Từ xa nhìn ngôi chùa như một bức tranh yên bình, êm ả với mái cổ cong cong, bức tường bạc màu rêu úa, gần đó là cây đa già, tán lá sum sê tỏa bóng mát rượi.
Hôm nay, ông Nguyễn Phúc Đồng, sống ở huyện Thường Tín, Hà Nội lại vào nơi đất Phật, trong bái đường của chùa Đậu, giữa lời kinh sâu mầu, tiếng chuông chùa trầm lắng vang xa và cả mùi nhang khói vấn vương, chiêm bái nhục thân Bồ Tát của hai vị thiền sư. Hai vị tu hành chứng đắc, trải qua bao mưa nắng, giông bão của thời gian vẫn còn lưu lại với hậu thế trong dáng ngồi an nhiên, tự tại khiến ông Đồng và những người đến hành hương cảm thấy tâm thật nhẹ nhàng : “Đây là ngôi chùa thiêng, mà đã là chốn linh thiêng thì chắc chắn cảnh quan, ngoại cảnh rất đẹp, đặc biệt có những câu chuyện tâm linh ly kỳ”- ông Đồng chia sẻ.
Câu chuyện về hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 300 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi. Ai đến đây cũng tìm hiểu và chia sẻ câu chuyện ấy.
Theo một số tài liệu, chùa Đậu có 2 vị thiền sư kế cận nhau, thay nhau trụ trì, các ngài tính đếm, biết là giờ lành đã tới bèn nói với đệ tử: “Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật, khi các con không còn nghe tiếng mõ hãy mở cửa vào sẽ thấy xác thân ta được giữ nguyên”. Quả nhiên, sau 100 ngày nhập định, các đệ tử của thiền sư không còn nghe thấy tiếng mõ bèn mở cửa bước vào, vị thiền sư đã ra đi tự lúc nào nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ như đang ngồi thiền.
Đại đức Thích Quang Minh, quyền trụ trì chùa Đậu cung cấp cho chúng tôi những tư liệu quý về câu chuyện này: “Năm 1983, các nhà khoa học rước hai ngài ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để chụp X-quang và qua phim chụp, nghiên cứu thì đây không phải là kỹ thuật ướp xác, toàn bộ nội tạng: tim, gan,… của các ngài vẫn còn nguyên bên trong. Qua phim x-quang, các nhà khoa học chứng minh được đây là cơ thể người thật. Đối với các nhà khoa học thì đó là một điều vô cùng bí ẩn. Còn với Phật giáo thì đây là sự tu hành đắc đạo của các ngài. Khi các ngài tu hành đắc đạo sẽ có quyền năng, công năng để lại những xá lợi”- Đại đức Thích Quang Minh nhấn mạnh.
Xá lợi là sau khi các sư viên tịch đi hỏa táng, tro cốt đấy sẽ cho ra những khối nhỏ rắn chắc như những viên ngọc. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí và thời gian bào mòn. Xá lợi không bị chi phối bởi không gian, thời gian và quy luật của vũ trụ. Đại đức Thích Quang Minh coi xá lợi mà hai vị thiền sư để lại là vật báu, một quốc bảo thiêng liêng được cung kính như đức phật sống. Đại đức Thích Quang Minh cho biết: “Xá lợi thì nó có 2 dạng: Toàn thân xá lợi và toái thân xá lợi. Toái thân xá lợi là sau khi chết đi, mang thiêu đi thì xác đấy nó biến thành những viên ngọc khoảng 1/5 - 1/10 của cơ thể. Còn hai vị thiền sư còn nguyên vẹn cả cơ thể, gọi là toàn thân xá lợi. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 2 thiền sư là 2 bảo vật quốc gia. Đấy là những điều đặc biệt, đặc sắc nhất của chùa Đậu”.
Ngôi chùa thiêng nên hầu như ngày nào cũng có người đến lễ. Trong nhà tổ, mọi người ngồi khoanh chân, chắp tay niệm phật. Người đến lễ mang đủ câu chuyện hỉ, nộ, ái, ố để chia sẻ trước 2 vị thiền sư. Khi ngồi lễ ở đây chúng ta sẽ được tiếp thêm niềm tin vào sự nhiệm màu của đạo phật:
Trải qua hơn 300 năm thăng trầm lịch sử, dù chiến tranh, thiên tai, toàn thân xá lợi của hai Ngài vẫn tồn tại với thời gian, là bảo vật quý của chùa Đậu. Hai vị thiền sư là tấm gương mẫu mực về đời sống tu hành toàn vẹn giới đức, nhiếp tâm thiền định, đạt được chứng ngộ vi diệu cao siêu. Cuộc sống hiện đại nhiều lo toan, chùa Đậu vẫn là nơi nương tựa tâm linh của biết bao Phật tử gần xa. Nụ cười an nhiên thanh tịnh của hai vị thiền sư hiện diện như lời nhắc với nhân sinh hãy tránh ác làm lành, về nương tựa với giáo lý từ bi của Đức Phật để tìm thấy hạnh phúc an lạc./.
Nguyễn Hà
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bi-an-thi-hai-hai-thien-su-chua-dau-a11458.html