Lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 2)

Nhà văn Vũ Ngọc Phan và Nhà thơ Hằng Phương có những vinh hạnh được sớm gặp, làm một số việc dưới sự chỉ bảo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà thơ Hằng Phương (Lê Hằng Phương – Đường Hằng Phương Nữ sỹ) được gặp Người vào Tết Nguyên Đán năm 1946 đã được Nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi lại trong quyển Hồi ký Những năm tháng ấy, xin trích dẫn nguyên văn như sau:

hcm-1-1688368906.png
Chính giữa là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Từ trái sang phải: Bộ Trưởng Lê văn Hiến. Nhà văn Vũ Ngọc Phan Chủ Tịch Ủy ban vận động Văn hóa Toàn quốc. Bên phải Người có tóc húi cua là Nhà văn Hoài Thanh

Sau Hằng Phương gửi bốn chiếc áo sợi đến Bộ Quốc phòng để nhờ Bộ chuyển đến cho chiến sỹ. Hằng Phương đã nhận được thư sau đây của Bộ:

“Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 1946
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng.
Kính gửi Bà Hằng Phương – Thái Hà ấp.

Thưa Bà,
Ủy Ban vận động mùa đông giúp binh sĩ đã nhận được bốn chiếc áo len khâu bốn bài thơ bà gửi tặng chiến sỹ ngoài mặt trận.
Thay mặt các anh em binh sĩ, bộ đội và nhân dân, chúng tôi đã gửi bốn chiếc áo quý ấy ra cho anh em chiến sỹ ở ngoài mặt trận Nam và Bắc. Vậy xin báo cho bà rõ.

Kính thư,
Thứ trướng
Tạ Quang Bửu”

Trong suốt cuộc đời làm thơ của mình, có bài thơ nào của mình mà Hằng Phương cho là được, cô đều chép gửi lên Hồ Chủ Tịch xem. Những ngày Người đã yếu, Người còn chú ý đến bài bút ký “Trong cao trào ba đảm đang – Hướng ra tiền tuyến” của Hằng Phương đăng trên báo Nhân Dân số 5383 ngày 8/1/1069 viết về Đại đội Thanh niên xung phong 333 ở Cầu Cấm. Bác Hồ có viết thư gửi đội Thanh niên Xung phong số 333 đăng trên báo Nhân Dân, số Chủ Nhật ngày 9/2/1969.

Bốn bức tứ bình gồm 12 bức họa về Anh hùng lao động Nguyễn thị Song do con gái chúng tôi là Vũ Giáng Hương vẽ và có 12 bài thơ minh họa của Hằng Phương. Hai mẹ con cũng được vinh dự gửi lên Bác xem. Sự chú ý của Người đến công việc sáng tác của anh chị em Văn Nghệ sỹ đã làm cho giới Văn Nghệ phấn khởi vô cùng.

Trong bài nhà văn Liên Xô Ruph Bec – sat – xki phòng vấn Người (Một lần gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Văn Nghệ số 20, ngày 17/5/1980 được trích từ cuốn sách Cách đường xích đạo hai bước do Thúy Toàn dịch từ bản tiếng Nga sang Việt văn) sau đây:

Người hỏi nhà văn Liên Xô :

- Các bạn có gặp các nhà văn của chúng tôi không?

- Có ạ. Với Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, nữ sỹ Hằng Phương. Đáng tiếc là nhiều người khác không có mặt ở Hà Nội.

Đông chí Hồ luôn luôn đưa tay ra hiệu ngắt lời người phiên dịch, ý nói cứ vậy Người đã hiểu cả rồi. Đấy, Người cũng nhẹ nhàng ra hiệu cho người phiên dịch không phải phiên dịch, quay sang tôi nói bằng tiếng Nga :

- Sao đáng tiếc? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt – Và đến đây hóa ra Chủ Tịch biết gần như mọi chi tiết công việc mồi nhà văn đang làm – như tôi biết, Người nói chính Tô Hoài mà các bạn gặp hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu, cái đó rất tốt ! Hằng Phương – Các bạn đã làm quen với nữ thi sỹ ấy – Trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó, thơ của cô ấy, như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn người mà thôi, và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó, nhân dân cũng sẽ quên anh ta,...”

Hết phần trích dẫn.

Sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2/9/1969, hàng năm cứ đến ngày này, Nhà thơ Hằng Phương lại mua 10 cành hoa Huệ Trắng (hoa Huệ ta) mang lên Nhà một tầng nơi Cụ Hồ đã nằm chữa bệnh những ngày cuối cùng trong đời. Ông Vũ Kỳ - Thư ký của Cụ Hồ, đã chuẩn bị sẵn một bình hoa để Nhà thơ Hằng Phương cắm những cành hoa Huệ trắng ngần vào, cứ đều đặn như thế cho đến trước năm 1982 khi Nhà thơ Hằng Phương ốm nặng rồi qua đời đầu năm 1983. Ngày nay trong lưu trữ Bảo tàng Hồ Chí Minh còn rất nhiều sách, thơ, bút ký của Nhà thơ Hằng Phương được Cụ Hồ xem rồi ghi chú, gạch chân hay đánh dấu bằng bút chì đỏ của Người lên những trang viết này. 

Nhà thơ Hằng Phương có kể lại một câu chuyện nhỏ rất sâu sắc về Bác Hồ như sau: 

“Vào một buổi trưa giá rét đầu năm 1960, Bác đi công tác trở về Hà Nội, xe chạy qua phố Bà Triệu gần lên dốc Bác thấy một cụ già gầy đen, chân đất, mặc áo cánh nâu vá chằng đụp, đang cố kéo một xe cải tiến chở than quả bàng (Loại than đun bếp đóng máy cục tròn nửa nắm tay hình giống quả cây Bàng). 

Bác cùng với đồng chí bảo vệ xuống xe đẩy giúp ông cụ. 

Khi xe đã lên được hết dốc Bà Triệu, ngang phố Hàm Long, Bác đến cầm tay ông cụ hỏi: 

“Thế con cháu cụ đâu mà phải kéo xe thế này?”, 

Ông cụ trả lời: “Chết cả rồi”.

Ông cụ không biết người đứng trước mặt mình chính là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. 

Bác Hồ ứa nước mắt, lên xe rồi đi. 

Lúc đó Việt Nam mới có miền Bắc được giải phóng khỏi ách nô dịch gần 80 năm của Thực dân Pháp, dân Việt đói khổ, quần áo rách, phần nhiều bà con ở nông thôn là đi chân đất. Nhà nước Cách mạng vẫn đang thực hiện xóa mù chữ bằng phong trào “Bình Dân học vụ”. Mấy ngày sau có tin đồng bào mình ở Bến Tre nhất tề Đồng khởi đứng lên chống ách thống trị của Mỹ và Ngô Đình Diệm”.

Nhà thơ Lê Hằng Phương sinh ngày 09/09/1908 tại làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Quê hương của Nhà thơ Hằng Phương có ba họ là Phan, Lê, Hoàng vì nơi đây có nhiều Danh nhân Văn học, Sỹ Phu yêu Nước, tận trung với Nước rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Bên dòng họ Phan thời hiện đại có hai Nhà Cách mạng lớn từ thời kỳ 1930 lại là anh em ruột là Phan Thanh (1908 – 1939) và Phan Bôi (1911 - 1947). Sau này con Nhà Cách mạng Phan Thanh là Phan Diễn một Cán bộ Cộng sản Liêm chính, Kiên trung đã có những đóng góp sâu sắc cho Công cuộc Đổi Mới, Xây dựng, Chỉnh đốn Đảng thời kỳ 1985 – 2021. 

Hai ông Phan Thanh, Phan Bôi là thành viên trong gia tộc họ Phan, phái nhì, đời thứ 13, cùng đời với Phan Thành Tài. Ông nội ông là Cử nhân Phan Khắc Nhu, cha là nhà Nho Phan Định (1868-1929) (thường gọi Biện Chín), bác ruột là Phó bảng Phan Trân (cha của Học giả Phan Khôi). Mẹ ông là Lê Thị Tiếu, con gái của Cử nhân Lê Đăng Cung và cậu là Học giả Sở Cuồng Lê Dư – Thân sinh Nhà thơ Lê Hằng Phương.

Trong phần trích dẫn trên đây từ hồi ký “Những năm tháng ấy” của Nhà văn Vũ Ngọc Phan có nhắc đến Nhà Cách Mạng Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam. 

Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1926, khi 15 tuổi, đang học năm thứ ba Trường Quốc học Huế, ông đã lãnh đạo cuộc bãi khóa rầm rộ của học sinh Huế, truy điệu Phan Châu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu, chống lại quyết định đuổi học Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu… Năm 1928, ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng, năm 1929 được phân công vào hoạt động tại Sài Gòn, năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương cùng Hải Triều, Trần Văn Giàu.

Chiều ngày 08.02.1931, trong cuộc mít ting kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái. Phan Bôi lúc này phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy, có bí danh là Quảng, được phân công làm Trưởng Ban – đã đứng trên một thùng tô nô (Nhựa đường) diễn thuyết. Lý Tự Trọng (tức Hai) làm nhiệm vụ bảo vệ. Địa điểm mít ting trên đường Larégnere. Phan Bôi diễn thuyết vừa kết thúc thì bọn cảnh sát Pháp ập đến. Chánh Mật thám Legrand xông vào bắt Phan Bôi bị Lý Tự Trọng bắn chết. Mật thám Pháp vây chặt nên bắt được Phan Bôi, Lý Tự Trọng giam ở khám Catinat, rồi đưa vào Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 07.5.1933, Phan Bôi và một số đồng chí bị thực dân Pháp đưa ra xét xử trong vụ án gọi là "Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương". Phan Bôi bị kết án 20 năm tù khổ sai đày ra Côn Đảo ngày 13.5.1933, Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Trong tù Côn Đảo, Phan Bôi lập Chi bộ Đảng Cộng sản tiếp tục đấu tranh.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm chính quyền ở Pháp gây sức ép Thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có Phan Bôi. Từ Côn Đảo trở về đất liền, Phan Bôi tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau đó Phan Bôi trở lại Hà Nội và sống tại nhà anh ruột là Phan Thanh là dân biểu của Viện dân biểu Trung Kỳ do Đảng Cộng sản Đông Dương đưa vào  để hoạt động và tham gia viết bài cho các báo công khai của Đảng lúc đó như Lao động, Tiếng nói của chúng ta, Dân chúng, Tin tức. Một lần nữa Phan Bôi bị Thực dân Pháp ở Đông Dương xác nhận là phần tử Cộng sản nguy hiểm ở Bắc Kỳ theo sắc lệnh ngày 21/01/1940.

Tháng 5/1940, Phan Bôi bị thực dân Pháp bắt vào Trại Bắc Mê, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tháng 11/1941, Phan Bôi bị đưa về nhà lao Ninh Bình, sau đó cùng 11 người bị đày đi Madagascar (Châu Phi) – nơi từng giam giữ nhiều nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam như Thành Thái, Duy Tân… Tại Madagascar, Phan Bôi tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lê Nin luôn tin vào sự thắng lợi cuối cùng của Cách mạng Việt Nam và mong muốn ngày trở về Tổ quốc để tham gia giành độc lập cho nước nhà. 

Tháng 11/1942, quân Anh chiếm toàn bộ Madagascar. Tháng 6 /1943, được tổ chức Đảng trong nước đồng ý, Phan Bôi cùng 6 đồng chí khác bị giam ở Madagascar nhận làm tình báo cho Anh. Phan Bôi và Lê Giản bí mật liên lạc với Đảng Cộng sản Ấn Độ. Tại Calcutta - Ấn Độ, Phan Bôi và sáu đồng chí được Anh huấn luyện tình báo. Sau đó bẩy người được gửi về Việt Nam gồm Hoàng Đình Dong, Tô Gĩ (Lê Giản), Phan Bôi, Dương Công Hoạt, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu và Nguyễn Văn Minh. Hoàng Đình Dong là đồng chí thân thiết của Nhà Cách mạng Hoàng Văn Thụ. Ông cũng là một trong những người xây dựng cơ sở Đảng đầu tiên tại Cao Bằng. Cuối năm 1943, Hoàng Đình Dong được Anh đưa về Cao Bằng bằng đường bộ để nghiên cứu thực cơ sở chuẩn bị chiến dịch đổ bộ. Hoàng Đình Dong đã bí mật gặp Tỉnh ủy Cao Bằng và báo cáo với Trung ương Đảng. Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương tán thành việc các đồng chí đã làm và đồng ý để mọi người về nước hoạt động. Sau đó Hoàng Đình Dong quay trở lại Calcutta - Ấn Độ thông báo cho người Anh.

Cuối năm 1944, Phát-xít Nhật gặp nhiều thất bại. Tháng 10-1944, đợt nhảy dù đầu tiên gồm Hoàng Đình Dong và Tô Gĩ (Lê Giản). Đêm khuya cả hai tiếp đất an toàn xuống một cánh đồng ngoại ô thị xã Cao Bằng được cơ sở Cách mạng là đồng chí Hồng Kỳ - nguyên Chủ nhiệm Việt Minh ở nhà tù tại Sơn La trước đây nên được đưa đi ngay lên An toàn khu (ATK). Sau đó khoảng một tuần đợt nhảy dù lần hai gồm Phan Bôi và Dương Công Hoạt đã tìm được đường về tới nhà cũ của Dương Công Hoạt rồi lên ATK. Tới ATK, Phan Bôi đã gặp lại người bạn cũ thân thiết là Võ Nguyên Giáp. Theo chỉ đạo của Trung ương, nhóm nhảy dù báo cáo về Calcutta rồi yêu cầu gửi vũ khí và tiếp tế. Chuyến nhảy dù cuối cùng xuống Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) vào tháng 5-1945, gồm có Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Minh. 

Sau khi nhận nhiệm vụ của Trung ương Đảng phân công, Phan Bôi lấy bí danh là Hoàng Hữu Nam.

(Còn nữa)

Vũ Ngọc Phương

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/lan-dau-duoc-gap-chu-tich-ho-chi-minh-phan-2-a11533.html