Tiếp đó, sang thập niên đầu thế kỷ XX, sau kết thúc phong trào Cần Vương (1897), chứng kiến cuộc chuyển động của phong trào yêu nước sang đường lối duy tân của hai cụ Phan và các nhà Nho trong các phong trào Duy Tân, Đông du và Đông Kinh nghĩa thục.
Hai bối cảnh trên - gồm phong trào cứu nước nửa sau thế kỷ XIX cùng phong trào Duy tân thập niên đầu thế kỷ XX là trọn vẹn bối cảnh sống và hoạt động của nhà văn hóa Cao Xuân Dục. Sự biến thiên của lịch sử chắc hẳn đã tác động không nhỏ vào cách hành xử cũng như hiện trạng nghiên cứu của Cao Xuân Dục.
Qua các chức trách quan trọng mà ông đảm nhiệm trong triều đình (1), và qua các bộ sách mà ông soạn thảo bao gồm nhiều lĩnh - như sử và văn, giáo dục và luân lý, đạo đức... cùng với quá trình sửa tập, lưu giữ sách vở trong di sản ông để lại quả đã khẳng định ông là một chân dung trí thức lớn, một “nhà văn hóa lớn thời cận đại”, như tên cuốn sách của tác giả Hồng Sâm, Nhà xuất bản Nghệ An tái bản năm 2010. Thế nhưng ông lại ít được biết trong diện rộng, và đến hơi muộn với các giới công chúng nói chung của thế kỷ XX. Có nghĩa là sự nghiệp của ông còn ít được giới nghiên cứu quan tâm khai thác để đưa vào sách giáo khoa, hoặc các bộ sử và văn hóa sử, và còn ít được phổ cập trong đời sống văn hóa và giáo dục của nhiều thế hệ. Tôi nghĩ thật đáng tự hào có một chân dung Cao Xuân Dục như ông tự thể hiện qua sự nghiệp trước tác đồ sộ của ông; người - tôi muốn xem là sự tiếp tục của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, để cho nguồn mạch tri thức của dân tộc không hề bị đứt đoạn, dẫu trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, rồi bị đô hộ trong ngót 100 năm.
Trong sự phân hóa, và phân công giữa văn chương và học thuật kể từ thế kỷ XIX trở đi; nếu một bên chúng ta có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, rồi tiếp đến là phong trào văn thơ yêu nước với một đội ngũ hùng hậu những tên tuổi lớn, không ngừng đông đảo suốt nửa sau thế kỷ XIX sang thập niên đầu thế kỷ XX, thì về phía học thuật cũng có sự tiếp tục từ Phan Huy Chú qua Phan Thúc Trực (1808-1852) với Quốc sử di biên,... đến Cao Xuân Dục. Và sau Cao Xuân Dục, kể từ ngày ông về hưu năm 1912 - khi dân tộc thức nhận ra chân lý: phải canh tân đất nước mới có thể cứu được nước, tức là phải thực hiện yêu cầu hiện đại hóa, làm gắn nối hai nhu cầu khẩn thiết là văn minh và dân chủ, thì con đường xây dựng một nền tảng học vấn và hướng tới tư duy khoa học, sẽ được các thế hệ sau hưởng ứng làm nên một dòng chảy mới trong đời sống tinh thần dân tộc như đã diễn ra qua hoạt động sưu tập, biên khảo, biên dịch vốn văn hóa dân gian và cổ điển dân tộc, cùng phong trào báo chí, xuất bản bỗng trở nên sôi động, khi chữ Quốc ngữ đã được dùng song song rồi thay thế chữ Hán, chữ Nôm trong ba thập niên đầu thế kỷ XX. Ba thập niên - 1900-1930, với đóng góp của những tên tuổi Nho học, hoặc vừa Nho học vừa Tây học, như Nguyễn Bá Học (1857-1921), Nguyễn Đỗ Mục (1866-?), Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Can Mộng (1875-1953), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Hoàng Tăng Bí (1883-1939), Phạm Duy Tốn (1883-1927), Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), Hồ Biểu Chánh (1885-1958), Nguyễn Tử Siêu (1887-1965), Trần Trọng Kim (1887-1953), Phan Khôi (1887-1959), Bùi Kỷ (1887-1960), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), Lê Thước (1891-1975), Phạm Quỳnh (1892-1945), Ngô Tất Tố (1894-1954)...- những tên tuổi có tư cách học giả, vừa uyên thâm về kiến thức, vừa có lòng yêu nước với những biểu hiện kín đáo hoặc xa xôi qua các sáng tác của họ.
Sau ba thập niên này, như là một chuẩn bị tích cực, khẩn trương, gương mặt hiện đại của lịch sử văn chương- học thuật dân tộc sẽ được thực hiện trọn vẹn trong thời kỳ 1930-1945. Đây là thời một thế hệ Tây học thừa hưởng những bền bỉ xây dựng của mấy thế hệ tiền bối xuất thân Nho học để làm nên một mùa màng ngoạn mục nhất trong thế kỷ XX. Trong mùa màng đó, ngoài sự lên ngôi của hai trào lưu lãng mạn và hiện thực, cùng trào lưu cách mạng trong bí mật với nhiều chục tác gia lớn, là sự xuất hiện muộn hơn, từ nửa sau những năm 1930, nửa đầu 1940, những tên tuổi cũng sáng giá không kém trong các lĩnh vực của học thuật như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Trương Tửu...
So với các bậc tiền bối trong lịch sử, cho đến Cao Xuân Dục, thay vì tư chất bách khoa, họ đi sâu vào các chuyên ngành, như sử và văn hóa sử, văn học sử; như nghiên cứu, hoặc lý luận, phê bình văn học. Cũng cần nói thêm: số lớn, hoặc hầu hết trong họ đều không làm công chức cho chính quyền thuộc địa. Bởi vào lúc này, việc sáng tác thơ văn và nghiên cứu khoa học (trong đó có sử học, văn học và các khoa học khác) đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, và đều mang tính chuyên nghiệp.
Lấy con mắt của người hiện đại mà nhìn vào lịch sử tôi muốn tìm đến một mẫu hình của người trí thức trong gắn nối và phân biệt hai tư chất văn chương và học thuật. Qua sự định vị chân dung Cao Xuân Dục trong bối cảnh thời ông sống, tôi muốn minh chứng sự không đứt đoạn của những gắng công bền bỉ của giới trí thức cho sự gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần của cha ông, trong hành trình dựng nước và giữ nước.
Hà Nội, 26 - 27/10/2012
(1) Sau khi đỡ Cử nhân (1876) đến khi về hưu (1912) ông lần lượt được bổ nhiệm: Tri huyện, Tổng đốc, Thượng thư Bộ Học, Cơ mật viện đại thần, Phụ chính đại thần, Thái tử thiếu bảo, Tổng tài Quốc sử quán, Đông Các đại học sĩ - tứ trụ triều đình, dưới triều Duy Tân (1907-1916)
GS Phong Lê