Quê hương trong lòng người xa xứ

Cuộc mưu sinh nơi xứ lạ, quê người không dễ gì đối với những người dân nhập cư. Tuy còn nhiều nỗi lo cho gia đình nhỏ của mình, nhưng tình yêu quê hương đã hằn sâu trong tim anh Lê Văn Ngọc (1974) lại trỗi dậy sau nhiều năm định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức. Anh quyết định trở về thực hiện ước mơ của mình!

bo-trach-39-1687165958.jpg
Hình tượng cổng làng là hình tượng của quê hương, xứ sở. Là điểm ngăn cách nơi ở của cư dân với đồng ruộng và với không gian bên ngoài. Mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng, đặc trung của làng đó, biểu trưng cho sự uy nghi, nề nếp của mỗi làng quê. (Ảnh: Võ Việt)

Quê nhà – Hai tiếng thiêng liêng đó luôn in đậm trong tiềm thức của mỗi người, hầu như ai ai cũng có một nỗi nhớ không phai của thời thơ ấu về làng quê. Đó là: Cây đa, giếng nước và sân đình.

Quê nhà – Có người, đó là nơi cắt rốn, chôn nhau; nhưng cũng có người không phải là nơi sinh trưởng vì một hoàn cảnh nào đó!

Cội nguồn trong tâm thức người Việt

bo-trach-32-1687165958.jpg
Toàn cảnh không khí buổi lễ cắt bằng khánh thành cổng làng thôn Dài, xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Trong những ngày tháng 6, ảnh hưởng từ cơn gió Lào thổi sàn sạt mang hơi nóng phả khắp nơi trên vùng đất Quảng Bình. Tại làng quê nghèo thôn Dài, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình mặc cho trời nắng chang chang, người người đang hối hả dọn vệ sinh, trang trí cờ xí, trồng hoa …nhằm phục vụ ngày khánh thành cổng làng và cụm công viên mini do anh Lê Văn Ngọc thiết kế, tài trợ đầu tư.

bo-trach-30-1687167156.jpg
Anh Lê Văn Ngọc chăm chút từng cây xanh để mong nơi đây toả đầy bóng mát và là sân chơi cho trẻ em trong làng, cũng là nơi dừng chân của những lao động sau một ngày với đồng áng.(Ảnh: Võ Việt)

Tâm sự người trong cuộc: “Anh Ngọc trải lòng, tôi vào đời hơi sớm, xa quê năm 14 tuổi, lăn lộn kiếm kế sinh nhai không dễ gì! Trưởng thành, nhìn cuộc sống thuần nông nơi vùng quê tôi người dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dãi dầu một nắng hai sương, trong đó có bố mẹ và người thân của tôi. Tôi xao xuyến cõi lòng nhưng lực bất tòng tâm. Đến khi tôi định cư ở trời Âu, khoảng cách địa lý xa xôi cách trở nhưng tôi vẫn không quên cố hương. Thế là, tôi bàn bạc cùng gia đình quyết định trở về đầu tư đóng góp một phần nhỏ nhoi nhằm điểm xuyết thêm sắc diện  nông thông mới cho quê nghèo của tôi. Được sự đồng thuận và cho phép xây dựng của chính quyền sở tại, tôi quyết tâm xắn tay vào cuộc. Trong quá trình thi công, tôi luôn sát cánh cùng thầy thợ từ khâu chọn vật liệu với mong ước là công trình phải đạt thẩm mỹ và chất lượng hoàn hảo. Tôi không mong gì hơn ngoài việc nơi đây sẽ là nơi thư giãn, hóng mát trao đổi chuyện trò cho người dân sau giờ lao động mệt nhọc. Và cũng là nơi sinh hoạt cho các cháu thiếu nhi cùng nam thanh, nữ tú.

bo-trach-3-1687166174.jpg
Anh Lê Văn Ngọc (1974) Việt kiều Đức bên công trình ước mơ của mình. (Ảnh: Võ Việt)

Nhân vô thập toàn! Từ lúc khởi công cũng như đến ngày khánh thành nếu có điều gì khiếm khuyết, tôi mong người dân thôn Dài quý mến niệm tình tha thứ!    

Ngay lúc này đây, tôi xin chân thành tri ân Quý cấp lãnh đạo chính quyền sở tại, Quý vị cao niên ở thôn Dài, bà con thân bằng quyến thuộc đã động viên, khích lệ cho tôi trong những ngày tháng thi công cho đến khi hoàn thành.

Cây có cội, nước có nguồn! Vô cổ bất thành kim!

bo-trach-14-1687166174.jpg
Công trình cổng làng mới làm cho diện mạo của thôn Dài, xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Võ Việt)

Người Việt chúng ta ai ai cũng hoài niệm về cố hương. Có người sau mấy mươi năm bôn ba ở nước ngoài, khi về đến quê nhà đã bật khóc, quỳ xuống hôn lên đất Mẹ ngay tại sân bay. Có người sau khi về nước, đến lúc phải ra đi trở lại xứ người đã kính cẩn xin một nắm đất Mẹ mang theo để luôn có được hình bóng cố quốc sát bên mình. Từ sâu thẳm trong tâm thức, những người con lưu xứ luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương, vọng về bản quán thấm đẫm vào tận tâm can!

Nhà thơ Nguyễn Bính khi rời đất Bắc vào Nam sống một thời gian đã phải rưng rưng:

                                     Quê nhà xa lắc xa lơ đó

                                     Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay!

Để nói lên nỗi nhớ Quê da diết biết nhường nào!

Cổng làng, công trình văn hoá nông thôn mới

Ông Dương Đình Chung – Thôn trưởng thôn Dài cho biết: “Đây là một công trình văn hóa đầu tiên gắn kết với quê hương mang cả tấm lòng của người con xa xứ. Công trình này ngoài giá trí kinh tế cao còn để lại ấn tượng sâu sắc cho quê hương là giá trị tinh thần. Từ khi công trình này khởi công, bà con thôn Dài rất vui mừng bởi được biết sẽ có nơi sinh hoạt, vui chơi cho trẻ em trong thời gian hè về. Và đây cũng là nơi thư giãn, hóng mát cho người cao tuổi… Sắp tới, anh Ngọc sẽ đầu tư tiếp đu quay, cầu trượt …Không biết nói gì hơn, tôi xin thay mặt nhân dân thôn Dài bày tỏ tấc lòng tri ân đến anh Ngọc”.

bo-trach-31-1687167156.jpg
Một tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khánh thành cổng làng

Ông Nguyễn Tiên Hân, người dân thôn Dài bày tỏ cảm xúc: “Tôi nói thật lòng, lần đầu tiên ở vùng này có một công trình do người con xa xứ dốc cả tâm lực, trí lực và sức lực đầu tư được công trình văn hóa khang trang như thế này! Ở quê người, anh Ngọc cũng phải nỗ lực bon chen trong cuộc mưu sinh. Tại quê hương tôi, có những người khá giả hơn anh Ngọc nhưng họ chưa có tâm đóng góp được như thế này! Tôi là một người dân đang thụ hưởng từ công trình này, tôi chỉ biết bày tỏ tấc lòng xin tri ân anh Ngọc”.

bo-trach-34-1687167156.jpg
Lễ cắt băng khánh thành cổng làng thôn Dài, xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Ông Phan Thanh Lâm – Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch cho biết: “Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về văn hóa cũng được nâng lên hàng đầu, bởi vì ngoài đời sống vật chất ra thì đời sống tinh thần gắn kết tình làng nghĩa xóm cũng không kém phần quan trọng. Anh Ngọc đã đầu tư đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa, làm đẹp cho quê hương, làng xóm. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi theo hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến độ sớm đưa công trình vào sử dụng trong dịp hè về. Tôi kỳ vọng công trình này sẽ khơi gợi thêm lòng yêu quê hương từ những người con xa xứ hướng vọng về quê cha, đất tổ”.

bo-trach-27-1687165958.jpg
Thôn Dài đã có cổng làng mới, một diện mạo mới của một xã nông thôn mới. (Ảnh; Võ Việt)

Và đây là nỗi khắc khoải, nhớ nhung khuấy động tâm can của cộng đồng người Việt xa xứ, tứ tán khắp nơi trong lẫn ngoài nước:

                               Quê quán ơi! Bao giờ trở lại?

                               Trở lại rồi cũng chỉ để mà đi.

Linh Cơ

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/que-huong-trong-long-nguoi-xa-xu-a11373.html