Những điều chưa kể về chiến thắng Ấp Bắc (Phần 1)

Chiến thắng Ấp Bắc là chiến thắng đầu tiên mở ra khả năng cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - Diệm coi bình định, lập ấp chiến lược là xương sống, là yếu tố quan trọng bảo đảm cho mưu đồ “dùng người Việt trị người Việt”.

ap-bac-2123b-1688564673.jpg
Trực thăng của quân đội Mỹ bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu.

Về mặt quân sự, Mỹ chủ trương sử dụng các biện pháp “trực thăng vận”, “thiết xa vận” để mở những trận càn hòng tiêu diệt các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1961, 1962 là thời kỳ mà cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra trong thế giằng co quyết liệt. Do địch có hỏa lực mạnh, phương tiện cơ động nhanh nên lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam gặp khó khăn và tổn thất khá nặng khi chống lại chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của địch.

Tại địa bàn miền Trung Nam Bộ, địa bàn đã từng có phong trào Đồng khởi và là nơi phong trào du kích phát triển mạnh, với chiến thuật mới và phương tiện chiến tranh hiện đại, địch đã làm cho ta lúng túng và chịu không ít thiệt hại, nhất là trận đánh ngày 19 tháng 8 năm 1962, địch bất ngờ chụp úp Trường huấn luyện tân binh Khu VIII ở vùng Tân Hòa Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), bắt 105 người.

Tuy nhiên, qua thực tế chiến đấu, sau những tổn thất ban đầu, quân và dân miền Nam đã nghiêm túc tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra cách thức hiệu quả phá các chiến thuật và phương tiện chiến tranh mới của địch. Các đơn vị lực lượng vũ trang đều được phổ biến và huấn luyện kỹ về chiến thuật chống địch càn quét, cách bố trí trận địa, kỹ thuật bắn máy bay chiến đấu, các loại và kỹ thuật đánh xe bọc thép bằng vũ khí, trang bị hiện có. Đồng thời, ta rất chú trọng xây dựng quyết tâm chiến đấu, nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của bộ đội để đánh địch. Đây là những yếu tố rất thuận lợi trước khi quân và dân Ấp Bắc tiến hành đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch.

Ấp Bắc, nơi diễn ra cuộc đối đầu nảy lửa giữa quyết tâm chiến lược của ta với âm mưu, thủ đoạn chiến lược mới của địch, là một ấp nhỏ với 600 dân, thuộc xã Tân Phú Trung (huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang), cách thị xã Mỹ Tho khoảng 16km, cách quốc lộ 4 khoảng 5km. Đây là địa bàn lịch sử đã có bề dày truyền thống cách mạng. Nhân dân ở đây đã xây dựng Ấp Bắc thành căn cứ địa kháng chiến và là một trong những lá cờ đầu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ấp Bắc là vùng giải phóng của ta, đồng thời là địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang sau mỗi đợt hoạt động. Địa hình Ấp Bắc là cánh đồng bằng phẳng, có hệ thống đường bộ và kênh rạch ngang dọc nối liền các xóm nhỏ, nên việc đi lại thủy bộ đều thuận lợi, dễ dàng. Dựa vào địa hình, lợi dụng các vườn cây trái của dân, những rặng trâm bầu xanh tốt quanh năm dọc các bờ kênh và hai bên lô đất tạo thế che khuất tốt, nhân dân đã xây dựng một hệ thống hầm hào, công sự, trận địa khá vững chắc, được ngụy trang kín đáo, bảo đảm cho lực lượng ta có thể cơ động bí mật, yểm trợ và phối hợp chiến đấu. Tuy nhiên, do thế đất thấp nên các công sự đều ngập nước “nửa nổi, nửa chìm”.

Sau khi đánh thắng các trận càn của địch ở Vĩnh Kim và Mỹ Hạnh Trung (cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1962), Tiểu đoàn 514 của Mỹ Tho và Tiểu đoàn 261 của Khu VIII được tập trung tại khu vực Ấp Bắc để huấn luyện cách đánh máy bay trực thăng, xe bọc thép, cách tổ chức, bố trí lực lượng, xây dựng hệ thống công sự chiến đấu. Khi phát hiện bộ đội chủ lực của ta ở Ấp Bắc, Bộ Tổng Tham mưu quân đội ngụy và Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự của Mỹ tại Sài Gòn cấp tốc vạch kế hoạch điều động lực lượng mở cuộc càn quét quy mô lớn với mật danh “Đức Thắng 1/13” nhằm tiêu diệt đơn vị chủ lực của ta.

images903370-2a-1688564741.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 nhận Cờ thi đua Ấp Bắc năm 1963. Ảnh: Báo Ấp Bắc.

Để tạo ưu thế tuyệt đối về sức mạnh, địch huy động ba tiểu đoàn của Sư đoàn 7 bộ binh, một tiểu đoàn dù thuộc Lữ đoàn dù Sài Gòn, hai đại đội biệt động quân, Chiến đoàn bảo an tỉnh Định Tường cùng 13 xe thiết giáp, 13 tàu chiến trên sông, 15 máy bay trực thăng và 7 máy bay vận tải C47 đổ quân dù, 8 máy bay ném bom khu trục, 4 máy bay trinh sát, chỉ huy, ngoài ra còn 10 khẩu pháo cối từ 105 ly trở lên bố trí trên lộ 4, Long Định, Mỹ Phước Tây chi viện trực tiếp. Với lực lượng đồ sộ, được chỉ huy bởi những tướng tá có kinh nghiệm về hành quân càn quét, địch tưởng rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp lực lượng ta. Chúng đã mời sẵn các hãng truyền thông chuẩn bị họp báo để loan tin thắng trận. Nhưng sự thật cay đắng lại hoàn toàn ngược lại.

Nhận được tin địch dồn lực lượng, phương tiện mở cuộc càn quét lớn, Khu ủy Khu VIII và Tỉnh ủy Mỹ Tho điều Đại đội 1 Tiểu đoàn 216 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 cùng với Khẩu đội cối 60 ly và Trung đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh thắng địch. Hệ thống công sự, hầm hào chiến đấu được củng cố, cải tạo cho phù hợp với ý định bố trí lực lượng và cách đánh. Phương án đánh máy bay, xe bọc thép, bộ binh địch cũng được bàn bạc kỹ.

Các lực lượng tham gia chống càn đều được quán triệt: Cuộc chiến đấu sẽ rất ác liệt và kéo dài, vì vậy phải bám chắc trận địa, không được thoát ly công sự, chỉ xuất kích đánh địch ngoài công sự khi thời cơ thuận lợi và chắc thắng. Đồng thời, ta cũng xác định quyết tâm dù trong tình huống nào cũng phải giữ vững trận địa và đánh thắng. Về phương châm tác chiến, cần bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, đánh gần để tiêu diệt địch và tiết kiệm đạn dược.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-dieu-chua-ke-ve-chien-thang-ap-bac-phan-1-a11568.html