai trò, tiềm năng của mình…

Tin rằng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh mẽ hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho doanh nghiệp, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới. Đồng thời, định hướng liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới.

Nguyễn Liên

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/lien-ket-vung-de-tan-dung-noi-luc-va-ngoai-luc-cua-cac-dia-phuong-a11987.html