Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với lịch sử hình thành, phát triển hơn 600 năm tuổi. Nơi đây trở thành nhân chứng lịch sử, gắn liền với nhiều câu chuyện từ thời xa xưa. Bảo tàng gốm Bát Tràng hay với tên đầy đủ là Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt là nơi để những thế hệ con cháu tôn vinh tổ nghiệp quê hương và bảo tồn, giữ gìn những giá trị tinh hoa của nghề gốm.
Tâm huyết của bao thế hệ người dân Bát Tràng trong từng sản phẩm gốm được thể hiện trong trung tâm này. Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn, người con của làng gốm Bát Trang chia sẻ: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”. Trải qua những giai đoạn suy thoái đến hưng thịnh, làng nghề gốm đến nay vẫn giữ được nét cổ xưa, vẫn giữ được “hồn” trong từng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng...
Bảo tàng được tạo dựng với bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một công trình độc đáo. Cấu trúc của Bảo tàng theo lối lớn dần lên phía trên, nhưng vẫn tạo thế vững chãi và chắc chắn. Công trình được lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay - một công cụ quen thuộc và không thể thiếu đối với Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn và người dân trong làng: “Làng nghề Bát Tràng chúng tôi có một bề dầy lịch sử về nghề nghiệp. Từ ngày đó đến nay, đời nối đời, cha truyền con nối, làng nghề chúng tôi vẫn giữ được ngọn lửa. Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, trải qua từng thời đại, niên đại nhưng nghề gốm bát tràng của chúng tôi vẫn đứng vững” - Nghệ nhân Tô Thanh Sơn bộc bạch.
Bảo tàng với ba tầng trưng bày là biểu tưởng bền vững cho làng nghề gốm truyền thống. Tầng 1 cũng là nơi phù hợp với các hoạt động, sự kiện lớn về gốm. Bên cạnh đó, do không gian mở ở đây rất rộng nên rất thích hợp cho các chương trình, sự kiện lớn hay các festival văn hóa cổ truyền… Tầng 2 và tầng 3 - khu trung tâm của bảo tàng là nơi trưng bày các sản phẩm gốm nghệ thuật xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng, gồm các dòng men từ cổ đến hiện đại, với sự thay đổi về màu sắc, hình dáng và các họa tiết trang trí trên gốm… giúp du khách có cái nhìn tổng quan về lịch sử làng nghề.
Gốm Bát Tràng đã đáp ứng kịp nhu cầu tiêu dùng, trưng, bày biện của những hàng mỹ, kỹ thuật,... và qua đấy Bát Tràng đã đứng vững rất là đa dạng, các đồ gia dụng đa dạng, các mẫu trưng đa dạng, từ đồ thờ cũng rất là đa dạng và nhiều mặt hàng gốm, sứ khác,... Đến đây rồi, du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều từ nghệ thuật sắp đạt và sự tinh sảo trong các sản phẩm gốm.
Không chỉ vậy, bảo tàng còn có cả khu vực dành cho các không gian trình diễn văn nghệ, khu thương mại, nhà hàng ẩm thực và các phòng nghỉ của các chuyên gia, nghệ nhân… Khung cảng rộng lớn, đẹp đẽ nơi đây đã giúp du khách có những bức hình đẹp.
Ngoài ý tưởng tạo ra một triển lãm trưng bày các sản phẩm thủ công làng nghề và là nơi kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống, đây còn là nơi tôn vinh những người thợ làng nghề. Bảo tàng như một ngôi nhà truyền thống, nơi lưu giữ tất cả những giá trị văn hoá của làng gốm Bát Tràng để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức. Khi đến đây, anh Nguyễn Văn Quyền, sống ở Hà Nội càng trân quý nghề gốm truyền thống và công sức của người làm gốm: “Nghề gốm thì ở nhiều nơi có nhưng gốm Bát Tràng vẫn là nổi tiếng, đáng tự hào. Vào đây mình mới cảm nhận rõ hơn để tạo nên một sản phẩm gốm thì phải có đôi bàn tay điêu luyện, đôi mắt tinh tường, am hiểu về văn hóa và có gu thẩm mỹ”.
Bảo tàng gốm Bát Tràng - Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt là điểm đến hấp dẫn, mới lạ, đậm tinh thần dân tộc của người yêu nghề gốm và cả những ai muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống, hay tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Đây sẽ không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa của làng gốm Bát Tràng mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm giá trị của làng nghề.
Mạnh Sáu
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bao-tang-gom-bat-trang-trung-tam-tinh-hoa-lang-nghe-viet-a11718.html