Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên nằm trên địa bàn 2 xã: Kim Liên và Nam Giang, huyện Nam Đàn, có diện tích rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, cụm di tích. Trong đó nổi bật là cụm di tích Hoàng Trù - quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm di tích Làng Sen - quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu mộ cụ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở Làng Hoàng Trù, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm Di tích Hoàng Trù có diện tích khoảng 3.500 m2, gồm: nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường, ông ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới khi 5 tuổi. Gian ngoài có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá đựng sách. Tại gian nhà này, cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với cụ Nguyễn Sinh Sắc về văn chương, chữ nghĩa, về thế sự ở đời. Đặc biệt ở gian thứ ba, có chiếc khung cửi mà cụ Hoàng Thị Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống gia đình. Ngôi nhà vẫn còn lưu giữ chiếc võng gai, nơi lúc nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm nghe tiếng ru của mẹ và nghe những câu chuyện cổ tích của bà ngoại… Cách làng Hoàng Trù khoảng 2km là Làng Sen, nơi gắn bó với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫu đã qua cả thế kỷ, nhưng những hình ảnh xưa cũ của Làng Sen vẫn được gìn giữ đến bây giờ. Đặc biệt là ngôi nhà 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị, nằm ẩn mình dưới hàng tre xanh mát của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà gắn bó với thuở thiếu thời của Bác, từ năm 1901-1906, sau khi cha của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng tại khoa thi hội, đã cùng các con rời Làng Chùa (Hoàng Trù) về đây sinh sống. Ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp tình cảm gia đình này đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần được tiếp xúc với các bậc sĩ phu, nhà nho yêu nước, từ đó sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi…
Thăm quê Bác ở Kim Liên, không chỉ được hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của Người, mà ta còn hiểu hơn về cuộc sống giản dị đã hun đúc nên một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Về quê Bác cũng là về với cội nguồn văn hóa tâm linh của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa ở xứ Nghệ. Thế nên, hàng năm, nhất là dịp 19/5 sinh nhật Bác, hàng triệu người cả trong và ngoài nước đã hành hương về đây với lòng thành kính và ước nguyện được hiểu và cảm nhận nhiều hơn về con người Bác, gia đình, quê hương Bác và một giai đoạn lịch sử của dân tộc còn trong đêm đen nô lệ.
Về quê Bác, chúng ta còn được thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý, nhà cụ đồ nho, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác,…
Khu Di tích không chỉ là điểm nhấn của du lịch Nghệ An mà còn là “địa chỉ đỏ” của du khách khi đến thăm mảnh đất có nhiều điều đặc biệt này. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa, lịch sử; lưu giữ ký ức về quê hương, gia đình, những năm tháng ấu thơ và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.
Về quê Bác, chúng ta sẽ cảm nhận được một cách đầy đủ về làng quê Việt Nam xưa đồng thời chứng kiến những kỷ vật hết sức thiêng liêng gắn bó một thời của Bác – người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Thắng Vũ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thang-5-ve-tren-que-huong-chu-tich-ho-chi-minh-a10911.html