Nhà văn Vũ Bằng từng viết:
“Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”.
Nếu bánh đúc lạc chấm tương mang đến vị đậm đà thì bánh đúc nộm lại là thứ đầy thanh mát và nhẹ nhàng.
Bánh đúc nộm có thể được gọi là món quà quê, nhưng lại là một món ăn cổ có từ bao đời của người dân Hà thành. Bởi chẳng ở đâu người ta thấy bánh đúc nộm được bán trong những cửa hàng sang trọng có bàn ghế kê đàng hoàng với thực đơn và người phục vụ bận rộn chạy qua chạy lại.
Bạn chỉ có thể tìm thấy bánh đúc nộm trên những chiếc mẹt cũ kỹ ở một góc chợ hay góc phố nào đó lúc tầm chiều, khi nắng đã dịu hơn và cái bụng đã bắt đầu réo cồn cào cần được “an ủi” bằng một món ăn nào đó.
Nếu ăn bánh đúc nộm mà thiếu đi món rau sống ăn kèm thì bánh đúc nộm chẳng khác nào một bản nhạc thiếu đi nốt trầm. Chỉ cần thêm ít màu tím của tía tô, màu xanh của ngổ ba lá, màu trắng của thân chuối và chút non tơ của rau muống chẻ, thêm một chút ớt bột khô nữa là bạn đã có thể thưởng thức món bánh đúc nộm đầy đủ hương, vị và sắc.
Miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện với vị thơm ngậy, bùi bùi của nước canh vừng lạc, ngọt mát của giá chần và phảng phất mùi ngan ngát của các loại rau sống, tạo thành một hương vị nhẹ nhàng mà cuốn hút cứ lan tỏa trong miệng, làm say lòng những con người của mảnh đất Hà thành.
Xưa nay, chẳng ai ăn bánh đúc nộm để lấy no, người ta chỉ ăn bánh đúc nộm lúc tan tầm, khi đã thấy mệt mỏi với những bộn bề công việc của một ngày bận rộn.
Nhiều khi đi xa sau bao nhiêu năm tháng, người ta vẫn còn nhớ và đi tìm vị bánh đúc nộm quen mà lạ ở chốn phố thị cho đỡ cảm giác nhớ quê, nhớ nhà như một hoài niệm trong ký ức.
Huyền Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/banh-duc-nom-a10927.html