Tháo gỡ vướng mắc và đặc thù trong đấu thầu lĩnh vực Y tế

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023, thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật cần có các quy định để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong đấu thầu trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

y-te-1-1689044491.jpg
Đấu thầu lĩnh vực Y tế đang là vấn đề được quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Từ thực tiễn đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư Y tế, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ việc các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập.

y-te-2-1689044491.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Đoàn Chủ tọa Hội nghị Triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập

Tại Hội nghị Triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến - kết nối hơn 1.000 điểm cầu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Theo đó, để tháo gỡ các khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc tại một số cơ sở y tế công lập, trong năm 2022 và thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Thông tư; tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý.

Bộ Y tế cũng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế; Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt. Đây là những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải. Tiếp đó, ngày 12/3/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trong quý III/2023; hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng trong quý III/2023.

Tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023, các đại biểu quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung tình huống khẩn cấp trong hoạt động đặc thù này. Báo cáo tại phiên họp, bà Phạm Thị Kiều (đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông) đưa ra quan điểm: "Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đề nghị các cấp nghiên cứu, bổ sung vào dự án luật khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó chỉ định quy trình thầu rút gọn theo quy định". Các đại biểu quốc hội cũng cho rằng: Đối với quy định mua sắm tập trung trong lĩnh vực y tế, cần phải tiếp tục chỉnh lý, đảm bảo đủ căn cứ thực hiện. Cụ thể, tại khoản a, Điều 53, cần xem xét lại quy định đối với việc mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít. "Hiện nay, điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế mua sắm tập trung là mất nhiều thời gian, chờ đợi vì mua sắm tập trung thường làm theo đợt, được tổng hợp từ nhiều cơ quan đơn vị, do đó, nếu mua thuốc hiếm, mua sắm tập trung là không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh". 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm. 

Kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các đại biểu quốc hội đã được ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

y-te-3-1689044491.jpg
Sáng 23/6/2023, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành (trên 93%), Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi

Ngày 23/6/2023, với đa số đại biểu quốc hội tán thành (trên 93%), Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi. Luật Đấu thầu mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Luật Đấu thầu sửa đổi, gỡ vướng mắc cho ngành y tế, và đã rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Luật Đấu thầu mới chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc. Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế,về mua sắm tập trung (Điều 53), trong quá trình đóng góp xây dựng luật có ý kiến đề nghị bỏ quy định: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”.

Luật cũng quy định: “Không mở rộng chỉ định thầu”. Giải trình về lý do không mở rộng chỉ định thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết ý nghĩa của hoạt động đấu thầu trong những năm qua một mặt mang lại lợi ích cho bên mời thầu, nhằm lựa chọn nhà thầu cạnh tranh về giá cả, chất lượng tốt; mặt khác, việc đấu thầu nhằm đảm bảo tính công khai, tính minh bạch, mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh. Nếu tăng cường áp dụng chỉ định thầu thì trong một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng “xin-cho”, làm giảm tính cạnh tranh do nhà thầu không thân quen với chủ đầu tư sẽ không có cơ hội được tham dự thầu, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh. Ngoài ra, hiện nay đấu thầu qua mạng đang được đẩy mạnh với thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian nên việc mở rộng chỉ định thầu là không cần thiết. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thể hiện 9 nhóm hành vi và chỉnh lý các nội dung cụ thể tại Điều 16. Bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thông qua đã tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu, đặc biệt là lĩnh vực Y tế, hài hòa giữa nâng cao hiệu quả quản lý, quyền tự chủ của doanh nghiệp và các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.

Minh Hòa

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thao-go-vuong-mac-va-dac-thu-trong-dau-thau-linh-vuc-y-te-a11631.html