Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4,3 tỷ USD. Hiện nay, tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất là châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Nhưng ngành tôm cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại về dịch bệnh, thị trường,...
Tại Hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu: “Shrimp Summit 2023 với sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học, các nhà mua hàng quốc tế, các chuyên gia, các quốc gia có sản xuất tôm lớn trên thế giới, các doanh nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các đối tác quan trọng tham gia chuỗi ngành hàng tôm… tạo ra một diễn đàn mở để thảo luận về những vấn đề quan trọng của ngành tôm thế giới. Cụ thể như dự báo về sản lượng, nhu cầu thị trường tôm, cập nhật các tiêu chuẩn về sản phẩm, về phát triển bền vững, quản lý dịch bệnh tôm, chương trình chọn giống, quản lý con giống, các đổi mới sáng tạo trong quản trị trang trại nuôi...”.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - cho biết: Hiện nay, ngành thuỷ sản có trên 5 triệu lao động, trong đó ngành tôm chiếm trên 1 triệu lao động. Những năm vừa qua lao động ngành tôm đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, khai thác hiệu quả tài nguyên đất và nước ven biển tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy có những đóng góp lớn lao cho đất nước và xã hội nhưng lao động ngành tôm (người nuôi tôm) đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh, thiếu vốn trong sản xuất, mùa vụ bấp bếnh. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và môi trường, giá tôm bấp bênh và có nhiều biến động trong những năm gần đây. Đặc biệt ngành còn hạn chế trong việc áp dụng công nghệ mới, tiên tiến và sản xuất.
Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú - chia sẻ, Việt Nam hiện có hơn 700.000ha nuôi tôm với nhiều mô hình khác nhau từ nuôi tôm thuần, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao cho đến siêu thâm canh công nghệ cao có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các khách hàng trên 100 quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ vừa có giá trị cao vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Thông qua Shrimp Summit 2023, những người làm nghề nuôi thủy sản Việt Nam mong muốn các chuyên gia, nhà mua hàng và bạn bè quốc tế chia sẻ các tiến bộ, khoa học trong sản xuất con giống, thức ăn, quản lý môi trường, dịch bệnh, quản lý nguồn nước; các công nghệ mới, công nghệ thông minh trong quản lý nuôi tôm. Bên cạnh đó, cũng cập nhật xu hướng và nhu cầu thị trường; các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu và liên kết thương mại sản phẩm tôm.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Ngành tôm 2023, sau phiên thảo luận tại TP.HCM, các đại biểu cũng tham gia khảo sát khu sản xuất tôm giống công nghệ cao, vùng nuôi tôm sinh thái và gặp gỡ, kết nối giữa với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại tỉnh Cà Mau./.
Minh Đức
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nganh-tom-huong-den-phat-trien-ben-vung-a11874.html