Lãnh tụ Hồ Chí Minh, bậc thầy về ứng xử, luôn trọng nghĩa tình

Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 2/9/1969) có lẽ là một nhà ngoại giao bẩm sinh đặc biệt trong số rất ít các chính khách tầm cỡ trên thế giới. Sự tinh tế, ý nhị, lịch lãm ở Người xuất hiện kể từ khi Người mới chỉ là chàng thanh niên đi làm phụ bếp bên trời Tây cho đến sau này trở thành nguyên thủ Quốc gia. Tất cả đều toát lên sự vĩ đại của một vĩ nhân xứng đáng được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới đến kỳ lạ. Một vĩ nhân rất khó có ai học được ở Người.

chu-tich-hcm-1684466996.jpg

Chàng trai xứ Nghệ ứng xử đầy nghĩa tín đến không tưởng với người mình chịu ơn

Tháng 10/2015, lần đầu tiên Tạp chí Xưa và Nay (Cơ quan Trung ương của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) công bố một bài viết của tôi nhằm "giải mã" về một khoảng trống chưa đề cập trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài viết có tựa đề "Về một quãng thời gian "trống" trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh". Qua đó, người dân Việt Nam chúng ta cùng bạn bè quốc tế sẽ ít nhiều hiểu ra vì sao trong tiểu sử của một lãnh tụ vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các năm từ 1914 - 1917 lại không thấy đề cập.

tap-chi-xua-nay-1684466592.jpg
Bài báo tác giả từng công bố trên tạp chí Xưa & Nay tháng 5/2015 có đề cập chuyện Bác Hồ từng đi lính trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất

Câu chuyện sau đây là do tôi được đọc từ bản viết tay được ghi từ bóc băng vào năm 2004 do cố Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, cụ Vũ Kỳ kể. Nơi ghi âm và cung cấp cho tôi là bà Nguyễn Thị Tình, tiến sĩ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh . 

Cụ nguyên là Thư ký riêng nhiều chục năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ muốn truyền đạt lại cho Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh năm đó như một sự bàn giao tư liệu đặc biệt cho lớp sau được rõ, còn khi nào công bố lại là chuyện khác .

Cụ Vũ Kỳ lúc này đã lâm bệnh nặng, nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, Hà Nội .

Chuyện cụ Vũ Kỳ kể như sau:

Vào khoảng năm 1967, Bác Hồ mời cơm "Anh Cả" Nguyễn Lương Bằng, một nhà lãnh đạo gương mẫu được Bác Hồ quý trọng và tin cậy. 

Cụ Vũ Kỳ có mặt trong bữa cơm đó và nghe được câu chuyện trao đổi riêng tư giữa hai nhà cách mạng lão thành. 

Bác Hồ kể cho "Anh Cả" câu chuyện việc mình đã nhận đi lính thay cho con trai Vua Bếp A.Escoffier khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bùng nổ. 

dau-bep-1684466737.jpg
Vua đầu bếp Escoffier, người rất quý nến chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành do phát hiện ở Người những tố chất đặc biệt

A.Escoffier là người Pháp. Ông đến hành nghề ở nước Anh và có một con trai tên là Paul Escoffier vào thời điểm ấy lại đến tuổi đăng lính nghĩa vụ. Vua Bếp là người giàu có và e ngại con trai của mình phải ra mặt trận. Người phụ bếp "An Nam" trẻ tuổi từng gây ấn tượng và được Vua Bếp giành những ưu ái (như sách của Trần Dân Tiên đã thuật lại), đã nhận lời đi lính thay cho anh con trai của Vua Bếp với lời hứa sẽ giữ kín vụ việc. Người có thổ lộ với Anh Cả rằng mình từng có 3 năm đi lính cho liên minh Anh - Pháp (vì là đồng minh) trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Đó là sự trả ơn vị vua đầu bếp nổi tiếng thế giới tên là Escophier, nhân vật đã từng giúp Bác học nghề tại Khách sạn Carlton tọa lạc tại đường Haymarket nổi tiếng ở London bên Anh quốc. 

Ông Escoffier từng được thế giới ca tụng là Vua của các vị Vua bởi các nguyên thủ thế giới một khi đã đến Anh quốc nếu ở khách sạn mà ông làm đầu bếp. Khi đó, các món ăn sẽ đều do Escophier đảm trách. 

Nhưng vị đầu bếp lừng danh này đã nhìn ra ở chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành của chúng ta là một chàng trai có tư chất đặc biệt, khác người và đáng nể trọng... 

Mục sự kiện trong Biên niên tiểu sử Hồ Chí Mình từng mô tả: Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa và đồ đạc. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc làn một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bít tết để đưa lại cho nhà bếp.

Ông Vua Bếp có chú ý tới việc làm đó và hỏi Nguyễn Tất Thành: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác?” Tất Thành trả lời: “Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy...”

Vua Bếp vừa nói vừa cười nhưng có vẻ bằng lòng: "Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dậy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Những người trong khách sạn cho đó là một việc lớn vì lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế". 

Nội dung này những người làm sách Biên niên trích ra cũng từ cuốn sách của Trần Dân Tiên (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).

Từ đó, vị vua đầu bếp này thường dành cho Nguyễn Tất Thành những tình cảm rất khó quên khiến Nguyễn Tất Thành đặc biệt cảm kích...

Có thể vì cảm kích và chịu ơn Vua Bếp từng cưu mang, giúp đỡ mình mà Nguyễn Tất Thành chấp nhận đi lính thay con trai Vua Bếp?

Song với tôi, điều này thì đúng nhưng chưa đủ sức thuyết phục hoàn toàn. Phải chăng Người còn muốn qua thử thách này mà có vốn sống thực tiễn để làm cách mạng giải phóng dân tộc sau này? Không ai có thể phủ nhận rằng, chính nhờ có thời gian đi lính nói trên, một việc làm có thể mất mạng lúc nào không hay mà Nguyễn Tất Thành (khi đó mang tên Paul Thành) có dịp tốt để tiếp xúc với nhiều giới chức khác nhau, thành phần giai cấp khác nhau trong quân đội phương Tây, trong đó có các nhà hoạt động xã hội. Vì thế nên không loại trừ nhờ có vậy mà Người sau này khi xuất ngũ có điều kiện quảng giao hơn khi cùng người Pháp, qua đó cùng bàn thảo thành lập Đảng Cộng sản Pháp? Và lý do cuối cùng, vì sao Người không kể với ai là do chính Người đã từng cam kết với Vua Bếp - cha của Paul là sẽ bí mật, không kể với ai .  

Tôi nghĩ, mọi chi tiết trong việc "giải mã" này cũng là chỉ để góp phần làm đậm nét hơn những trải nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ đã trải qua gần như cả cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (3/4 thời gian) với tư cách một người lính châu Âu. Mục đích là để tích lũy những tri thức về chiến tranh và cách mạng. Từ đó giúp cho sau này Người vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong việc biến cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thành cơ hội cho cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc Việt Nam thành công cũng như trong chỉ đạo các cuộc kháng chiến sau này.

Xin nói thêm: Sau khi được nghe cụ Vũ Kỳ trăng chối lại cho người kế nhiệm chuyện xưa về Bác (cụ Nguyễn Lương Bằng có dặn cụ Vũ Kỳ, chuyện này chỉ có hai ta biết vậy. Sau này, khi ai còn sống, thì người "đi" sau cùng sẽ có trách nhiệm bàn giao thông tin này lại cho tổ chức biết).

Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh khi biết chuyện trên đã báo cáo ngay với cấp trên và Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin - Thể thao đã ra quyết định cử ngay một cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Nga để khai thác, thẩm tra tư liệu trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản.

pham-quang-nghi-1684466845.jpg
Ý kiến của Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin khi nghe báo cáo chuyện cụ Vũ Kỳ trăng chối một giai đoạn trong tiểu sử Bác Hồ

Tài liệu nói trên đã được công bố trong cuốn sách "Hồ Chí Minh với nước Nga" do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia tổ chức xuất bản năm 2013 (sách có lời giới thiệu của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi đó là ông Đinh Thế Huynh). 

ban-ly-lich-1684466592.jpg
Bản lý lịch được lập theo lời khai của chính Nguyễn Ái Quốc. Được Người khai ngày 16/9/1934 để đến tháng 10 năm đó được nhập học Trường Quốc tế Lênin. Với bí danh Linôp (Linof). Bác khai năm sinh là 1894, bản khai này đề cập tới nhiều chi tiết trong đó có một chi tiết đáng chú ý tại mục khai về công việc (nghề nghiệp) qua từng thời gian hoạt động: "Làm lính (tại) Pháp (vào thời gian) 1914-1918 (xem ảnh đã dịch từ chữ Nga sang Việt)

Và quả đúng như Bác kể. Nguyễn Tất Thành trước khi mang tên Nguyễn Ái Quốc đã từng có những năm mang tên Paul Thành để đi lính trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất thay con trai vị Vua Bếp. Chính Người đã khai rất rõ trong lý lịch cá nhân mình như vậy khi sang Nga công tác theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản (tất nhiên lý lịch này Người khai năm sinh là 1894 thì chúng ta lại chưa rõ vì sao ).

Những chi tiết ấy cũng làm sáng tỏ hơn phẩm chất của một con người hành động vì nghĩa tín với những người cùng thời như gia đình của Vua Bếp Escoffier. Hồ Chí Minh chính là một con người đầy nghĩa tín. Đó cũng chính là sự tiềm ẩn cho phong cách ngoại giao khi Người trở thành nguyên thủ Quốc gia sau này.  

Quốc Phong

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/lanh-tu-ho-chi-minh-bac-thay-ve-ung-xu-luon-trong-nghia-tinh-phan-1-a10921.html