Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cách chế biến, cách thưởng thức và ở tấm lòng nhiệt tình. Một trong những món ăn đó của người Hà nội người ta không thể không nhắc đến Bún ốc.
Người xưa có câu:
"Ốc tháng Mười, người Hà nội".
Hà nội là nơi có rất nhiều ao hồ, mỗi khi Thu về tiết trời dịu mát nước ao hồ sạch trong thì cũng là lúc người Hà nội nghĩ đến và thuởng thức món bún ốc vì chỉ có những thời điểm này trong năm là lúc con ốc ngon và sạch nhất.
Những con ốc nhồi béo ngậy được bắt từ ao hồ quanh Hà nội dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Hà thành đã biến nó trở thành một món ăn khó quên góp phần vào truyền thống ẩm thực của Việt nam.
Bát bún ốc của Hà Nội rất đẹp vì nó có màu đỏ của ớt chưng, màu tím của tía tô với những con ốc nhồi vàng ươm béo ngậy và những sợi bún trắng ngần...Nói về bún ốc Hà Nội người ta không thể quên món bún ốc nguội thơm mát, không tanh bởi bún ốc nguội mới đúng là món bún ốc chính gốc của người Hà Nội.
Bún ốc làm rất chậm và kỳ công vì khâu chế biến. Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam tả cô hàng bún ốc phải đợi có khách đến thì mới dùng “một cái dụng cụ một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước”.
Cứ làm từng con như thế đến khi đủ dùng cho một bát bún. Vậy nên lâu là phải. Có lẽ cái ngon của bún ốc cũng một phần nhờ cái lâu, cái đợi chờ. Thực khách ngồi hau háu nhìn đôi tay của cô hàng cứ thong thả nhể ốc, bốc bún, bốc tía tô thái răm, chan nước rồi trao cho khách như trao một món ân tình.
Bún ốc chỉ nên ăn từ sáng đến trưa, tối người Hà Nội không ăn bún ốc, khác với phở. Bún ốc ngon trước hết phải có vị cay chua của ớt, của bỗng rượu. Bún ốc có nhiều cách ăn: có thể chan, có thể chấm, có thể ăn nóng hoặc ăn nguội. Bún ốc không thay đổi nhiều lắm như các món ăn Hà Nội khác: vẫn là ớt chưng, vẫn là tía tô. Không có thứ gì cần tía tô và ớt chưng nhiều như bún ốc.
Một bát bún ốc ngon phụ thuộc rất nhiều vào nước dùng. Cũng với chừng ấy nguyên liệu, nhưng mỗi người lại gia giảm một cách khác nhau cho phù hợp với khẩu vị của khách. Ớt chưng là thứ gia vị không thể thiếu đối với món bún này. Nó có độ cay đậm hơn, nồng hơn so với tương ớt thông thường, dấm bỗng có vị chua thanh mát. Xà lách, tía tô... như những bước đệm nhỏ không thể thiếu cho sự thưởng thức.
Bún ốc có mặt ở tất cả các ngõ ngách của Hà Nội, không cần cửa hiệu, không cần bàn ghế sang trọng. Không nổi tiếng như phở, nhưng bún ốc Hà Nội lại tạo được nét riêng. Với nhiều thực khách, bún ốc được coi là món đặc biệt nhất và đã đạt đến “cái đích ăn ngon của người Hà Nội”.
Bún ốc Hà Nội chỉ có vậy, thật giản dị và bình dân nhưng lại rất lôi cuốn người thưởng thức. Vị đơn giản nhưng không đơn điệu, rất đậm đà và tạo sự ngon miệng đã khiến bún ốc càng trở lên phổ biến.
Ngày nay, bún ốc không chỉ là tài sản riêng của ẩm thực Hà Nội mà đã trở thành món ngon phổ biến có mặt ở rất nhiều nơi.
Huyền Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bun-oc-nguoi-ha-noi-a10902.html