WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 5,5%

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới - WB- thì đại dịch Covid-19 sẽ được Việt Nam kiểm soát, kinh tế dần phục hồi, các nhà đầu tư lấy lại niềm tin nên tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo đạt 5,5% là khả quan.

Theo Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới - WB - công bố ngày 13/01, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,5%.

Với giả định đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước, Báo cáo nhận định khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin; trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng ​​sẽ vẫn bền vững, với tỉ lệ nợ trên GDP dự kiến ​​là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.

nlntv-gdp-zueo-1642114150-1642117305.jpg
Ảnh: minh họa

Các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục. Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.

Với tiêu đề “Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”, Báo cáo cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 02 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải carbon cao, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và gây nhiều ô nhiễm.

Việt Nam đã bắt đầu thực hiện giảm phát thải carbon trong các hoạt động liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia WB cho rằng, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với áp lực gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh và sạch hơn.

Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới.

Thúc đẩy thương mại xanh sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ hành động trên 3 lĩnh vực: Tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh, và phát triển các khu công nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và không phát thải carbon.

 

Q.N (t/h)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/wb-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2022-dat-55-a1172.html