Theo đó, 8 luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; Luật Hợp tác xã năm 2023; Luật Đấu thầu; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; Luật Giao dịch điện tử; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Giá 2023.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia
Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực từ 1/7/2024.
Việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế.
Tạo động lực cho hợp tác xã phát triển
Luật Hợp tác xã năm 2023 gồm 12 chương, 115 điều, có hiệu lực từ 1/7/2024.
Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế-xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã. Đồng thời, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Luật Hợp tác xã năm 2023 có nhiều nội dung mới về nhóm quy định: Bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; tổ hợp tác và tổ chức đại diện; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể.
Quy định riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế
Luật Đấu thầu gồm 10 chương, 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.
Đáng chú ý, Luật đã dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế; tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: Bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (“mô hình máy đặt, máy mượn”); hoàn thiện quy định ưu đãi thuốc cho sản xuất trong nước theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến; quy định thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật có một số nội dung mới liên quan đến đối tượng áp dụng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; một số giao dịch đặc thù; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội; phương thức giải quyết tranh chấp; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Đáng chú ý, Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình
Luật Giao dịch điện tử năm 2023 gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Việc xây dựng Luật nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử, phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.
Luật có những điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm, hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Quy định 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Luật quy định sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Luật cũng bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng công an thành phố thuộc Công an thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Điều 30 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 theo hướng tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Thời hạn thị thực điện tử không quá 90 ngày
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Luật bổ sung giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, là một trong những giấy tờ xuất, nhập cảnh; bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất, nhập cảnh và bổ sung quy định “Thông tin khác do Chính phủ quy định” để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ; bỏ quy định thời hạn còn lại của hộ chiếu từ 6 tháng trở lên mới đủ điều kiện xuất cảnh để tạo điều kiện cho công dân khi xuất cảnh…
Bên cạnh đó, nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày đối với các loại thị thực có thời hạn dưới 1 năm để đảm bảo thống nhất; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật…
Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý, điều hành giá
Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Theo đó, Luật quy định rõ phạm vi điều chỉnh, xác định rõ quan hệ giữa Luật Giá với các luật có quy định về giá để khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Luật còn có một số điểm mới như: Về công tác định giá, Luật đã thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh phân công, phân cấp trong công tác quản lý, điều hành giá. Công tác bình ổn giá được củng cố kiện toàn phù hợp với thực tế hiện nay. Việc hiệp thương giá được xác định là cơ chế thỏa thuận về giá hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và có vai trò trung gian, trọng tài của nhà nước...
Đáng chú ý, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại một chương của luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ. Các hoạt động về tổng hợp thông tin giá cả thị trường, phân tích, đánh giá và dự báo kịp thời sẽ đảm bảo phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát trong các thời kỳ…
Diệp Trương (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-8-luat-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-a11723.html